Về kiểm sát quyết định khởi tố vụ án hình sự

Ngày đăng : 10:28, 26/02/2019

(Kiemsat.vn) - Khởi tố vụ án hình sự là giai đoạn tố tụng quan trọng mở đầu cho các hoạt động điều tra, đồng thời kết thúc giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra.

Theo quy định tại Điều 166 BLTTHS năm 2015, Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Điều 12) và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT- VKSTC- BCA- BQP (Điều 7), hoạt động kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự được tiến hành như sau: 

Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án của CQĐT hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (gọi tắt là CQĐT), Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị có thẩm quyền kiểm sát điều tra phải cử Kiểm sát viên tiến hành kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án.

Kiểm sát viên được cử kiểm tra tính có căn cứ và tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án phải kiểm tra chặt chẽ các tài liệu, chứng cứ để xác định xem quyết định khởi tố vụ án  hình sự của CQĐT có căn cứ, có hợp pháp hay không?

Kiểm tra tính có căn cứ của quyết định khởi tố vụ án hình sự

- Kiểm sát viên phải vào sổ thụ lý vụ án hình sự.

- Nghiên cứu kỹ các tài liệu dùng làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự bao gồm: Tài liệu về tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố do cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp; các tài liệu khi CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra tiến hành kiểm tra, xác minh thu thập được; biên bản khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, biên bản khám xét, biên bản bắt người phạm tội quả tang... cùng các tài liệu, vật chứng thu thập được khi tiến hành khám nghiệm; đơn yêu cầu khởi tố, kết luận giám định, biên bản lấy lời khai bị hại, người làm chứng.

Kiểm tra tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự

- Kiểm sát viên kiểm tra trình tự, thủ tục tiến hành thu thập các tài liệu, chứng cứ làm căn cứ để khởi tố vụ án hình sự của CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có đúng quy định của BLTTHS hay không?

- Kiểm tra thẩm quyền ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, hình thức và nội dung quyết định khởi tố vụ án hình sự của CQĐT có đúng quy định của BLTTHS hay không?

Sau khi kiểm tra tính có căn cứ, tính hợp pháp của quyết định khởi tố vụ án hình sự của CQĐT, Kiểm sát viên cần tổng hợp, phân tích, đánh giá xem có hay không vụ việc có tính chất hình sự xảy ra trên thực tế. Các tài liệu, chứng cứ thu thập được có đủ để chứng minh sự việc xảy ra có dấu hiệu tội phạm hay chưa? Nếu có thì thuộc điều, khoản nào của BLHS? Phương thức, thủ đoạn thực hiện hành vi ra sao? Mức độ thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra như thế nào? Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự còn hay hết...

Đối với những trường hợp CQĐT ra quyết định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại, thì khi kiểm sát việc khởi tố vụ án hình sự, Kiểm sát viên cần phải nghiên cứu, xem xét quyết định khởi tố và các tài liệu có liên quan đến việc khởi tố để xác định xem việc khởi tố vụ án hình sự của CQĐT có thuộc các trường hợp quy định tại Điều 155 BLTTHS hay không? Trường hợp bị hại có yêu cầu rút đơn thì phải làm rõ tính khách quan, tính đúng đắn trong nội dung đề nghị rút đơn yêu cầu khởi tố của bị hại, xem xét việc bị hại rút đơn có tự nguyện hay trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức.

Sau khi kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố, Kiểm sát viên phải báo cáo kết quả nghiên cứu, đánh giá quyết định khởi tố với Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra để xem xét, xử lý.

Viện trưởng, Phó Viện trưởng hoặc Lãnh đạo đơn vị kiểm sát điều tra căn cứ vào báo cáo kết quả nghiên cứu quyết định khởi tố của Kiểm sát viên, căn cứ Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (Điều 12) và Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT- VKSTC- BCA- BQP (Điều 7) để xử lý như sau:

- Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự có căn cứ và hợp pháp thì ra quyết định phân công Kiểm sát viên, Kiểm tra viên thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án và gửi cho Cơ quan điều tra;

-  Nếu thấy chưa rõ căn cứ để khởi tố vụ án thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để làm rõ;

- Nếu thấy quyết định khởi tố vụ án hình sự không có căn cứ thì có văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra ra quyết định hủy bỏ quyết định đó; trường hợp Cơ quan điều tra không nhất trí hoặc là quyết định khởi tố vụ án hình sự của Thủ trưởng Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát ra quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 6 Điều 159 và khoản 1 Điều 161 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Trường hợp Kiểm sát viên sau khi nghiên cứu quyết định khởi tố vụ án hình sự của CQĐT nếu thấy tội phạm đã khởi tố không đúng với hành vi phạm tội hoặc còn có tội phạm khác chư­a được khởi tố thì Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; nếu cơ quan đã ra quyết định khởi tố không nhất trí thì báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự. Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi ra quyết định thay đổi hoặc bổ sung, Kiểm sát viên gửi các quyết định này cho cơ quan đã ra quyết định khởi tố để tiến hành điều tra theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Bộ luật Tố tụng hình sự./.

Cơ Thạch - VKS QS QK 2