Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm hiện nay
Ngày đăng : 08:28, 05/03/2019
“Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm” được quy định tại Điều 26 Bộ luật tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 và cụ thể hóa tại Điều 322 BLTTHS năm 2015 quy định: “Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền trình bày ý kiến, đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận của mình để đối đáp với Kiểm sát viên về những chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội; tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội; hậu quả do hành vi phạm tội gây ra; nhân thân và vai trò của bị cáo trong vụ án; những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hinh sự, mức hình phạt; trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, biện pháp tư pháp; nguyên nhân, điều kiện phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa đối với vụ án. Bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác có quyền đưa ra đề nghị của mình. Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa… Hội đồng xét xử phải lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, người tham gia tranh luận tại phiên tòa để đánh giá khách quan, toàn diện sự thật của vụ án”.
Việc luật hóa nguyên tắc này có ý nghĩa quan trọng, thể hiện rõ nét tư tưởng đề cao tranh tụng trong hoạt động tố tụng hình sự đã được ghi nhận tại Nghị quyết số 08, 49 của Bộ Chính trị cũng như đã cụ thể hóa tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đặt nền móng, định hướng cho việc xây dựng các quy định và áp dụng pháp luật của các chủ thể tham gia vào hoạt động tố tụng, đồng thời quán triệt đầy đủ quan điểm của Đảng trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Qua thực tiễn công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa hình sự sơ thẩm thời gian qua, tôi thấy để nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa hình sự sơ thẩm hiện nay, thiết nghĩ các Kiểm sát viên cần quán triệt và thực hiện tốt một số yêu cầu và giải pháp sau:
Kiểm sát viên phải tuân thủ các yêu cầu sau khi tranh tụng
Thứ nhất, phải tôn trọng sự thật khách quan của vụ án. Trong quá trình đối đáp tranh luận, Kiểm sát viên không nên tranh luận theo ý thức chủ quan của mình, mà phải dựa trên cơ sở, tình tiết, chứng cứ khách quan của vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, trên cơ sở căn cứ quy định của pháp luật để đưa ra quan điểm tranh luận với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Thứ hai, phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, bình đẳng. Yêu cầu này đòi hỏi Kiểm sát viên phải có sự thay đổi về cơ bản nhận thức đối với việc tranh tụng tại phiên tòa hình sự hiện nay. Nếu như trước đây việc tranh tụng chỉ diễn ra tại phiên tòa thì nay việc tranh tụng diễn ra trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Quyền tranh tụng của những người tiến hành tố tụng như Điều tra viên, Kiểm sát viên, người khác có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác và những người tham gia tố tụng như người bị buộc tội, người bào chữa và người tham gia tố tụng khác đều có quyền bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án (Điều 26 BLTTHS năm 2015). Việc không tuân thủ nguyên tắc này dễ dẫn đến bất bình đẳng giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác dễ dẫn đến Kiểm sát viên gay gắt, quát nạt, có lời nói không đúng chuẩn mực … với bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác làm ảnh hưởng đến việc giải quyết đúng đắn vụ án. Vì vậy, tại khoản 4 Điều 26 Quy chế 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định: “Khi tranh luận, Kiểm sát viên phải bình tĩnh, khách quan và tôn trọng ý kiến của những người tham gia tố tụng, ghi nhận ý kiến đúng đắn và bác bỏ những ý kiến, đề nghị không có căn cứ pháp luật”.
Thứ ba, quá trình tranh tụng phải đề cao và tôn trọng nguyên tắc “thượng tôn pháp luật”. Khi đối đáp tranh luận, đòi hỏi các bên phải căn cứ trên cơ sơ pháp luật. Nhất là đối với Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, cũng là cơ quan bảo vệ pháp luật; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đảm bảo việc xử lý phải đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan, sai thì càng đòi hỏi việc tranh luận phải trên cơ sở các quy định của pháp luật. Tuyêt đối không được tranh luận theo kiểu nể nang hay vì động cơ cá nhân khác mà suy diễn, áp đặt ý thức chủ quan của mình khi đối đáp tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa.
