Giết người yêu sau khi chia tay: Giải pháp nào để giải quyết vấn đề

Ngày đăng : 10:45, 10/04/2019

(Kiemsat.vn) - Dự luận hiện đặc biệt quan tâm và hết sức lo lắng trước tình trạng nhiều nam thanh niên hăm dọa, bạo hành, thậm chí ra tay giết người yêu hết sức dã man.

"Khi xảy ra hiểu lầm, cãi vã hoặc chia tay, nhiều người rơi vào trạng thái thất vọng và tuyệt vọng. Nếu như trong tình yêu gặp người bạn không chung thủy, bị áp bức, trì triết,... hoặc rơi vào hoàn cảnh “bị đá”, bị túng quẫn hoặc cảm thấy mình bị dồn vào bước đường cùng có thể dẫn đến việc ra tay sát hại người mình yêu. Chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Trần Đình Hải - giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội nhận định.

Phóng viên Kiemsat.vn trao đổi  với chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Trần Đình Hải - giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội

Trao đổi với phóng viên kiemsat.vn, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học Trần Đình Hải - giảng viên Trường Đại học Kiểm sát Hà Nội chia sẻ, muốn giảm bớt nguy cơ bị bạo hành sau chia tay, thì từ cả hai phía cần có ý thức chia tay một cách văn minh, lịch sự, nhẹ nhàng, êm thấm trên cơ sở tôn trọng nhau. Điều đó có nghĩa, cần cố gắng để sự tan vỡ không bằng con đường trốn tránh, chê bai, nói xấu, bôi nhọ, lên án, đổ lỗi, hận thù, ích kỉ,... Điều cần thiết là nên trao đổi thẳng thắn, chia sẻ cảm xúc, trăn trở thật lòng và kiên nhẫn để thời gian giúp cả hai chấp nhận sự kết thúc của mối quan hệ. 

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó không phải dễ dàng, cần có sự chân thành, ý thức tự rèn luyện bản thân. Bên cạnh đó với các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, ngay trong mỗi gia đình, trong cộng đồng, các cơ quan chức năng hay toàn xã hội đều đóng vai trò quan trọng.
 

Về phía người trong cuộc

Trước hết bản thân họ phải có ý thức tự rèn luyện, phải thấy được sự cần thiết của sự nghiêm túc, ý thức chia sẻ, tin tưởng, cảm thông hay sự thiêng liêng trong tình yêu đôi lứa để có những lựa chọn phù hợp cho mình. Tránh những hành động thô lỗ, cục cằn, dày vò, đay nghiến, miệt thị, sống bội bạc gây ức chế cho đối phương. Rất nhiều trường hợp do xuất phát từ thiếu sự thấu hiểu, cảm thông giữa hai bên, việc chưa “tìm hiểu kĩ”, không có sự chuẩn bị cho nền tảng hạnh phúc gia đình lâu dài sẽ dẫn đến xung khắc. Xung khắc mà thiếu lý trí cộng với không kiềm chế dẫn đến bạo lực, từ đó đổ vỡ hạnh phúc cũng như hành hạ nhau khi chia tay. Thực tế cho thấy, nếu cả hai ứng xử văn minh, có văn hóa thì dù có tổn thương sau chia tay, đối phương cũng “không lỡ” có những hành vi tấn công ngược lại mình.

Mặt khác, bản thân người phụ nữ trong quan hệ này cần dứt khoát, mạnh mẽ trong việc đối phó. Hầu hết phụ nữ khi bị người yêu bạo hành đã chọn cách im lặng và chính từ sự cam chịu, nhẫn nhịn, chấp nhận hoàn cảnh đã vô tình dung dưỡng cho bạo lực, trở thành “đồng lõa” khiến cho tình trạng bạo lực ngày càng trầm trọng. Điều này cũng ngầm chứa đựng sự tan vỡ, bởi để xây dựng một tình cảm hạnh phúc, nhất định phải xuất phát từ tình yêu thương của cả hai phía. 

Cần tránh tư tưởng tự do yêu đương theo kiểu kiểm soát nhau như: kiểm soát các phương tiện cá nhân từ facebook tới nhắn tin, gọi điện,... Tránh sự nhầm lẫn cho rằng sự ngăn cấm, kiểm soát là một phần trong tình yêu mà không biết rằng đó cũng là một dạng bạo hành và là mầm mống cho nhiều điều ức chế.

Trong chuyện tình cảm cũng luôn cần tự tu dưỡng bản thân, chấp nhận bản thân để biết chỗ nào mình cần khắc phục để tốt hơn, chỗ nào cần phát huy để hướng thiện. Cần biết cách chấp nhận tất cả những người xung quanh như họ vốn có, với tất cả những sự khác biệt với mình.

Từ phía người thường xuyên bị ức hiếp, bạo hành điều quan trọng nhất để thoát ra khỏi vấn nạn này, để tránh hậu quả đáng tiếc khi chia tay là cần biết đâu là thời điểm cần phải rời bỏ, phải chia tay.

Cần chủ động tích cực tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động gắn kết yêu thương của cộng đồng, chăm chỉ lao động hay chơi thể thao, tham gia vào các hoạt động lành mạnh, nhất là các hoạt động đòi hỏi sự bền bỉ, nhẫn nại để tự rèn luyện tính kiên trì, chịu thương, chịu khó, tính cách hòa đồng, nhã nhặn, đây cũng là biện pháp tự khắc phục những khiếm khuyết của khí chất bẩm sinh như nóng nảy, cục cằn.

