Những cống hiến thầm lặng
Ngày đăng : 15:08, 25/03/2019
Ngành Kiểm sát nhân dân sắp bước sang năm thứ 60, kể từ khi thành lập, bộ phận lưu trữ của VKSND tối cao nói riêng, của toàn Ngành nói chung cũng sắp tròn 60 năm tuổi, cũng là chừng đó thời gian, các anh, các chị cần mẫn lao động, cống hiến thầm lặng cho ngành.
Thành lập từ tháng 2/1960, Phòng Lưu trữ của VKSND tối cao ban đầu được biết đến với tên gọi chính thức là Phòng Hành chính – Hồ sơ (thuộc Văn phòng VKSND tối cao), qua nhiều lần thay đổi với các tên gọi khác nhau, từ tháng 01/1985 đến nay, Phòng chính thức mang tên Phòng Lưu trữ trực thuộc Văn phòng VKSND tối cao.
Qua tìm hiểu được biết, với số lượng biên chế trước kia và ngay cả hiện nay khi đã có những công chức mới được bổ sung, khối lượng công việc mà các anh, các chị đảm nhận không ít, gắn liền với quá trình xây dựng và trưởng thành của VKSND tối cao. Bộ phận lưu trữ đang hàng ngày, hàng giờ tiếp nhận và quản lý số lượng hồ sơ, tài liệu vô cùng quan trọng, mang tính lịch sử của Ngành. Có thể nói, muốn biết tường tận về một ngành, một lĩnh vực cụ thể, ngoài chức năng, nhiệm vụ, những dấu ấn về chuyên môn, nghiệp vụ, không thể bỏ qua công tác lưu trữ, mỗi mét vuông tài liệu chứa đựng biết bao mồ hôi, sự vất vả của anh em toàn ngành. Với nỗ lực vượt khó, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo VKSND tối cao, anh chị em Phòng Lưu trữ đã từng bước xây dựng, sắp xếp, hoàn thiện được hệ thống văn bản, tài liệu phục vụ việc tra cứu, đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, học tập và làm việc của cán bộ, công chức VKSND tối cao.
Chị Phạm Thị Lan Hương, Trưởng phòng Lưu trữ, Văn phòng VKSND tối cao đang hướng dẫn nghiệp vụ cho nhân viên. Ảnh: B.V |
Nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ Phòng Lưu trữ VKSND tối cao đã kế tiếp nhau không ngừng tìm kiếm, thu thập, sưu tầm, gom góp, bổ sung, nâng cấp, tu bổ hệ thống kho lưu trữ nhằm bảo đảm việc lưu trữ được khoa học, hợp lý, dễ tra cứu và khai thác, sử dụng trong thực tiễn công tác của các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ của VKSND tối cao nói riêng, của VKSND các cấp khi có nhu cầu nói chung. Bất cứ lúc nào, kể cả ngày nghỉ, Phòng Lưu trữ vẫn luôn phân công người trực, để bảo đảm việc tra cứu kịp thời từng giờ, từng phút.
Khác với công tác chuyên môn, nghiệp vụ truyền thống của VKSND tối cao, công tác lưu trữ vốn ít người biết đến và không “lộ diện” rõ ràng, thành công của các anh, các chị, vì thế cũng không thể hiện cụ thể. Nhưng, nhìn vào hệ thống văn bản, tài liệu được sắp xếp bài bản, khoa học, gọn gàng, chúng ta phần nào cảm nhận được sự cố gắng, niềm đam mê với nghề của các anh, các chị. Có thể nói, đằng sau mỗi thành công, mỗi kết quả đạt được của công tác hàng năm, đều có bóng dáng thầm lặng của anh chị em lưu trữ.
Nhớ ngày trụ sở cơ quan còn ở 44 Lý Thường Kiệt, diện tích kho không rộng, tài liệu mỗi ngày một nhiều, có khi anh chị em của Phòng không có chỗ ngồi, nhưng tài liệu luôn được đặt ở những vị trí trân trọng. Điều kiện khó khăn của cơ sở làm việc cũ là một trong những nỗi lo thường trực của anh chị em Phòng Lưu trữ trong việc lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu của Ngành không bị hỏng, ẩm, mối mọt… Đến khi chuyển về trụ sở mới, lần đầu tiên trong suốt 59 năm Phòng Lưu trữ có kho riêng và đủ diện tích đáp ứng việc lưu giữ khối lượng tài liệu, hồ sơ nhiều năm của VKSND tối cao, anh chị em Phòng Lưu trữ mới có chỗ kê bàn làm việc thực sự.
Vất vả là thế nhưng chào đón chúng tôi luôn là những nụ cười ấm áp của những con người nơi đây. Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm tiếp năm, anh chị em Phòng Lưu trữ vẫn miệt mài, cần mẫn với công việc tiếp nhận, phân loại, sắp xếp, xây dựng danh mục tài liệu, cập nhật hệ thống quản lý… gần như không có sự thay đổi. Ngày ngày làm bạn cùng sách vở, tài liệu, hồ sơ, những giá sách lặng câm, nhưng ai cũng vui vẻ, lạc quan và trân trọng công việc của mình. Có người vừa ra trường đã được điều về công tác tại bộ phận lưu trữ, gắn bó ở đó cho đến khi nghỉ hưu.
59 năm trôi qua, Phòng Lưu trữ luôn là nơi những người yêu khoa học, những người đam mê với công việc tìm đến mỗi khi cần tra cứu, tìm kiếm tài liệu, văn bản, ở đó có những người yêu nghề, gắn bó đến khi nghỉ hưu như anh Khởi, yêu và nâng niu tài liệu giống báu vật như chị Hương, mải miết phân loại, xây dựng, sắp xếp tài liệu không ngơi tay như chị Hằng và còn nhiều, nhiều thế hệ đàn anh đi trước vẫn hàng ngày thầm lặng cống hiến sức lực, trí tuệ, dù ít người biết đến họ và những công sức mà họ đã bỏ ra qua tháng năm.