Nghệ An: Kiến nghị tăng cường công tác quản lý việc đưa người đi lao động ở nước ngoài

Ngày đăng : 08:26, 14/03/2019

(Kiemsat.vn) - Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng người dân xuất nhập cảnh trái phép, trốn ra nước ngoài ngày càng diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Việc công dân xuất cảnh trái phép sang nước ngoài không chỉ ảnh hưởng tới việc tổ chức sản xuất và thực hiện các chế độ, chính sách tại địa phương mà còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp đến quyền lợi, sức khỏe, tính mạng của người lao động.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề trên phóng viên của Kiemsat.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quang Tiến, Trưởng phòng Thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án an ninh ma túy VKSND tỉnh Nghệ An.

PV: Thời gian vừa qua, trên các kênh thông tin đại chúng, nhiều vụ án liên quan đến hoạt động tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài đang diễn biến ngày càng phúc tạp và có chiều hướng gia tăng, qua công tác kiểm sát, ông có thể cho chúng tôi biết rõ hơn về vấn đề này trên địa bàn tỉnh Nghệ An?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Như báo chí đưa tin, những năm gần đây, tình hình hoạt động của các đối tượng đưa người ra nước ngoài trái phép nhất là tại các tỉnh giáp biên giới ngày càng gia tăng, trong đó có tỉnh Nghệ An, phần lớn lao động ra nước ngoài làm việc đều là lao động phổ thông, trình độ học vấn thấp, không có tay nghề cho nên thường phải làm những công việc nặng nhọc, thời gian và cường độ lao động lớn, nhưng điều kiện làm việc không đảm bảo… không ít trường hợp còn bị chủ sử dụng lao động “quỵt tiền” bằng nhiều thủ đoạn, thậm chí nhiều người bị đối tượng xấu đưa, dẫn sang nước ngoài chiếm đoạt tiền, tài sản. Ngoài những rủi ro trên, họ còn đối mặt với nguy cơ trở thành nạn nhân của đường dây mua bán người; phụ nữ ép làm gái bán dâm, bị mua đi bán lại.

Có thể nói, nguyên nhân chủ yếu là do đời sống của người dân còn khó khăn nên có mong muốn cải thiện đời sống, nhanh chóng “thoát nghèo”, vì vậy đã tìm đến con đường xuất cảnh trái phép.

Đối với tỉnh Nghệ An là tỉnh có quy mô lao động lớn, tiềm năng nguồn nhân lực dồi dào là một lợi thế lớn trong quá trình thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Mặt khác, quy mô dân số đông, nguồn lao động lớn đang tạo nên nhiều áp lực đối với vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động.

Một buổi họp nghiệp vụ của Phòng 1 VKSND tỉnh Nghệ An.

Theo số liệu thống kê trên website của Công an tỉnh Nghệ An cho thấy: Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh có hàng nghìn trường hợp người dân xuất cảnh trái phép. Cụ thể năm 2016 có 7.329 trường hợp, năm 2017 có 6.534 trường hợp và năm 2018 có hơn 8.000 trường hợp XNC trái phép; chủ yếu qua các đường tiểu  ngạch như lối mòn, đường sông mà không qua cửu khẩu vì không có giấy tờ XNC. Nhiều trường hợp làm thủ tục XNC sang các nước đi du lịch, thăm người thân nhưng hết hạn không về mà trốn ở lại làm thuê trái phép. Đây chỉ là những con số bề nổi mà các lực lượng chức năng phát hiện được bởi trên thực tế việc công dân trốn sang các nước khác để đi lao động bằng đường tiểu ngạch rất khó phát hiện.

Các đối tượng chủ yếu tổ chức cho người khác trốn đi sang các nước như: Cộng hòa Séc, CHLB Đức, các nước Sigapore, Austraylia, Hàn Quốc, Ăngola.... Vì lợi nhuận, chúng lợi dụng các kẽ hở của pháp luật và nhu cầu tìm việc làm bức thiết của một bộ phận người dân. Trong 03 năm trở lại đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện khởi tố 19 vụ/30 bị can.

Điển hình là một số vụ như Vụ Lê Thanh Toàn, sinh năm 1992, trú tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An là giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Thanh Toàn địa chỉ tại xóm 14, xã Diễn Yên, Diễn Châu, Nghệ An không được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng vì mục đích kinh tế Lê Thanh Toàn đã thỏa thuận nhận 855.000.000đ (Tám trăm năm mươi lăm triệu đồng) của 07 người để làm thủ tục cho họ đi Hàn Quốc bằng thủ đoạn lợi dụng đi du lịch đến đảo Jeju, Hàn Quốc để những người này trốn ở lại Hàn Quốc lao động trái phép.

Hay như vụ Hoàng Niêm, sinh năm 1974, trú tại xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An cùng Trần Đình Hữu sinh năm 1986, trú tại Nam Sơn, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An làm biển quảng cáo dịch vụ xuất khẩu lao động trái phép đã nhận số tiền 600.000.000 đồng (Sáu trăm triệu đồng) làm thủ tục cho 4 người sang Liên bang Đức để lao động trái phép; Vụ Hồng Văn Sơn sinh năm 1981, trú tại khối Trung Hòa, phường Lê Mao, thành phố Vinh đã nhận tiền 1.080.000.000 đồng (Một tỷ không trăm tám mươi triệu đồng), hồ sơ, làm thủ tục cho 04 công dân Việt Nam xuất cảnh sang Sigapore bằng Visa du lịch để ở lại Sigapore lao động trái phép hoặc tìm cách đưa các lao động sang Austraylia; Vụ Trương Văn Bắc sinh năm 1992, trú tại thôn Dần Long, xã Lương Ngoại, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa là nhân viên của công ty du lịch Xuha (Thái Lan). Trong thời gian từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2018 đã tư vấn, nhận số tiền 760.000.000 đồng (Bảy trăm sáu mươi triệu đồng) tổ chức 02 lần đưa 03 công dân Việt Nam trốn đi lao động ở Hàn Quốc. 

Trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng nghìn trường hợp người dân xuất cảnh trái phép (Ảnh minh họa: Internet)

PV: Ông có thể cho biết rõ hơn về những hình thức mà các đối tượng sử dụng để tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Quá trình giải quyết các vụ án cho thấy, các đối tượng thường sử dụng 3 hình thức để hoạt động tổ chức trốn và đưa người đi nước ngoài trái phép như sau:

Thứ nhất, là tổ chức trốn bí mật; các đối tượng dẫn người qua đường tiểu ngạch (đường bộ) hoặc mua sắm thuyền vượt biển, kể cả từ Việt Nam và qua nước thứ 2 để vượt biên sang nước thứ 3.

Thứ hai, là tổ chức trốn dưới hình thức công khai bất hợp pháp; chúng có thể sử dụng hộ chiếu giả, giả mạo hồ sơ để được cấp hộ chiếu mang tên người khác hoặc dùng hộ chiếu, thẻ thường trú của người đã được định cư ở nước sở tại để quay vòng. Thậm chí có đối tượng còn tổ chức theo kiểu tham quan du lịch đến nước thứ 2 rồi từ đó tìm cách trốn sang nước thứ 3 bằng đường bộ, vượt biển hay trốn trong xe container hàng hóa.

Thứ ba, các đối tượng thành lập các công ty “lữ hành” hoặc dịch vụ xuất khẩu lao động để tổ chức dưới dạng tham quan, du lịch, thăm thân; giả mạo hợp đồng lao động để được cấp visa lao động nhưng sau khi xuất cảnh tự tìm kiếm việc làm; hợp thức hóa thành người của công ty, doanh nghiệp để được ra nước ngoài tham dự hội chợ, hội thảo, khảo sát thị trường, ký hợp đồng hoặc hợp thức hóa đi du học tự túc rồi trốn ra ngoài tìm kiếm việc làm…Tuy nhiên, dù theo bất kỳ hình thức nào, những việc làm này đều vi phạm pháp luật. Song các đối tượng vẫn bất chấp mọi thủ đoạn nhằm thu lợi bất chính.

Việc người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để trốn sang một số nước làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp gây nhiều thiệt hại cho chính bản thân người lao động và công tác quản lý nhà nước. Trốn ra nước ngoài trái phép không những tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người lao động mà còn để lại rất nhiều tác hại cho xã hội, xâm hại nghiêm trọng đến công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực xuất nhập cảnh. Bên cạnh đó, hành vi này còn tạo hình ảnh và dư luận xấu đến người lao động Việt Nam ở nước ngoài, làm ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, đặc biệt trên lĩnh vực xuất khẩu lao động đến các thị trường tiềm năng.

PV: Thông qua việc giải quyết các vụ án, ông có thể cho biết đơn vị đã có những biện pháp gì để tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân cũng như làm hạn chế các vụ việc nêu trên?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Trước thực trang trên địa bàn tỉnh và thông qua việc giải quyết các vụ án liên quan đến hoạt động đưa người đi lao động ở nước ngoài, Phòng 1 VKSND tỉnh Nghệ An đã tham mưu cho Lãnh đạo Viện ban hành Kiến nghị gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An để UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương các cấp trong công tác quản lý việc đưa người đi lao động ở nước ngoài địa bàn tỉnh Nghệ An ngày một tốt hơn. Trong đó, tập trung:

Chỉ đạo các cơ quan chức năng tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, tham gia tố giác tội phạm, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ để đấu tranh ngăn chặn các hoạt động đưa người đi nước ngoài trái phép.

Tiến hành tổng kiểm tra, rà soát các công ty, doanh nghiệp, đại lý làm công tác tuyển dụng, môi giới, đưa người xuất cảnh ra nước ngoài đảm bảo đúng quy định của nhà nước, đồng thời kiên quyết xử phạt những đơn vị không có giấy phép hoặc giấy phép hết kỳ hạn nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong công tác xuất khẩu lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân và đảm bảo trật tự trị an xã hội của tỉnh nhà.

Tạo điều kiện và có cơ chế thuận lợi để các doanh nghiệp tuyển lao động đi làm việc ở các khu công nghiệp, khu công nghệ cao; đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm.

Chỉ đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện cơ chế cho vay vốn đi xuất khẩu lao động, tạo việc làm cho lao động. Đối với các huyện có nhiều công dân hiện đang lao động trái phép ở nước ngoài thì tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xuất cảnh đi nước ngoài lao động trái phép.

Chỉ đạo Công an, Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, quản lý biên giới, hộ tịch, hộ khẩu, triệt phá các đường dây đưa người lao động ra nước ngoài trái phép và các Cơ quan chức ngăn xử lý nghiêm các hành vi này khi bị phát hiện.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Thảo - Ngân Hà