Về “hành vi quan hệ tình dục khác”

Ngày đăng : 15:25, 23/03/2019

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian qua các tội xâm phạm tình dục (nhất là xâm phạm tình dục đối với trẻ em) và thực trạng “mại dâm trá hình” đã và đang diễn ra ở mức báo động, tuy nhiên việc xử lý trong thực tế là chưa thỏa đáng, chưa triệt để.

Gần đây dư luận cả nước đang dậy sóng với việc thầy giáo Dương Trọng M. (giáo viên Trường tiểu học Tiên Sơn, huyện Việt Yên, Bắc Giang) sau khi uống rượu, trong lúc dạy học thêm, ông M. đã có hành vi véo tai, véo mũi, xoa lưng, vỗ mông một số học sinh nữ lớp 5. Ông Minh đã thừa nhận là đã “sờ vào vùng nhạy cảm của học sinh”. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Việt Yên đã xác định chưa đủ căn cứ chứng minh ông Minh có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.

Trả lời câu hỏi hành vi của ông Minh có phải “dâm ô” hay không, không chỉ ở riêng tội ở điều 146 BLHS năm 2015, mà còn nhiều tội khác trong BLHS và cả một số hành vi khác, không chỉ cơ quan tố tụng Việt Yên băn khoăn mà gần như các nhà làm luật và thực tiễn hiện vẫn còn rất nhiều vướng mắc, mà chìa khóa chính là trả lời câu hỏi thế nào là “hành vi quan hệ tình dục khác” mới được đưa vào là dấu hiệu cấu thành của một số tội xâm phạm tình dục trong BLHS năm 2015.

Ảnh minh họa

Trong BLHS năm 2015, “hành vi quan hệ tình dục khác” được quy định là dấu hiệu cấu thành tại các tội: tội hiếp dâm ( Điều 141), tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142), tội cưỡng dâm (Điều 143), tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 144), tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (Điều 145) và tội Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi (Điều 146).

Liên quan đến các nội dung này có ba khái niệm cần được giải đáp để có nhận thức thống nhất đó là: Giao cấu, hành vi quan hệ tình dục khác và dâm ô.

Giao cấu: Từ xưa và tất cả đã được thống nhất thừa nhận đó là hình thức quan hệ tình dục bằng cách đưa bộ phận sinh dục nam vào trong bộ  phận sinh dục nữ . 

Hành vi quan hệ tình dục khác: Theo Chuyên đề tập huấn của Tòa án nhân dân tối cao về những điểm mới sửa đổi bổ sung chương các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe... của BLHS 2015 ( do TS. Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND Tối cao chủ biên) đã lập luận: Theo quy định của BLHS năm 1999 thì yếu tố bắt buộc để chứng minh một người phạm tội hiếp dâm, cưỡng dâm là thực hiện việc “giao cấu” với nạn nhân. Tuy nhiên, thế nào là “giao cấu” thì hiện nay chưa được giải thích hoặc hướng dẫn cụ thể nên dẫn đến có cách hiểu chưa thống nhất. Mặt khác, trong thực tiễn hiện nay đã xuất hiện các hành vi quan hệ tình dục phi truyền thống, quan hệ tình dục giữa những người cùng giới tính... Do vậy, để bảo vệ quyền con người trong đó có người đồng tính, bảo đảm phản ánh đúng những yêu cầu của thực tiễn đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm tình dục, BLHS năm 2015 đã mở rộng nội hàm khái niệm “giao cấu” trong cấu thành các tội xâm phạm tình dục bằng cách bổ sung trường hợp“thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với các tội xâm phạm tình dục.

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng đa số những nhà nghiên cứu, lý luận và thực tiễn đều thừa nhận hành vi quan hệ tình dục khác có thể bao gồm các hình thức quan hệ tình dục như: quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng (có thể là bằng cách đưa bộ phận sinh dục vào miệng người bên kia, hoặc một bên dùng miệng xâm nhập bộ phận sinh dục bên kia, hoặc bằng cách liếm, hôn hít, bộ phận sinh dục của nhau), quan hệ sinh dục bằng tay, hoặc quan hệ tình dục có thể bằng cách dùng các dụng cụ, đồ chơi... tình dục cho nhau. Ngoài các hành vi này, những hành vi còn lại được xem là hành vi dâm ô.

Rõ ràng rằng, hiện nay, những hành vi được xem là dâm ô đã bị thu hẹp phạm vi một cách đáng kể. Như vậy những hướng dẫn tại “Bản tổng kết và hướng dẫn đường lối xét xử tội hiếp dâm và một số tội phạm khác về mặt tình dục” của Toà án nhân dân tối cao ngày 11/5/1967 và Thông tư liên tịch số 01/1998 ngày 02/01/1998 của TANDTC - VKSNDTC - BNV, cũng như nội dung bình luận của ông Đinh Văn Quế (nguyên Chánh Tòa Hình sự - TANDTC) về tội dâm ô (Điều 116 BLHS năm 1999): “Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em” là không còn phù hợp với quan điểm, tình hình hiện nay

Theo cá nhân, việc xác định khái niệm “hành vi quan hệ tình dục khác” như vậy sẽ đáp ứng được yêu cầu xử lý đối với những hành vi xâm hại tình dục hiện nay. Tuy nhiên, như trên đã nói việc trả lời câu hỏi thế nào là: “Hành vi quan hệ tình dục khác” chính là chìa khóa để giải quyết không chỉ trong xử lý các tội xâm phạm về tình dục mà còn cho cả một số tội phạm khác thuộc chương Các tội xâm phạm trật tự công cộng, như các tội: Tội chứa mại dâm (Điều 327), Tội môi giới mại dâm (Điều 328), tội mua dâm người chưa thành niên (điều 329) và xem xét xử lý một số hành vi vi phạm hành chính khác hiện nay vẫn đang vướng mắc. Cụ thể như sau:

Điều 3 Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm năm 2003 quy định:

1. Bán dâm là hành vi giao cấu của một người với người khác để được trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.

