Bàn về phạm vi công tác kiểm sát việc thụ lý giải quyết các vụ, việc dân sự của Tòa án

Ngày đăng : 10:38, 04/03/2019

(Kiemsat.vn) - Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của BLTTDS.

Trong thời gian gần đây, có nhiều đơn đề nghị của các tổ chức, cá nhân về việc thụ lý vụ án dân sự của Tòa án đã được gửi đến Viện kiểm sát các cấp. Đây là một tín hiệu đáng mừng thể hiện vị thế, vai trò của Viện kiểm sát trong khâu công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đã từng bước được nâng cao. Người dân đã biết đến vai trò quan trọng của Viện kiểm sát trong tư cách là cơ quan kiểm sát việc giải quyết vụ việc án dân sự của Tòa án, từ đó đề nghị Viện kiểm sát bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trước các hoạt động vi phạm pháp luật tố tụng dân sự của Tòa án.

Tuy nhiên, có một vấn đề đặt ra là Viện kiểm sát có chức năng kiểm sát hoạt động nhận và xử lý đơn khởi kiện trước khi Tòa án có thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc thụ lý vụ án hay không?

Khoản 1 Điều 3 Quy chế kiểm sát án dân sự (được ban hành kèm theo Quyết định số 364/QĐ-VKSTC ngày 02/10/2017 của Viện trưởng Viện KSND tối cao) quy định: Công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự bắt đầu từ khi Tòa án thông báo trả lại đơn khởi kiện vụ án dân sự, đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự hoặc từ khi Tòa án thông báo thụ lý vụ việc dân sự đến khi bản án, quyết định giải quyết vụ việc dân sự của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà không có kháng nghị, không có yêu cầu, kiến nghị, đề nghị xem xét lại theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS).

Theo quy định của Quy chế thì Viện kiểm sát sẽ không kiểm sát thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện trước khi Tòa án có thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc thụ lý vụ án. Qua thực tiễn nghiên cứu các hồ sơ vụ án dân sự cho thấy hầu hết việc xử lý đơn khởi kiện của Tòa án có vi phạm về thời hạn xử lý (nhiều đơn khởi kiện được gửi hơn nửa năm, cá biệt có trường hợp gửi đơn gần 1 năm chưa được Tòa án xem xét trả lời) và vi phạm trong yêu cầu bổ sung đơn khởi kiện (yêu cầu bổ sung tài liệu không có căn cứ). Tuy nhiên khi phát hiện Tòa án có các vi phạm này, Viện kiểm sát cũng không có căn cứ nào để kiến nghị, yêu cầu Tòa án chấm dứt việc vi phạm.

Khoản 1 Điều 21 BLTTDS năm 2015 quy định: “Viện kiểm sát kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng dân sự, thực hiện các quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự kịp thời, đúng pháp luật”. Trong các điều khoản khác của BLTTDS cũng không có quy định nào giới hạn phạm vi kiểm sát các hoạt động tư pháp trong tố tụng dân sự chỉ bắt đầu từ khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc Tòa án thụ lý vụ án.

Điều 4 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định về chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nêu rõ: “Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.” Như vậy trong tố tụng dân sự, các hành vi, quyết định của Tòa án phải được Viện kiểm sát kiểm sát chặt chẽ trong suốt quá trình giải quyết các vụ việc, trong đó việc nhận và xử lý đơn khởi kiện là một hoạt động của Tòa án được quy định cụ thể tại Điều 191 - Phần thứ hai: Thủ tục giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm BLTTDS cũng cần là đối tượng kiểm sát của Viện kiểm sát.

Có ý kiến cho rằng hai nhiệm vụ đầu tiên trong những nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát việc giải quyết các vụ. việc dân sự được quy định tại Điều 27 Luật Tổ chức Viện KSND là: “Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu” và “Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc” nên phạm vi kiểm sát của Viện kiểm sát chỉ bắt đầu kể từ khi Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu hoặc Tòa án thụ lý vụ án. Quan điểm của cá nhân tác giả thì chúng ta cần hiểu nội dung kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc theo nghĩa rộng, bao gồm tất cả các hoạt động, thủ tục giải quyết vụ án được quy định trong Phần thứ 2 - Thủ tục giải quyết vụ án của BLTTDS (trong đó có phần nhận và xử lý đơn khởi kiện trước khi Tòa án ra thông báo trả lại đơn khởi kiện hoặc thụ lý vụ án). Chỉ khi việc kiểm sát được thực hiện đầy đủ, toàn diện thì mới bảo đảm được việc giải quyết vụ việc dân sự được kịp thời, đúng pháp luật. Thiết nghĩ, việc kiểm sát thủ tục nhận và xử lý đơn khởi kiện là cần thiết và cần được xem trọng như kiểm sát việc tiếp nhận và giải quyết tố giác tin báo về tội phạm. Nếu như thủ tục xử lý đơn khởi kiện từ quy định là 05 ngày làm việc bị kéo dài đến một năm trong khi thời hạn chuẩn bị xét xử chỉ có 04 tháng mà Viện kiểm sát chỉ dừng lại ở việc kiểm sát, kiến nghị việc để quá thời hạn chuẩn bị xét xử như vậy thì quyền lợi của các đương sự có được đảm bảo hay không, việc giải quyết vụ án có đảm bảo đúng quy định của pháp luật hay không?

Vì vậy, cần thiết phải mở rộng hơn nữa phạm vi kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự đang được quy định tại Khoản 1 Điều 3 Quy chế kiểm sát án dân sự như hướng phân tích ở trên để phù hợp với các quy định khác của BLTTDS, Luật Tổ chức Viện KSND năm 2014 và để đảm bảo mọi hoạt động tố tụng được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Phạm Thị Duyên

VKSND quận Cầu Giấy, tp Hà Nội

LL