Bắc Giang: Giải pháp nâng cao chất lượng công tác thống kê nghiệp vụ

Ngày đăng : 15:54, 06/03/2019

(Kiemsat.vn) - Thống kê nghiệp vụ là một trong những công tác của VKSND được quy định tại Luật Tổ chức VKSND năm 2014. Thông qua số liệu thống kê giúp cho Lãnh đạo VKSND các cấp nắm tình hình, diễn biến tội phạm và vi phạm, kết quả công tác thực hiện chức năng của ngành để từ đó có những đường hướng, sách lược chỉ đạo, điều hành sát đúng, tích cực, hiệu quả.

Có thể nói công tác thống kê trong ngành Kiểm sát nhân dân đã góp một phần đáng kể trong cuộc đấu tranh phòng ngừa vi phạm, tội phạm của ngành Kiểm sát nhân dân nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung.

Trong những năm qua, công tác thống kê nghiệp vụ (TKNV) của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung cũng như của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang nói riêng đã có những bước chuyển biến tích cực. Những kết quả nổi bật trong thực hiện công tác thống kê nghiệp vụ ở VKSND tỉnh Bắc Giang được thể hiện ở các nội dung sau:

Số liệu thống kê trong lĩnh vực tư pháp của VKSND tỉnh ngày càng phát huy tác dụng và đã trở thành một trong những căn cứ quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, phân tích thực trạng và đề ra giải pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm ở địa phương và là cơ sở để từng ngành có biện pháp nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả, chất lượng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình.

Số liệu thống kê được sử dụng chính thức để xây dựng các loại báo cáo của ngành như báo cáo sơ kết, tổng kết công tác hàng năm; phục vụ xây dựng báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát trước các kỳ họp của Hội đồng nhân dân cùng cấp. Đồng thời cung cấp số liệu hình sự liên ngành cho các cơ quan Công an,Tòa án để xây dựng các báo cáo theo chuyên đề của từng ngành.

Ảnh minh họa (Internet)

Nhằm dáp ứng nhiệm vụ 100% cán bộ làm công tác chuyên môn nghiệp vụ trong ngành Kiểm sát Bắc Giang được trang bị máy vi tính, đảm bảo mỗi cán bộ nghiệp vụ làm công tác thống kê đều có máy vi tính nối mạng internet, mạng nội bộ, mạng LAN để thực hiện nhiệm vụ.

Hiện nay trong ngành KSND cũng như VKS hai cấp của tỉnh Bắc Giang đã và đang sử dụng thống nhất hệ thống phần mềm với 27 biểu thống kê công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp và một số phụ lục kèm theo. Cùng với đó là việc thực hiện nhập dữ liệu trên các phần mềm Quản lý và thống kê án hình sự; phần mềm Quản lý và thống kê án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính, phá sản doanh nghiệp, phần mềm Khiếu nại, tố cáo. Nhìn chung, hệ thống Thống kê trong ngành được xây dựng đa dạng, tương đối hoàn chỉnh và đầy đủ các chỉ tiêu thống kê xuyên suốt trong các giai đoạn tiến hành tố tụng, các khâu công tác nghiệp vụ của ngành, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổng hợp, xây dựng, khai thác số liệu, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin của ngành.

Cơ sở pháp lý cho hoạt động thống kê được tạo dựng đồng bộ hơn, công tác thu thập, cung cấp thông tin ngày càng đi vào nề nếp, các đơn vị thuộc VKSND tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo thống kê, ý thức trong thực hiện công tác này ngày càng được nâng lên.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay chất lượng công tác TKNV vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Số lượng, chất lượng thông tin thống kê tuy đã được nâng lên, nhưng nhìn chung còn chưa đáp ứng so với yêu cầu cải cách tư pháp. Từ những vấn đề nêu trên, để tiếp tục thực hiện tốt công tác TKNV, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

Về cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn kinh phí và các điều kiện đáp ứng cho yêu cầu về công tác TKNV còn chưa hoàn chỉnh và đồng bộ nên khó khăn trong quá trình thực hiện hoạt động thống kê.

