Bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam: Vấn đề cấp thiết

Ngày đăng : 08:32, 28/02/2019

(Kiemsat.vn) - Vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học của Việt Nam đã trở thành vấn đề cấp thiết do nhiều loài động vật hoang dã đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nạn săn bắt, buôn bán trái phép.

Gắn kết đa dạng sinh học với phát triển đất nước

Việt Nam được Tổ chức Bảo tồn động thực vật quốc tế (Fauna and Flora International) ghi nhận là quốc gia có tính đa dạng sinh học (ĐDSH) cao với nhiều kiểu hệ sinh thái và loài. Theo báo cáo quốc gia về đa dạng sinh học (ĐDSH), ở Việt Nam, có khoảng 7.500 loài chủng vi sinh vật; 20.000 loài thực vật bậc cao trên cạn và dưới nước; 10.500 loài động vật trên cạn; 1.000 loài cá nước ngọt; 7.000 loài động vật không xương sống dưới biển, khoảng 2.500 loài cá và xấp xỉ 50 loài rắn biển, rùa biển và thú biển. Trong đó, nguồn tài nguyên động vật hoang dã (ĐVHD) là nguồn gien di truyền vô cùng quý giá với hàng triệu triệu năm hình thành, tích lũy.

Có thể nói, ĐDSH đã mang lại những lợi ích trực tiếp cho con người và đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia. Nếu chúng ta biết quản lý, giám sát để sử dụng một cách bền vững thì đây chính là cơ sở bảo đảm cho sự phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, du lịch bền vững; là nền tảng của y dược truyền thống phương Đông; là ngân hàng gien vô cùng quý giá tạo giống vật nuôi, cây trồng, phục vụ cho quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước.

Hệ thống các vườn quốc gia và khu bảo tồn đã được quy hoạch trên toàn quốc cùng việc chuyển giao, cứu hộ và bảo tồn các loài động vật hoang dã, quý, hiếm là thành tựu rất đáng ghi nhận của Việt Nam trong những năm qua .

Tính đến nay, với 186 khu bảo tồn đã được thiết lập, Việt Nam được công nhận 20 khu có các danh hiệu quốc tế về giá trị ÐDSH ( bao gồm 05 khu Ramsar, 08 khu dự trữ sinh quyển thế giới, 05 khu di sản ASEAN và 02 khu di sản thiên nhiên thế giới).

Voọc sinh sống tại bán đảo Sơn Trà, TP Ðà Nẵng (Ảnh: Báo Nhân dân)

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn ĐDSH, Việt Nam là một trong những quốc gia tham gia tích cực các hiệp ước quốc tế về ĐDSH như: Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (RAMSAR); Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)…

Việt Nam cũng ban hành nhiều bộ luật quan trọng trong lĩnh vực quản lý tài nguyên thiên nhiên như: Luật Bảo vệ và Phát triển rừng; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Thủy sản... Đặc biệt, Luật Đa dạng sinh học năm 2008 đã mở ra một bước ngoặt đối với công tác bảo tồn ĐDSH; là văn bản pháp lý cao nhất, điều chỉnh toàn diện nhất về bảo tồn và phát triển bền vững các loài sinh vật, các loài nguy cấp quý hiếmđã xác định các nguyên tắc và ưu tiên bảo tồn ĐDSH của các cấp, từ bộ ngành đến địa phương; tạo cơ sở pháp lý để cộng đồng tham gia bảo tồn các nguồn tài nguyên thiên nhiên thông qua các cơ chế mới về đồng quản lý và chia sẻ lợi ích. 

Tiếp theo đó, Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và nhiều văn bản về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch hành động, thông tư hướng dẫn cũng đã được ban hành đồng bộ đã tạo điều kiện cho việc thực thi pháp luật về ĐDSH và bảo tồn các loài nguy cấp.

Hai cá thể tê tê được cơ quan chức năng phát hiện (Ảnh: ANTT)

Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị đe dọa

Trong những năm gần đây, tài nguyên ĐDSH của Việt Nam đang trên đà suy giảm một cách đáng báo động; các hệ sinh thái bị thu hẹp, bị chia cắt và suy giảm chất lượng; nguồn gien bị thất thoát, mai một... Nguyên nhân của tình trạng này là do áp lực gia tăng dân số kéo theo việc khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, không bảo đảm cho việc tái tạo lại. Ngoài ra, công tác quản lý bảo tồn ĐDSH thời gian qua còn nhiều bất cập về quy định pháp luật, chính sách, thể chế và tổ chức bộ máy quản lý. Hệ thống các chính sách, quy định pháp luật về bảo tồn ĐDSH nói chung và bảo tồn loài nói riêng chưa đồng bộ. Đối với vấn đề bảo vệ các loài hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, quý, hiếm còn có sự chồng chéo về phân quyền, trách nhiệm quản lý giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng văn bản triển khai Luật ĐDSH chưa đạt được sự thống nhất dẫn đến chậm ban hành các văn bản hướng dẫn, quản lý, bảo tồn các loài.

