Trách nhiệm công tố trong hoạt động công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra của Kiểm sát viên trong việc thu thập và kiểm sát thu thập chứng cứ

Ngày đăng : 08:52, 29/03/2019

(Kiemsat.vn) - Thực hành quyền công tố là hoạt động của VKSND trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự. 

Thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, ngày 06/12/2013, Viện trưởng VKSND tối cao ban hành Chỉ thị số 06/CT-VKSTC: Về tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội.

Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra vừa là nhiệm vụ, vừa là quyền hạn của Viện kiểm sát trong hoạt động tố tụng hình sự. Điều 11, Luật Tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra nhằm bảo đảm cho hoạt động điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tuân thủ các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật này; phải phát hiện kịp thời và yêu cầu, kiến nghị Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động điều tra”.

Để Viện kiểm sát nắm chắc tiến độ điều tra vụ án, bám sát quá trình điều tra và kiểm sát tốt việc thu thập chứng cứ và lập hồ sơ vụ án, khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015 quy định:

“Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát theo quy định của Bộ luật này thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển biên bản, tài liệu này cho Viện kiểm sát để kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 15 ngày. Trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Việc giao, nhận tài liệu, biên bản được lập biên bản theo quy định tại Điều 133 của Bộluật này”.

Ngày 19/10/2018, VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP quy định về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khởi tố, điều tra và truy tố. Điều 34, 35 của Thông tư liên tịch quy định cụ thể về hình thức chuyển, giao nhận tài liệu, chứng cứ về hoạt đồng điều tra; về việc thống kê, giao nhận tài liệu chứng cứ vụ án trong giai đoạn điều tra, truy tố.

Theo đó, việc chuyển, giao nhận tài liệu, chứng cứ được thực hiện trực tiếp hoặc được gửi bảo đảm qua dịch vụ bưu chính; trường hợp do trở ngại khách quan có thể chuyển giao bằng hình thức fax. Việc thống kê và đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra được thực hiện như sau:

- Trước khi chuyển cho Viện kiểm sát biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hoặc hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu;

- Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu quy định tại Điểm a Khoản này và biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra.

Việc thống kê, đánh số và đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra và trong giai đoạn truy tố được thực hiện như sau:

- Khi kết thúc điều tra, các biên bản, tài liệu trong quá trình khởi tố, điều tra do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Điều tra viên đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các biên bản, tài liệu theo thứ tự từ 01 cho đến hết. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Điều tra viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Điều tra viên được đưa vào hồ sơ vụ án;

- Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án. Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án.

Ảnh minh họa

Để thực hiện tốt trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra trong việc thu thập và kiểm sát thu thập chứng cứ, trước tiên Kiểm sát viên được phân công phải kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra và các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC, ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhằm quản lý chặt chẽ và phân loại, xử lý thông tin tội phạm bảo đảm mọi hành vi phạm tội đều phải được phát hiện, điều tra và xử lý theo quy định của pháp luật, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm đó cũng chính là nhiệm vụ quan trọng gắn với chức năng công tố của Viện kiểm sát.

Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động, kịp thời đề ra yêu cầu điều tra bảo đảm có căn cứ, sát với nội dung vụ án bảo đảm để Điều tra viên kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án. Đề ra yêu cầu điều tra là một quyền năng quan trọng của Kiểm sát viên thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự. Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói. Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án.Thực hiện kiểm sát điều tra ngay từ đầu cũng tạo điều kiện để Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thống nhất quan điểm trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tội danh và hướng xử lý đối với người phạm tội.

Kiểm sát viên phải nắm chắc tiến độ điều tra, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, yêu cầu Điều tra viên cung cấp ngay những tài liệu, chứng cứ mới thu thập được để kịp thời đề ra yêu cầu điều tra bổ sung. Kiểm sát viên được phân công thụ lý vụ án phải lập hồ sơ kiểm sát, trích cứu tài liệu thể hiện đầy đủ, kịp thời các thông tin, diễn biến quá trình điều tra và giải quyết vụ án.

Trong trường hợp bị can kêu oan, khiếu nại hoạt động điều tra hoặc có căn cứ xác định việc điều tra vi phạm pháp luật, có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc trong trường hợp khác khi xét thấy cần thiết, Kiểm sát viên trực tiếp hỏi cung bị can bổ sung tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Điều tra viên và Kiểm sát viên phải phối hợp để đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật, hạn chế thấp nhất trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Việc đánh giá chứng cứ, tài liệu của vụ án phải được Kiểm sát viên và Điều tra viên lập thành biên bản và lưu hồ của mỗi cơ quan.

Trong giai đoạn truy tố, Kiểm sát viên có thể trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần thiết phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

Kiểm sát viên khi đề xuất Lãnh đạo trong việc ban hành các quyết định giải quyết vụ án phải đảm bảo có căn cứ và cơ sở pháp lý, đúng người, đúng tội danh, đúng thời hạn luật định. Kiểm sát chặt chẽ các vụ án, bị can tạm đình chỉ điều tra. Kiểm sát viên phải phối hợp với Điều tra viên rà soát chứng cứ, tài liệu bảo đảm việc đình chỉ điều tra có căn cứ, đúng pháp luật, khắc phục việc lạm dụng Khoản 2 và đặc biệt là Khoản 3, Điều 29 Bộ luật Hình sự để đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự không đúng quy định của pháp luật. Thường xuyên đôn đốc việc bắt truy nã để phục hồi điều tra và truy cứu trách nhiệm hình sự.

BLTTHS năm 2015 điều chỉnh khái niệm về chứng cứ theo hướng không chỉ cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng mới được quyền thu thập chứng cứ. Người bị buộc tội, người bào chữa và một số người tham gia tố tụng khác cũng có quyền thu thập hoặc cung cấp chứng cứ. Do vậy, để thực hiện trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, Kiểm sát viên phải bảo đảm cho những chủ thể này tham gia theo quy định của pháp luật bảo đảm việc điều tra, thu thập chứng cứ khách quan, toàn diện và đúng pháp luật.

Hoàng Văn Viện - Phòng 1, VKSND tỉnh Lạng Sơn