Tăng cường kiểm soát việc buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã

Ngày đăng : 09:48, 15/02/2019

(Kiemsat.vn) - Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường có Công văn số 379/BTNMT-TCMT đề nghị các Bộ, ngành và địa phương đẩy mạnh kiểm soát việc buôn bán, tiêu thụ các loài động vật hoang dã nguy cấp và phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm góp phần phát triển bền vững đa dạng sinh học (Ảnh: internet)

Theo Công văn số 379/BTNMT-TCMT, các Bộ, ngành địa phương cần thực hiện một số nội dung trọng tâm như:

Chỉ đạo cán bộ, công chức, người lao động của cơ quan nghiêm chỉnh chấp hành và phổ biến các quy định pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm, được ưu tiên bảo vệ ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 12/11/2013 về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và quy định pháp luật về quản lý loài ngoại lai xâm hại. Yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không mua, bán, sử dụng, tặng hay nhận quà biếu là động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ và các sản phẩm của chúng; không thực hiện phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật như kiểm lâm, quản lý thị trường, hải quan, biên phòng, công an tăng cường phối hợp liên ngành, kiểm tra, kiểm soát thường xuyên đối với các nhà hàng, cơ sở kinh doanh và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã nguy cấp; hoạt động phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Chỉ đạo các cơ quan truyền thông, các ban, ngành chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật và nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn đa dạng sinh học, động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại.

Đề nghị đài truyền hình của địa phương phát sóng các thông điệp, phóng sự, bản tin tuyền truyền pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã và không phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại vào môi trường.

Liên quan đến vấn đề trên, theo Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), trong năm 2018, tổ chức này đã ghi nhận 1,666 trường hợp vi phạm liên quan đến động vật hoang dã. Trong số đó, 521 cá thể động vật hoang dã đã được giải cứu nhờ thông báo từ người dân, cũng như sự hành động nhanh chóng, quyết liệt của các cơ quan chức năng có liên quan trong việc bắt giữ các đối tượng và tịch thu các tang vật.

Việc quảng cáo, buôn bán trái phép các loài động vật hoang dã và các sản phẩm, bộ phận từ chúng là hành vi vi phạm phổ biến, chiếm 64% tổng số trường hợp vi phạm. Không chỉ bày bán và quảng cáo ngay tại cửa hàng, quán ăn, nhiều đối tượng đã lợi dụng Internet để thực hiện hành vi buôn bán động vật hoang dã của mình nhằm thoát khỏi sự kiểm soát của các cơ quan chức năng.

Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Ban hành kèm theo Nghị định số 160/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ)./.

 

Cẩm Thi