Việc đầu tư kinh phí thực hiện công tác bảo tồn ĐDSH cũng còn dàn trải, thiếu trọng điểm; công tác xã hội hóa về bảo tồn ĐDSH chưa được đẩy mạnh, ý thức bảo vệ ĐDSH của cộng đồng chưa cao. Các cấp, các ngành, chính quyền địa phương chưa quyết liệt trong các giải pháp nhằm bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm một cách hiệu quả và toàn diện…

Hàng tấn rùa biển bị nuôi nhốt, buôn bán vận chuyển trái phép (Ảnh: ENV)

Bên cạnh đó, một trong những nguyên nhân quan trọng không thể không nhắc đến dẫn đến việc suy giảm ĐDSH của Việt Nam là nạn săn bắt, buôn bán ĐVHD trái phép. Từ giữa những năm 90 của thế kỷ trước, Việt Nam đã là một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán ĐVHD bất hợp pháp toàn cầu. Những năm gần đây, khi mức sống của người dân được cải thiện, Việt Nam không chỉ còn là mắt xích trong đường dây trung chuyển mà đã trở thành quốc gia tiêu thụ ĐVHD. Nhiều loài ĐVHD nguy cấp như hổ, gấu, tê tê, rùa nước ngọt, rắn và kì đà bị săn bắt ráo riết do nhiều người dân tin rằng chúng có công dụng bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực và chữa các bệnh nan y.

Theo trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV), trong năm 2017, ENV đã ghi nhận 185 trường hợp vi phạm với tang vật bị tịch thu gồm 8 tấn ngà voi cùng 143 kg sừng tê giác. Chỉ trong tháng 4/2018, lực lượng hải quan đã tịch thu gần 6 tấn vảy tê tê vận chuyển vào Việt Nam từ châu Phi.

Theo Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), tính đến tháng 9/2016, có 110 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp (EN). Số lượng cá thể của các loài quan trọng đã giảm đến mức báo động, đặc biệt các loài thú lớn và một số loài linh trưởng (hổ, voi, vượn, voọc, sao la…). Nhiều loài thực vật trước đây chỉ ở mức sắp nguy cấp thì nay bị xếp ở mức rất nguy cấp như hoàng đàn, bách vàng, sâm vũ diệp, tam thất hoang... Theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013, Việt Nam có 83 loài động vật, 17 loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm cần được ưu tiên bảo vệ.

Lực lượng chức năng bắt giữ lô hàng ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển trái phép (Ảnh: tinmoitruong.vn)

Để đưa công tác bảo tồn ÐDSH sớm đi vào nền nếp và đạt hiệu quả, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, các địa phương tiếp tục hoàn thiện, thống nhất các văn bản dưới luật hướng dẫn về ÐDSH, phân loại khu bảo tồn phục vụ quản lý hiệu quả các khu vực có giá trị ÐDSH cao ở Việt Nam.

Ðồng thời, các cơ quan chức năng phải tăng cường giáo dục, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về vai trò của công tác bảo tồn ÐDSH nói chung và các loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm nói riêng. Có thể nói, chưa bao giờ, cuộc chiến phòng, chống tội phạm về ĐVHD cần sự đồng lòng, chung tay góp sức của cả cộng đồng xã hội như lúc này.

Những thay đổi trong chính sách hình sự liên quan đến tội phạm về động vật hoang dã có ý nghĩa quan trọng trong các nỗ lực bảo vệ động vật hoang dã của Việt Nam.

Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2017 (có hiệu lực từ ngày 10/01/2018) là công cụ pháp lý hiệu quả góp phần răn đe, trấn áp tội phạm nói chung và tội phạm về động vật hoang dã nói riêng. Theo đó, các hành vi vi phạm về động vật hoang dã có thể bị phạt tù lên đến 15 năm hoặc 5 tỷ đồng đối với cá nhân và phạt tiền đến 15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động từ 6 tháng đến 3 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.

 

Cẩm Thi (T/h)