2.Mua dâm là hành vi của người dùng tiền hoặc lợi ích vật chất khác trả cho người bán dâm để được giao cấu.

3.Mại dâm là hành vi mua dâm, bán dâm …”.

Các hành vi mua dâm, bán dâm, mại dâm đã mô tả trên luôn có hành vi “giao cấu” và chế tài để xử lý các hành vi này được quy định tại Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính Phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình, có quy định cụ thể mức xử phạt đối với hành vi mua dâm, bán dâm, hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm. Cụ thể:

Điều 22. Hành vi mua dâm

1. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi mua dâm.

2. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp mua dâm nhiều người cùng một lúc...

Điều 23. Hành vi bán dâm

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi bán dâm.

2. Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp bán dâm cho nhiều người cùng một lúc...

Điều 25. Hành vi lợi dụng kinh doanh, dịch vụ để hoạt động mua dâm, bán dâm

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người đứng đầu cơ sở kinh doanh dịch vụ do thiếu tinh thần trách nhiệm để xảy ra hoạt động mua dâm, bán dâm ở cơ sở do mình quản lý.

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng việc mua dâm, bán dâm và các hoạt động tình dục khác làm phương thức kinh doanh....

Như vậy, theo quy định trên, đối với người bán dâm thì chỉ bị xử lý hành chính theo Điều 23 Nghị định 167/2013; người mua dâm bị xử lý theo Điều 22 nghị định này, nếu mua dâm người chưa thành niên thì bị xử lý hình sự về tội Mua dâm người chưa thành niên (Điều 329); nếu có hành vi chứa mại dâm, môi giới mại dâm thì bị xử lý hình sự bằng các tội tương ứng: Tội chứa mại dâm (điều 327), Tội môi giới mại dâm (điều 328) thuộc chương các tội xâm phạm trật tự công cộng.

Nhưng vấn đề đặt ra hiện nay là đối với các hành vi “kích dục” (chúng ta vẫn thường hay gọi) tràn lan ở các quán cafee đèn mờ, karaoke, tiệm hớt tóc, gội đầu, xông hơi, spa, tẩm quất, thư giãn và nhất là ở các cơ sở masage... sử dụng tiếp viên có hành vi kích dục.... nhưng không có hành vi “giao cấu”, thì hiện nay chỉ có chủ cơ sở bị xử lý hành chính theo theo quy định tại Nghị định 167/2013.

“Kích dục” (theo từ điển tiếng Việt) là động từ chỉ sự kích thích, hoặc có tác dụng kích thích sự ham muốn tình dục. Thế nhưng trong thực tế ở đây đang diễn ra chính là những hoạt động tình dục không thâm nhập mà thường là hành vi dùng tay, chân, miệng, ngực...để kích thích khoái cảm và thỏa mãng nhu cầu tình dục cho người khác mà không có hành vi “giao cấu”, thực trạng này chúng ta hiện nay vẫn hay gọi đó là “mại dâm biến tướng, mại dâm trá hình”.

Qua thực trạng các hành vi “kích dục” này chúng ta lại thấy bóng dáng của “hành vi quan hệ tình dục khác” như đã phân tích trên, mà theo chuyên đề tập huấn do TS. Nguyễn Trí Tuệ - Phó Chánh án TAND tối cao viết: “hành vi quan hệ tình dục khác” chính là một trong những nội hàm của khái niệm “ giao cấu” đã được mở rộng. Như vậy, việc mô tả thế nào là hành vi mua dâm, bán dâm, mại dâm tại Điều 3 Pháp lệnh phòng, chống mại dâm năm 2003 có còn phù hợp không, và việc quy định các hành vi đó chỉ bị xử lý hành chính theo nghị định 167/2013 có thỏa đáng không, hay phải xử lý hình sự bằng các tội danh tương ứng tại chương XXI Bộ luật Hình sự, mà đặc biệt là trong trường hợp sử dụng tiếp viên “kích dục” là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi thì “khách hàng” có bị xử lý không, xử lý hành chính hay hình sự, xử lý theo tội mua dâm người chưa thành niên (theo điều 329 BLHS) hay phải xử lý về Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi (theo điều 145 BLHS). 

Đây là những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn, mà chìa khóa chính là phải mô tả được khái niệm thế nào là “hành vi quan hệ tình dục khác”.

Trong thời gian qua các tội xâm phạm tình dục (nhất là xâm phạm tình dục đối với trẻ em) và thực trạng “mại dâm trá hình” đã và đang diễn ra ở mức báo động, tuy nhiên việc xử lý trong thực tế là chưa thỏa đáng, chưa triệt để (như vụ dâm ô vừa qua ở Bắc Giang), do vậy liên ngành tố tụng trung ương cần sớm có quan điểm thống nhất hướng dẫn chung để xử lý, đảm bảo tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa.

Phan Văn Toàn – VKSND huyện Tây Sơn, Bình Định