Thứ tư, đảm bảo tính văn hóa trong đối đáp tranh luận. Kiểm sát viên khi tranh luận sử dụng những ngôn từ có tính văn hóa, dễ hiểu. Nghĩa là phương pháp đối đáp phải nhẹ nhàng, lịch sự, có sức thuyết phục cao đối với người nghe. Không nên sử dụng ngôn từ mang tính đả kích, tự cao, xem thường người phát biểu tranh luận với mình, hay có thái độ cau có, gay gắt, quát nạt… Không được lợi dụng việc tranh luận để đã kích, cải vã tay đôi tại phiên tòa, làm ảnh hưởng đến vị thế của Kiểm sát viên và của Ngành.
Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên
Một là, nâng cao trách nhiệm của Lãnh đạo Viện trong quản lý, chỉ đạo điều hành các hoạt động tố tụng hình sự và trách nhiệm của Kiểm sát viên trong thực hiện công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự. Tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị tham gia xét xử như nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, chuẩn bị đề cương tham gia xét hỏi, dự kiến tình huống tranh tụng, dự thảo luận tội trên cơ sở nghiên cứu, nắm vững nội dung của vụ án, hệ thống chứng cứ buộc tội, gỡ tội và các nội dung khác có liên quan đến viẹc giải quyết vụ án. Thực hiện tốt việc nghe báo cáo án, chỉ đạo về đường lối giải quyết vụ án, chỉ đạo cụ thể các vấn đề nghiệp vụ mà Kiểm sát viên cần lưu ý khi tham gia phiên toà. Thường xuyên rút kinh nghiệm, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ cho Kiểm sát viên. Trong quá trình thực hành quyền công tố tại phiên toà, các Kiểm sát viên phải tập trung theo dõi mọi diễn biến của phiên toà, chủ động tham gia xét hỏi để góp phần làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án; ghi chép đầy đủ nội dung xét hỏi, trả lời và các ý kiến mà bị cáo, luật sư và những người tham gia tố tụng nêu lên, nhất là những ý kiến phản bác lại nội dung luận tội của Kiểm sát viên để chủ động tranh luận. Đây là yêu cầu hết sức quan trọng, bởi vì kết quả quá trình thẩm vấn công khai tại phiên toà sẽ giúp Kiểm sát viên hệ thống lại toàn bộ các chứng cứ của vụ án đã được kiểm tra tại phiên toà để hoàn chỉnh nội dung bản luận tội; việc ghi chép đầy đủ các ý kiến sẽ giúp cho Kiểm sát viên chủ động trong tranh luận, xác định đúng những vấn đề trọng tâm cần phải tranh luận để bảo vệ quan điểm truy tố, luận tội.
Hai là, tại phiên tòa Kiểm sát viên phải quán triệt quan điểm chỉ đạo giải quyết vụ án của Viện trưởng cấp mình. Nếu tại tòa có phát sinh tình tiết mới làm thay đổi quan điểm của lãnh đạo cấp mình về giải quyết vụ án thì phải kịp thời báo cáo Viện trưởng chỉ đạo giải quyết. Trường hợp vì lý do nào đó không thể báo cáo được thì Kiểm sát viên quyết định việc giải quyết vụ án trên cơ sở pháp luật, kết quả thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa và phải chịu trách nhiệm trước Viện trưởng về quyết định của mình.
