Trao đổi về bài viết “Về thời điểm thụ lý đơn phản tố của bị đơn"

Ngày đăng : 00:04, 18/04/2019

(Kiemsat.vn) - Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì trong thời gian mở phiên tòa Tòa án không được quyền tiến hành thêm hoạt động tố tụng nào khác như thu thập chứng cứ, mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải … Tất cả những vấn đề phát sinh và cần phải giải quyết trong thời gian hoãn phiên tòa sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi phiên tòa được mở lại...

Qua nghiên cứu bài viết “Về thời điểm thụ lý đơn phản tố của bị đơn" của tác giả Phạm Thu Hà đăng trên Kiemsat.vn ngày 30/3/2019, tác giả bài viết có ý kiến trao đổi như sau:

Khoản 2 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS năm 2015) quy định “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Tại khoản 3 Điều 176 BLTTDS năm 2004 sửa đổi, bổ sung năm 2011(BLTTDS năm 2004) quy định “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm”.

So sánh hai quy định trên thì thấy rằng BLTTDS năm 2015 có quy định sửa đổi về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố: Nếu như BLTTDS năm 2004 quy định thời điểm bị đơn được quyền đưa ra yêu cầu phản tố là trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm thì BLTTDS năm 2015 quy định bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải; bởi vì trước đây, có nhiều trường hợp bị đơn không đưa ra yêu cầu phản tố ngay từ đầu trong quá trình hòa giải mà đợi đến khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử hoặc tại phiên tòa mới đưa ra yêu cầu phản tố, việc này làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, thậm chí là gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. BLTTDS năm 2015 đã sửa đổi theo hướng bị đơn chỉ có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Theo tôi quy định này là phù hợp thực tiễn, bởi vì ngay từ khi nhận được thông báo thụ lý vụ án, bị đơn đã được thông báo nếu có yêu cầu phản tố thì được quyền đưa ra yêu cầu phản tố cùng với việc nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu của nguyên đơn. Tương tự, trong suốt quá trình hòa giải, bị đơn cũng đã được giải thích quyền, nghĩa vụ của bị đơn trong đó có quyền đưa ra yêu cầu phản tố (nếu có); sau khi Tòa án kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần cuối cùng mà bị đơn vẫn không đưa ra yêu cầu phản tố thì phải chịu hậu quả về việc không thực hiện quyền của mình. Quy định về thời điểm bị đơn đưa ra yêu cầu phản tố cũng tương tự như quy định về thời điểm nguyên đơn sửa đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện.

Tại mục 7 phần III Văn bản số: 01/2017/GĐ-TANDTC ngày 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ có giải đáp như sau:Theo quy định tại Điều 5, khoản 4 Điều 70, khoản 2 Điều 71, khoản 3 Điều 200, khoản 2 Điều 210, Điều 243 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì:

- Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

- Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu…”.

Như vậy, tinh thần chung của BLTTDS năm 2015 là sau khi Tòa án đã kết thúc phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải (có thể là lần cuối cùng trong vụ án) thì các đương sự không được quyền đưa ra hoặc đưa thêm yều cầu mới để Tòa án xem xét giải quyết.

Trở lại vụ án mà tác giả nêu: Vào ngày  01/8/2018, Tòa án ban hành quyết định đưa vụ án ra xét xử; Ngày 21/8/2018, Tòa án tiến hành mở phiên tòa, Kiểm sát viên đề nghị hoãn phiên toà theo quy định tại Điều 241 BLTTDS 2015 (vì vắng mặt nguyên đơn). Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa. Ngày 29/8/2018, bị đơn có đơn yêu cầu phản tố với nội dung: đề nghị nguyên đơn phải tháo dỡ, di dời tài sản trên đất và trả lại diện tích đất cho bị đơn. Ngày 12/9/2018, Tòa án thông báo về việc thụ lý yêu cầu phản tố của bị đơn. Như vậy, theo quan điểm của tôi, Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn là chưa đúng quy định, vì các lý do sau:

hứ nhất, Tòa án đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử nhưng sau đó hoãn phiên tòa vì vắng mặt nguyên đơn. Cho nên theo quy định tại khoản 2 Điều 100 BLTTDS năm 2015 thì bị đơn không được quyền đưa ra yêu cầu phản tố. Do đó, trong trường hợp này Tòa án không được chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn. Không vì lý do phải giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn để vụ án giải quyết triệt để mà Tòa án chấp nhận yêu cầu phản tố của đơn. Hiện tại quy định tại khoản 2 Điều 200 BLTTDS năm 2015 không có hướng dẫn nào khác nên Tòa án cần tuân thủ quy định này. Ngoài ra, theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì đối với yêu cầu phản tố không được Tòa án chấp nhận giải quyết trong cùng vụ án thì đương sự có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết trong một vụ án khác.

Thứ hai, Tòa án đã ra quyết định hoãn phiên tòa vì nguyên đơn vắng mặt ngày 21/8/2018 nhưng trong thời gian hoãn phiên tòa thì ngày 29/8/2018 Tòa án tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là không đúng quy định. Vì theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 233 BLTTDS năm 2015 như sau: Thời hạn hoãn phiên tòa là không quá 01 tháng, đối với phiên tòa xét xử vụ án theo thủ tục rút gọn là không quá 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Trường hợp sau khi hoãn phiên tòa mà Tòa án không thể mở lại phiên tòa đúng thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa ghi trong quyết định hoãn phiên tòa thì Tòa án phải thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp và những người tham gia tố tụng về thời gian, địa điểm mở lại phiên tòa. Như vậy, theo BLTTDS năm 2015 thì trong thời gian mở phiên tòa Tòa án không được quyền tiến hành thêm hoạt động tố tụng nào khác như thu thập chứng cứ, mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải … Tất cả những vấn đề phát sinh và cần phải giải quyết trong thời gian hoãn phiên tòa sẽ được Hội đồng xét xử xem xét khi phiên tòa được mở lại.

Thứ ba, đây là vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất. Do đó, khi giải quyết vụ án đương nhiên, Hội đồng xét xử phải xem xét, quyết định phần đất tranh chấp là của ai. Nếu có căn cứ cho rằng đất là của bị đơn nhưng có tài sản của nguyên đơn trên đất thì Tòa án có thể buộc nguyên đơn phải tháo dỡ tài sản để trả lại đất cho bị đơn hoặc công nhận đất cho nguyên đơn, buộc nguyên đơn trả lại giá trị đất tương ứng cho bị đơn và trong trường hợp này nguyên đơn được quyền tiếp tục quản lý, sử dụng tài sản của mình trên đất. Các đương sự không tranh chấp về tài sản trên đất mà chỉ tranh chấp về quyền sử dụng đất. Do đó, đối với yêu cầu di dời tài sản trên đất tranh chấp nếu bị đơn không đưa ra thì Hội đồng xét xử cũng cần phải xem xét giải quyết để vụ án được giải quyết triệt để.

 

Dương Thanh