Vấn đề miễn án phí trong tố tụng dân sự: Công nhận sự thoả thuận hay bác đơn khởi kiện?

Ngày đăng : 14:54, 16/04/2019

(Kiemsat.vn) - Trong tố tụng dân sự, việc xác định đúng yêu cầu của đương sự là hết sức quan trọng; bài viết này đề cập đến một vụ án cụ thể hiện đang có những quan điểm về đường lối giải quyết khác nhau liên quan đến án phí để bạn đọc cùng trao đổi

 Ngày 11/11/2016, bà A (là người cao tuổi) và chị B cùng mua chung ô đất số B13, lô 32 của bà C với giá là 1.870.000.000đ nhưng đứng tên anh D (người nhà chị B). Ngày 24/11/2016, chị B và bà A thỏa thuận: Chị B được quyền sử dụng ô đất này và trả lại cho bà A số tiền đã góp mua đất là 700.000.000đ (chị B đã viết cam kết trả trong thời hạn 01 tháng). Sau khi hoàn tất thủ tục chuyển nhượng, chị B đã thế chấp, bảo lãnh để vay tiền ngân hàng. Do nhiều lần đến đòi nhưng chị B không trả nên bà A đã khởi kiện yêu cầu chị B phải trả cho bà số tiền 805.000.000đ (nợ gốc 700.000.000đ và lãi 105.000.000đ). Tại Tòa sơ thẩm, chị B đồng ý trả nợ cho bà A nhưng sẽ không trả ngay một lúc mà trả nhiều lần. Bà A không đồng ý yêu cầu thanh toán một lần.

 Với nội dung trên, án sơ thẩm đã Quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A đòi trả tiền đối với chị B. Buộc chị B phải trả cho bà A tổng số tiền là 805.000.000đ (tiền gốc là 700.000.000đ, tiền lãi 105.000.000đ); buộc chị B phải chịu 36.150.000đ án phí dân sự sơ thẩm. 

Chị B kháng cáo toàn bộ bản án không đồng ý trả tiền vì: Chị không vay bà A mà đây là tiền góp mua đất chung. Chị không đồng ý tính lãi suất và đề nghị khi nào bán được đất thì sẽ chia tiền theo vốn góp. 

Quá trình cấp phúc thẩm thụ lý, chị B và bà A đã tự chuyển nhượng ô đất cho chị G (con gái bà A) theo phương pháp đối trừ khoản nợ, chị G chỉ thanh toán cho chị B số tiền tương ứng với số vốn góp của chị B đối với ô đất.

Tại phiên tòa phúc thẩm, chị B có quan điểm không chấp nhận bản án sơ thẩm đã tuyên chị chịu án phí vì hai bên đã tự thỏa thuận giải quyết xong; bà A đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quan điểm giải quyết cấp phúc thẩm cho rằng: Bà A và chị B cùng góp tiền mua chung ô đất số B13, lô 32. Nhưng sau đó, chị B đã mua cả ô đất và ngày 24/11/2016 viết giấy cam kết nhận và trả nợ cho bà A số tiền 700.000.000đ, hẹn sau khi thế chấp ô đất vay được tiền Ngân hàng sẽ trả cho bà A. Do không có khả năng trả nợ nên Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A là có căn cứ. Trước khi xét xử sơ thẩm (ngày 28/9/2018), các bên đã tự thỏa thuận bà A chi thêm tiền để được toàn quyền sử dụng ô đất. Nhưng chị B không rút kháng cáo, bà A không rút đơn khởi kiện mà đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật. Do đó, yêu cầu khởi kiện của bà A về đòi số tiền 805.000.000đ là không còn căn cứ

Với những nhận định nêu trên, bản án phúc thẩm đã quyết định: Chấp nhận kháng cáo của chị B, không chấp nhận đơn khởi kiện của bà A, do bà A là người cao tuổi có đơn đề nghị miễn án phí nên miễn nộp án phí cho bà A số tiền 36.150.000đ.

Xung quanh vấn đề này, có những quan điểm về đường lối giải quyết khác nhau:

1. Quan điểm thứ nhất:

Từ việc thỏa thuận và đối trừ nợ như trên thì yêu cầu khởi kiện của bà A buộc chị B phải trả số tiền 805.000.000đ (Trong đó, tiền gốc là 700.000.000đ, tiền lãi 105.000.000đ) là không còn căn cứ. Vì vậy, Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của chị B, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà A và miễn án phí cho bà A là đúng quy định tại Khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự và Nghị quyết 326/2016 của UBTVQH.

2. Quan điểm thứ hai : Do tính chất phúc thẩm là xét xử lại vụ án bị chị B kháng cáo. Trong vụ án này, chị B kháng cáo không đồng ý trả tiền vì cho rằng đây không phải là quan hệ vay nợ. Bản án phúc thẩm cũng nhận định cấp sơ thẩm đã xét xử đúng quy định của pháp luật nên không thể sửa bản án theo hướng không chấp nhận đơn khởi kiện.

 Trong thời gian chuẩn bị xét xử phúc thẩm, vụ án phát sinh tình tiết mới đó là: Giữa nguyên đơn và bị đơn đã giải quyết xong số tiền chốt nợ, hai bên không còn nghĩa vụ gì với nhau. Như vậy, việc thỏa thuận và đối trừ công nợ như trình bày của các bên tại phiên tòa phúc thẩm là tự nguyện và không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội. Căn cứ Điều 300, Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án phúc thẩm cần quyết định sửa bản án sơ thẩm, công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc đã thanh toán nợ xong. Trong trường hợp này, do các bên không thỏa thuận với nhau về việc chịu án phí sơ thẩm,  nên cần buộc chị B phải chịu toàn bộ án phí theo quyết định của cấp sơ thẩm là 36.150.000đ.    

Cá nhân tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai; rất mong các độc giả - nhất là những người đã và đang làm nhiệm vụ giải quyết, kiểm sát việc giải quyết án dân sự cùng bàn luận, đánh giá và đưa ra những quan điểm khoa học để đi đến thống nhất trong nhận thức, từ đó áp dụng thực thi pháp luật, đảm bảo đúng trình tự, thủ tục mà Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định. 

 

Phạm Công Đông, Trưởng Phòng 9 VKSND tỉnh Quảng Ninh