Các Phòng nghiệp vụ thuộc VKSND tỉnh, các VKSND huyện, thành phố có vị trí rất quan trọng trong công tác TKNV của ngành, đây là những đơn vị trực tiếp tiến hành thu thập, đối chiếu, xây dựng số liệu các chỉ tiêu thống kê. Tuy nhiên, hiện nay công tác TKNV ở những đơn vị này chưa có cán bộ thống kê chuyên trách (trừ Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin), cán bộ làm công tác TKNV phải kiêm nhiệm nhiều công việc và chỉ có trình độ chuyên môn là Cử nhân luật, không có trình độ chuyên sâu về công tác thống kê, một số cán bộ làm công tác thống kê chưa chịu khó nghiên cứu về công tác thống kê, cán bộ thống kê ở các đơn vị thường là những người mới vào ngành, công tác bàn giao, học hỏi chưa được nhiều. Bên cạnh đó, sự quan tâm chỉ đạo của một số lãnh đạo các đơn vị về tầm quan trọng của công tác TKNV còn chưa thực sự đầy đủ, dẫn tới thiếu kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt công tác này.

Tiếp tục chú trọng việc đào tạo cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ thống kê, kiến thức lý luận, thực tiễn, nâng cao trình độ tin học và các kiến thức liên quan cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác TKNV, dần hình thành đội ngũ cán bộ có trình độ cao và kinh nghiệm chuyên sâu về thống kê, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác này.

Bảo đảm đủ số lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bộ máy làm công tác TKNV, trong đó chú trọng bảo đảm ổn định đội ngũ những người làm công tác TKNV của các đơn vị thuộc VKSND tỉnh.

Tích cực tham gia hoàn thiện môi trường pháp lý cho công tác TKNV, đây là một trong những yếu tố quyết định chất lượng của thông tin thống kê. Nghiêm túc tổ chức thực hiện việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình thực hiện công tác TKNV theo yêu cầu của ngành, qua đó đề ra những kiến nghị, đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng và thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Phòng Thống kê tội phạm và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh, đơn vị chuyên trách về công tác TKNV cần nâng cao vai trò, trách nhiệm là đơn vị đầu mối, chịu trách nhiệm tham mưu cho Lãnh đạo Viện tổ chức thực hiện toàn bộ công tác TKNV trong phạm vi của ngành; đề xuất, tổ chức thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác TKNV; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về công tác TKNV, các phần mềm thống kê, truyền số liệu cho đội ngũ cán bộ làm công tác TKNV trong ngành; tiến hành kiểm tra và rút kinh nghiệm trong thực hiện công tác TKNV. Các VKSND huyện thành phố, Phòng nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với đơn vị chuyên trách về công tác TKNV VKSND tỉnh để tổ chức thực hiện có hiệu quả, chất lượng công tác này trong cơ quan, đơn vị mình.

Cán bộ được phân công nhiệm vụ làm công tác TKNV phải nâng cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc được giao; nghiên cứu kỹ và nắm vững các quy định cũng như hướng dẫn về công tác TKNV; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, theo dõi kết quả thụ lý, giải quyết các vụ việc trong các khâu công tác; cập nhật đầy đủ, kịp thời, khoa học các chỉ tiêu trong hệ thống sổ sách để phục vụ tốt việc tổng hợp, xây dựng báo cáo thống kê; thận trọng, tỷ mỷ trong việc đối chiếu số liệu các chỉ tiêu thống kê với các cơ quan hữu quan và xây dựng thống kê, thực hiện chế độ báo cáo đúng thời gian quy định. Kiểm sát viên kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự, vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình… hoặc cán bộ được phân công thực hiện việc nhập thông tin trên phần mềm Quản lý và thống kê án hình sự, phần mềm Quản lý và thống kê án dân sự, phần mềm quản lý điều hành ngay sau khi có phát sinh các lệnh, quyết định..., thông báo thụ lý cho đến khi kết thúc kiểm sát việc giải quyết; việc nhập dữ liệu các vụ án, bị can, bị cáo, đương sự… phải đầy đủ các thông tin, các chỉ tiêu trong từng giai đoạn trên các phần mềm nhằm đảm bảo cho việc quản lý, tổng hợp, khai thác các loại số liệu thống kê trên các phần mềm được kịp thời, đầy đủ và chính xác.

Có chính sách quy định cụ thể về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ làm công tác TKNV nhằm động viên giúp họ giảm bớt khó khăn trong cuộc sống và nâng cao nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ công tác thống kê.

Nguyễn Văn Lự

 

VKSND tỉnh Bắc Giang (LL)