Ba là, Kiểm sát viên phải nắm vững pháp luật và có năng lực chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực hình sự. Đây là điều kiện tiên quyết không thể thiếu đối với Kiểm sát viên thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự. Thực tế cho thấy Kiểm sát viên nào có trình độ chuyên môn và nắm vững pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, tố tụng tụng hình sự thì rất chủ động trong việc tranh luận và việc tranh luận có căn cứ thuyết phục đối với bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác, đồng thời cũng thuyết phục được Hội đồng xét xử và cả những người tham dự phiên tòa. Ngược lại nếu không nắm vững pháp luật, không có trình độ chuyên môn dễ dẫn đến tranh luận suôn, thiếu căn cứ, không tuyết phục được Hội đồng xét xử, những quan điểm tranh luận của Kiểm sát viên sẽ không được Hội đồng xét xử chấp nhận. Thậm chí còn làm giảm sút lòng tin của người dân đối với ngành.
Bốn là, Kiểm sát viên phải nắm đầy đủ, toàn diện nội dung, chứng cứ, tình tiết của vụ án. Đây cũng là một trong những yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo chất lượng tranh luận của Kiểm sát viên. Những tài liệu chứng cứ thể hiện trong hồ sơ vụ án là một trong những cơ sở pháp lý quan trọng để tránh luận với những ý kiến, quan điểm trái chiều của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Năm là, phải kịp thời bổ sung, chỉnh lý luận tội trên cơ sở chứng cứ được thẩm tra tai phiên tòa. Thông qua phần xét hỏi, thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, Kiểm sát viên phải kịp thời bổ sung, chỉnh lý những nội dung của dự thảo luận tội không còn phù hợp, thiếu cơ sở chứng cứ, chưa đầy đủ, chưa đúng với sự thật khách quan, diễn biến của vụ án, nhằm đảm bảo cho những lập luận, phân tích, đánh giá, quan điểm của Kiểm sát viên thể hiện trong bản luận tội có cơ sở pháp lý, phù hợp với sự thật khách quan vụ án, từ đó mang tính thiết phục cao đối với bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác và sẽ làm hạn chế phát biểu tranh luận của họ. Một bản luận tội chất lượng, phân tích đánh giá sâu sắc, lập luận chặt chẽ có cơ sở pháp lý, vận dụng pháp luật đúng đắn, đề ra quan điểm, đường lối xử lý phù hợp với pháp luật và tình tiết chứng cứ của vụ án, cũng là cơ sở giúp cho việc tranh luận của Kiểm sát viên đạt kết quả tốt nhất.
Sáu là, quá trình thực hành quyền công tố tại phiên tòa Kiểm sát viên phải lắng nghe, ghi chép đầy đủ ý kiến phát biểu của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác. Đây là vấn đề bắt buộc Kiểm sát viên phải thực hiện. Để qua đó xác định quan điểm, ý kiến nào của những người này trái với quan điển của Kiểm sát viên mà tập trung phát biểu tranh luận, cũng để giúp cho Kiểm sát viên phát biểu tranh luật tất cả những ý kiến của họ theo đúng quy định tại Điều 322 BLTTHS năm 2015. Ngược lại nếu không lắng nghe, không ghi chép đầy đủ dễ dẫn đến Kiểm sát viên phát biểu tranh luận không đúng, không đầy đủ với nội dung của những người này đã phát biểu tranh luận.
Bảy là, nội dung phát biểu tranh luận của Kiểm sát viên cần ngắn gọn, dễ hiểu và đúng nội dung vấn đề mà bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác phát biểu nêu ra tranh luận. Không nên tranh luận “chay” mà phải có tài liệu dẫn chứng chứng minh bằng chứng cứ, bằng pháp luật, kể cả bằng quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng phù hợp với từng nội dung tranh luận, dù đó là quan điểm phản bác hay chấp nhận ý kiến tranh luận của bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác.
Tám là, sử dụng từ ngữ xưng hô khi tranh luận đúng chuẩn mực tại Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 20/02/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về Quy tắc ứng xử của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố tại phiên tòa, phiên họp của Tòa án.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
1. Nghị quyết 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về “Một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới”.
2. Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về “Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”.
3. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc khóa XII của Đảng năm 2016.
Nguyễn Văn Việt
VKSND huyện Yên Phong