Vụ ly hôn "nghìn tỉ" Trung Nguyên: Chuẩn bị ra quyết định cuối cùng

Ngày đăng : 09:54, 01/03/2019

Chiều nay (1/3/2019), TAND TP.HCM sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Sau 20 năm chồng vợ, cuộc hôn nhân của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đã đi đến hồi kết.

Chiều nay (1/3/2019), TAND TP.HCM sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Sau 20 năm chồng vợ, cuộc hôn nhân của vợ chồng ông chủ Trung Nguyên đã đi đến hồi kết.

Các phương án phân chia

Vào ngày 25.2, phiên xét xử sơ thẩm vụ ly hôn giữa ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã diễn ra tại TAND TP.HCM.

Nhiều luật sư cho biết, theo Điều 59, Luật hôn nhân gia đình thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến đóng góp của mỗi người và ông Vũ chính là người xây dựng nên Trung Nguyên. Như vậy, có thể ông Vũ sẽ có lợi hơn trong các phương án phân chia

Sau 3 ngày xét xử, viện kiểm sát (VKS) đề nghị để vợ chồng ông chủ Trung Nguyên ly hôn.

Về vấn đề con cái, VKS đồng quan điểm về việc để bà Lê Hoàng Diệp Thảo nuôi 4 con và ông Vũ có sẽ cấp dưỡng cho con 10 tỉ đồng/năm. Về tài sản của 2 vợ chồng, trong đó có bất động sản, bà Thảo và ông Vũ đồng ý chia theo tỷ lệ 5:5. Theo đó, bà Thảo sẽ nhận 7 nhà đất đang quản lý có giá trị hơn 375 tỉ đồng.

Còn ông Vũ nhận 6 bất động sản do ông quản lý với tổng giá trị hơn 350 tỉ đồng. Số tiền chênh lệch 25 tỉ đồng, luật sư đề nghị bà thanh toán lại cho ông Vũ 12,5 tỉ. Như vậy, mỗi người sẽ nhận được 362,5 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Thảo sẽ được sở hữu căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3).

Hình ảnh tại phiên tòa ngày 25.2.2018.
Hình ảnh tại phiên tòa ngày 25/2/018.

Đối với tiền, vàng, ngoại tệ trị giá 2.102 tỉ đồng tại các ngân hàng, ông Vũ đề nghị chia tài sản này theo tỷ lệ 7:3, nhưng bà Thảo không đồng ý. 

Với 7 công ty, bà Thảo đề nghị được chia cổ phần. Cụ thể, với Công ty CP Đầu tư Trung Nguyên, bà Thảo yêu cầu được hưởng 51% cổ phần; 15% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên và 7,5% cổ phần tại Công ty CP Hòa tan Trung Nguyên - G7. Về tỷ lệ này, ông Vũ không đồng ý. Ông đề nghị chia 7:3.

Trước những tranh cãi của 2 vợ chồng, VKS có quan điểm tài sản chung của vợ chồng nguyên tắc giải quyết khi ly hôn mà không thỏa thuận được thì chia đôi, tuy nhiên có xem xét đến các yếu tố đóng góp công sức của mỗi bên… Tài sản chung được chia bằng hiện vật hoặc nếu không chia được bằng hiện vật thì chia bằng giá trị. 

VKS mong muốn Hội đồng xét xử xem xét phân chia phù hợp để đảm bảo hoạt động của công ty.

Mức án phí “khủng”

Nói về mức án phí mà vợ chồng ông Vũ, bà Thảo phải trả, ông Trần Thu Nam, đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, số tiền án phí sẽ được tính dựa trên quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án (Nghị quyết 326).

Theo đó, đối với tranh chấp tài sản trong vụ án dân sự có giá trị tài sản tranh chấp trên 4 tỉ đồng, mỗi bên sẽ phải nộp tiền án phí cho Nhà nước là 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỉ đồng.

Mức án phí vụ ly hôn của vợ chồng ông bà chủ tập đoàn Trung Nguyên là rất lớn
Mức án phí vụ ly hôn của vợ chồng ông bà chủ tập đoàn Trung Nguyên là rất lớn

Với vụ án ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, theo thông tin từ phía ông Vũ đưa ra thì con số tổng giá trị tài sản tranh chấp bao gồm cổ phần, tiền mặt và bất động sản có tổng trị giá gần 8.375 tỉ đồng.

Luật sư Nam phân tích, căn cứ theo quy định tại Nghị quyết 326 nói trên, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo mỗi người sẽ phải nộp mức án phí sơ thẩm ly hôn theo công thức: 112 triệu đồng + 0,1% của 8.375 tỉ đồng.

Như vậy, mức án phí mà ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo có nghĩa vụ phải nộp có thể lên đến gần 9,5 tỉ đồng.

Theo Laodong