Cần rèn luyện và tìm hiểu, nâng cao ý thức cũng như hậu quả của những hành động bạo lực đó, cần nhận thức rõ sự trừng trị của pháp luật cũng như lên án của dư luận xã hội nếu gây tội ác.
Tránh xa các tệ nạn ma túy, sử dụng chất kích thích, cờ bạc, rượu chè hay lối sống thiếu lành mạnh, không để bản thân bị ảnh hưởng xấu từ các văn hóa phẩm độc hại, bạo lực trên hệ thống truyền thông.

Khi có dấu hiệu của sự tổn thương, ức chế, thiệt thòi trong khi xảy ra mâu thuẫn, cần luyện tập cho mình các kĩ năng cần thiết như: Cố gắng làm chủ cảm xúc của mình về điều đã xảy ra và tự lý giải nguyên nhân của sự việc, tránh xử lý hấp tấp, vội vàng, nông nổi. Nếu cần thiết có thể chia sẻ với người mình đặt niềm tin để luôn có cảm giác bình tĩnh, an toàn; cần nghĩ tha thứ là vì chính bản thân mình chứ không phải vì bất cứ ai khác. 

Nên nhận thức sự bất an lúc này xuất phát từ cảm giác bị tổn thương và nỗi lo sợ đang trải qua, không nên suy nghĩ nặng nề về sự trả thù; suy nghĩ sống tử tế, đàng hoàng là “cách trả thù” tốt nhất. Không nên gieo thêm sự căm giận, không nghĩ quá nhiều để cảm xúc bị tổn thương. Để tránh mất bình tĩnh, khi nóng giận có thể hồi tưởng lại những kí ức đẹp, những khoảnh khắc cảm động, tích cực từ phía đối diện để nhìn nhận lại sự việc với một thái độ lạc quan hơn.

Khi có dấu hiệu của những hành vi xâm hại tính mạng, sức khỏe từ phía kia cần bình tĩnh đối phó: Nếu bị bạo hành tinh thần thì cũng không nên trả thù bằng những hành vi xúc phạm, miệt thị; lý giải các biểu hiện của phía kia để cố gắng hiểu những tổn thương tâm lý mà phía đó đang gặp phải, từ đó sẽ bình tĩnh và hình thành cách ứng xử lịch sự và khéo léo, tránh gây uất ức, thù hận, xúc phạm làm phức tạp thêm tình hình. Nếu dấu hiệu bị xâm hại không chấm dứt, thậm chí tiếp tục gia tăng thì có thể áp dụng biện pháp im lặng, không hồi âm, chặn số điện thoại…Cần kịp thời báo cho người khác, đặc biệt là các cơ quan chức năng nếu có cơ sở bị đe dọa đến sự an toàn của bản thân.

Về phía gia đình, xã hội

Cha mẹ, thầy cô cần dạy con về sự tự tôn, lòng tự trọng, biết yêu quý bản thân mình và tôn trọng những người xung quanh, biết sống vì người khác, gạt bỏ cái tôi không cần thiết trong các mối quan hệ cá nhân. Mặt khác, nếu ngay từ trong môi trường gia đình hay trên ghế nhà trường những đứa trẻ được dạy và rèn giũa từ nhỏ sẽ hình thành ý thức về ứng xử có văn hóa để hạn chế hành vi bạo lực dù có bị tổn thương, bị sang chấn tâm lý bởi họ học được cách quản lý cảm xúc, vượt qua khó khăn mà không cần dùng đến hành vi bạo lực dưới bất kỳ hình thức nào.

Trong giáo dục gia đình, cần đảm bảo việc dạy con đúng cách, không lạm dụng việc nặng lời quát tháo con cái hay để chúng phải sống quen với cảnh bạo lực trong gia đình, tránh trường hợp khi lớn lên, nhiều cá nhân đã vô tình xem bạo lực trong tình yêu hay thậm chí coi đó là chuẩn mực trong mối quan hệ lứa đôi, nhất là đối với người phụ nữ sẵn sàng hài lòng với chuyện mình bị đánh đập, xem đó là chuyện tất yếu mà người phụ nữ phải chịu đựng.

Gia đình không nên tạo cho con cái một cái vỏ bọc quá cứng nhắc sẽ gây nên tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, chơi bời và hưởng thụ. Cần có thái độ phê phán lên án những hành vi thô bạo và phải có những biện pháp xử lí có tính chất răn đe, để làm gương cho người khác.

Đối với Nhà trường, trách nhiệm của họ không chỉ truyền đạt những kiến thức văn hóa mà còn phải giáo dục đạo đức, lối sống, hình thành và phát triển phẩm chất nhân cách của người học, dạy chữ phải đi đôi với dạy người. Cần nắm được chất lượng toàn diện trên tất cả các mặt, không chỉ học mà còn là sự tu dưỡng, rèn luyện của các em học sinh giúp phát hiện sớm và kịp thời ngăn chặn tư tưởng thờ ơ vô cảm trước những hành động bạo lực. Cần chú trọng việc dạy các môn học giáo dục công dân, giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh để mối cá nhân có cách ứng xử văn minh với sự bực dọc và biết yêu thương con người.

Đối với đối tượng học sinh, sinh viên nam giới, Nhà trường cần cần dạy học trò của mình ý thức về giới tính của mình, về ý thức sức mạnh của một người đàn ông không phải để ra oai, dùng vũ lực nhất là trong chuyện tình cảm sau này mà phải dùng để bảo vệ những người yếu thế, người dễ bị tổn thương, kém may mắn… hơn mình.

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung các chính sách, nhất là chính sách hình sự liên quan đến bảo vệ tính mạng, sức khỏe con người; tăng cường thực hiện các chính sách đã ban hành; phối hợp hiệu quả trong xử lý các vụ việc vi phạm, bảo đảm kịp thời, nghiêm minh. Tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng của công dân phòng, chống bạo lực trong chuyện tình cảm.
 

Thiên Thanh