Mùa lễ hội: Cảnh giác với nạn trộm cắp, cướp giật

Ngày đăng : 08:32, 20/02/2019

(Kiemsat.vn) - Trà trộn giữa đám đông, tạo ra chen lấn, xô đẩy rồi lợi dụng người bị hại sơ hở thì lập tức ra tay móc túi, giật đồ… là thủ đoạn thường thấy của các đối tượng trộm cắp tại các lễ hội đầu năm.

Những lễ hội đầu năm luôn là cơ hội để các nhóm đạo chích trà trộn vào du khách làm chuyện bất lương. Các đối tượng này coi việc móc túi, giật đồ như một nghề để kiếm sống, nên dịp lễ hội đầu năm là "mùa vàng" để hành nghề. Ở đâu có lễ hội, bọn chúng lại kéo nhau đi thành từng nhóm để dễ bề hoạt động.

Thủ đoạn tinh vi

Các đối tượng phạm tội thường giả làm khách hành hương, ăn mặc lịch sự, thậm chí còn mang theo đồ lễ để tạo vỏ bọc với những người xung quanh.

Những thủ đoạn thường thấy là các đối tượng phạm tội sẽ tìm “con mồi” mang theo túi xách, đeo đồ trang sức và tìm cách để đánh lạc hướng như: Tự hạ lễ của bị hại xuống, bê lễ đi nơi khác, đạp tụt giày, châm hương vào áo,… nhằm thu hút sự chú ý của người bị hại, đợi sơ hở thì đồng bọn áp sát để rạch túi trộm cắp tài sản.

Ngoài ra, bọn chúng chủ yếu lợi dụng tình trạng đông đúc, chen lấn xô đẩy tại các lễ hội để ra tay với thủ đoạn là giật dây chuyền rồi nhanh tay tẩu tán cho đồng bọn bên cạnh hoặc dùng kìm bấm loại nhỏ cắt đứt dây trang sức để đồng bọn chờ sẵn nhặt lên.

Trong những tình huống này, người bị hại không hề hay biết hoặc có biết cũng khó xác định được đối tượng gây án để kịp thời hô hoán, bắt giữ. Tất cả diễn ra trong nháy mắt và khi người bị hại phát hiện ra mất đồ thì chúng đã nhanh chóng biến mất vào đám đông.

Chen lấn xô đẩy tại các lễ hội tạo cơ hội cho nạn trộm cắp, móc túi (Ảnh: Internet)

Đề cao cảnh giác

Để phòng ngừa có hiệu quả nạn trộm cắp tài sản tại các điểm diễn ra lễ hội, ngoài nỗ lực của lực lượng an ninh thì người tham gia lễ hội cần nâng cao tinh thần cảnh giác.

Theo đó, người dân khi đi lễ hội cần chủ động đề phòng bị trộm cắp, móc túi diễn ra ở khu vực nhà chờ (nơi có cáp treo), nơi sắp đồ lễ... đồng thời đề cao cảnh giác với việc chen lấn, xô đẩy vì tội phạm thường lợi dụng lộn xộn để trộm cắp móc túi lấy điện thoại, ví và những tài sản có giá trị khác.

Bên cạnh việc nâng cao ý thức cảnh giác, khi đến các lễ hội, mọi người không nên mang theo quá nhiều tiền, cất các vật dụng có giá trị như hoa tai, dây chuyền, điện thoại đắt tiền,… đặc biệt là các giấy tờ quan trọng. Nếu đi đông người, các cá nhân trong đoàn nên lưu ý đi sát nhau, nhắc nhở nhau cùng bảo vệ tài sản.

Người dân đi lễ cần lưu ý, khi phát hiện bị mất cắp tài sản cần báo ngay lực lượng giữ an ninh trật tự tại chỗ. Hành động này vừa giúp người dân tìm lại tài sản, vừa để lực lượng chức năng nhanh chóng tổ chức các biện pháp nghiệp vụ đảm bảo an ninh trật tự chung trong khu vực. Đồng thời, khi phát hiện hành vi trộm cắp, người bị hại cần hô hoán để cảnh sát và những người xung quanh kịp thời bắt giữ đối tượng.

Lực lượng làm công tác an ninh, trật tự thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo an toàn tại lễ hội (Ảnh: Internet)

Một số lưu ý khác khi đi lễ hội

Tại các lễ hội lớn, không ít người kinh doanh dịch vụ ăn theo cũng thừa cơ “chặt chém” du khách. Để không bị mất tiền oan, du khách cần hỏi và thống nhất giá trước khi mua bán hàng hóa, sử dụng dịch vụ. Khi phát hiện người kinh doanh bán hàng nằm trong danh mục cấm, không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, cần báo ngay cho tổ an ninh trật tự gần nhất để kịp thời được giải quyết.

Mùa lễ hội ở nước ta cũng là lúc tiết trời vào mùa đông – xuân, nhiệt độ trong ngày liên tục thay đổi, tạo môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển. Tại các lễ hội, việc tập trung đông người càng khiến cho các dịch bệnh lây lan. Để phòng tránh bệnh, người dân không ăn các thực phẩm không rõ nguồn gốc; bảo đảm ăn chín, uống sôi.

Mùa Xuân đến, thêm một mùa lễ hội nữa lại về, mong rằng người dân tham gia lễ hội an toàn và ý nghĩa.

Phạm Hằng