Tòa án trả lại đơn khởi kiện đúng hay sai?

Ngày đăng : 14:13, 13/03/2019

(Kiemsat.vn) - Theo quy định của BLTTDS năm 2015, Thẩm phán trả lại đơn khởi kiện cho đương sự khi có một trong các căn cứ được quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Một trong những căn cứ để Thẩm phán ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện là “Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật”.

Ngày 28/02/2019, Tòa án nhân dân huyện X nhận đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn T. Theo đơn khởi kiện ông T thì do mâu thuẫn giữa gia đình ông và gia đình ông Nguyễn Văn H nên ông H đã xây tường chắn ngang lối đi từ nhà của ông ra ngoài đường (nhà ông T bị vây bọc bởi đất của gia đình ông H). Vì vậy, ông không thể chạy xe từ nhà của ông ra ngoài đường được. Nay ông T yêu cầu Tòa án buộc hộ ông Nguyễn Văn H phải dành cho gia đình ông một lối đi qua thửa đất của ông H và ông đồng ý bồi hoàn cho ông H theo quy định pháp luật.

Sau khi xem xét đơn khởi kiện của ông H, Thẩm phán của TAND huyện X đã ra Thông báo trả lại đơn khởi kiện cho ông T, với lý do “chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật” theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 BLTTDS năm 2015. Vì yêu cầu của ông T chưa được Ủy ban nhân dân xã N hòa giải theo quy định Điều 202 của Luật Đất đai năm 2013.

Việc Tòa án nhân dân huyện X trả lại đơn khởi kiện cho ông T, hiện có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Việc trả lại đơn khởi kiện cho ông T là không đúng quy định. Vì chỉ có tranh chấp quyền sử dụng đất (tranh chấp ai có quyền sử dụng đất) mới bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp theo quy định của Luật đất đai. Còn tranh chấp theo đơn khởi kiện của ông T là tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề, không phải là tranh chấp về quyền sử dụng đất nên không bắt buộc phải qua hòa giải tại UBND cấp xã. Vì vậy, Tòa án phải xem xét thụ lý đơn khởi kiện của ông T.

Ảnh minh họa (Internet)

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả như sau:

Tại Điều 3 của Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án có hướng dẫn là:

1. Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật là trường hợp pháp luật tố tụng dân sự, pháp luật khác có quy định về các điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước nhưng người khởi kiện đã khởi kiện đến Tòa án khi còn thiếu một trong các điều kiện đó.

2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,... thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án”.

Tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013 có quy định như sau:“Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”. Theo quy định tại khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai năm 2013 thì quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

Xét về bản chất tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề là một dạng tranh chấp đất đai (tranh chấp về quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất). Tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 quy định như sau: “Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác...”. Như vậy, tranh chấp về lối đi qua bất động sản liền kề phải bắt buộc hòa giải tại UBND cấp xã theo quy định của Luật Đất đai. Cho nên, Tòa án nhân dân huyện X trả lại đơn khởi kiện cho ông T là đúng quy định.

Rất mong bạn đọc Kiemsat.vn cùng trao đổi.

Dương Thanh