Bệnh viện cho động vật hoang dã

Ngày đăng : 09:07, 14/02/2019

Lọt thỏm giữa Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật được gọi vui là "bệnh viện" của động vật hoang dã. Ở đây, bên cạnh việc chăm sóc, chữa trị cho hàng trăm loài động vật hoang dã quý hiếm, Trung tâm còn nỗ lực để bảo tồn nhiều loài động, thực vật quý hiếm.

Một sáng cuối năm 2018, khi màn sương chưa tan hết, chúng tôi đã có mặt ở trung tâm du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng. Sương vừa mỏng đi cũng là lúc thuyền du lịch bắt đầu chở khách tham quan hang động. Dòng sông Son dần bị đánh thức. Ở mé bờ sông, "bệnh viện" của động vật hoang dã cũng bước vào ngày làm việc mới. Bác sĩ Trần Ngọc Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng sau cái bắt tay thật chặt và trao chiếc khẩu trang đã dẫn chúng tôi qua chậu hóa chất khử trùng để vào khu chuồng, trại động vật hoang dã đang được cứu chữa. Khu nuôi cứu hộ động vật hoang dã là những chiếc chuồng sắt chung quanh có mắt lưới chi chít, phía trong gác ngang dọc những thân cây để động vật leo trèo. Cạnh đó, một khu chuồng rộng là nơi trú của chú chim công, rồi khu nuôi thả rùa, các loài động vật bò sát. Mới sáng sớm, cả khu vực náo động bởi tiếng chít chít của mấy con khỉ mặt đỏ, tiếng gáy muộn của các chú gà rừng ở chuồng bên cạnh, con cầy vằn nhìn ra với vẻ mặt dữ dằn...

Chăm sóc voọc tại Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Ðội cứu hộ động vật có tám người nhưng một nửa là nữ, đều làm việc xa nhà và có con nhỏ. Các chị chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn, giấc ngủ của những loài thú hoang dã. Hơn 7 giờ, công việc đầu tiên của các chị là kiểm tra sức khỏe của động vật để thông báo lại với bác sĩ, vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho chúng. Công việc thường kết thúc vào lúc 17 giờ, nhưng nhiều hôm kéo dài đến khuya vì trực chăm sóc động vật bị ốm. Tất cả các cá thể động vật được cứu hộ tại đây có thức ăn hoa quả tươi như chuối, dưa chuột, cà-rốt... bảo quản trong tủ lạnh. Lịch ăn mỗi ngày hai hoặc ba bữa. Cá thể nào ốm sẽ theo dõi 30 phút một lần để có phương pháp chữa trị tốt nhất. Mỗi tháng, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho động vật là không nhỏ, song vượt lên trên hết là lợi ích môi trường, tôn trọng sự cân bằng của tự nhiên.

Rời khu chuồng linh trưởng, bác sĩ Trần Ngọc Anh đưa chúng tôi đến nơi trú ngụ của các loài thú bò sát. Chợt phát hiện chú rùa viền núi cảm thấy khó chịu hơn bình thường, bác sĩ Trần Ngọc Anh bắt lên kiểm tra thì thấy một số rệp nhỏ bám chung quanh mai. Tôi theo chân anh vào phòng điều trị. Căn phòng nhỏ, nặng mùi hóa chất với lỉnh kỉnh chai lọ và pênh, gạc như phòng tiểu phẫu ở bệnh viện. Ðèn bật sáng, chú rùa viền núi bình thường trốn rất nhanh nhưng khi nằm trên chiếc khay i-nốc lại tỏ ra khá hiền. Bằng động tác thuần thục, bác sĩ Ngọc Anh dùng pênh gỡ từng con rệp ra rồi bôi thuốc vào vết thương cho chú rùa. Sau khi thả rùa về lại khu trại, anh quay lại đổ rệp vào lọ ngâm hóa chất. "Ðây có thể là vật mẫu cho Trung tâm hoặc Trường đại học Nông lâm Huế nghiên cứu để tìm biện pháp diệt trừ loài rệp thường cộng sinh trên cơ thể động vật hoang dã", bác sĩ Ngọc Anh nói.

Khu nuôi bán hoang dã linh trưởng nằm sâu trong rừng Phong Nha - Kẻ Bàng. Bác sĩ Trần Ngọc Anh tâm sự, ở Trường đại học Nông lâm Huế, anh học chuyên ngành bác sĩ thú y nhưng là đối với vật nuôi, còn động vật hoang dã thì không được đào tạo. Ðến nay, tại Việt Nam vẫn chưa có ngành bác sĩ thú y dành riêng cho động vật hoang dã. Nhờ tình yêu đối với động vật, niềm đam mê nghề nghiệp và sự hỗ trợ hết sức nhiệt tình của chuyên gia, bác sĩ thú y đến từ Vườn thú Cologne và Hội động vật Frankfurt (Ðức) mà anh trở thành bác sĩ thú y giỏi, góp phần chăm sóc, điều trị thành công hàng trăm cá thể động vật hoang dã ở Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng. "Nghề bác sĩ của động vật nuôi vốn đã khó, với động vật hoang dã càng khó và dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp hơn. Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để thả chúng lại môi trường tự nhiên. Những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn, như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng. Tại đây, chúng tôi có những cách thức để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên", bác sĩ Ngọc Anh chia sẻ.

Khỉ mặt đỏ được nuôi ở khu bán hoang dã trước khi thả trở lại rừng

Gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, bác sĩ Trần Ngọc Anh có rất nhiều kỷ niệm với nghề cứu hộ, chữa trị bệnh cho động vật hoang dã. Anh nhớ lại, mấy năm trước, Hạt Kiểm lâm Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng chuyển giao hai con vượn Siki má trắng rất nhỏ bị "lâm tặc" bắt. Nhận về chỉ ít ngày sau, hai con vượn bị sốt siêu vi. Ngọc Anh đã cho uống thuốc tây, truyền dịch nhưng bệnh tình của hai con vượn không giảm. Ðêm đông lạnh buốt, nằm trong chăn cạnh khu chuồng linh trưởng, anh cảm nhận hai cá thể vượn Siki đang lạnh run vì không còn hơi ấm từ mẹ. Người bác sĩ thú y trẻ tỉnh dậy bế một con ốm nặng vào giường, đắp chăn bông, nằm cạnh nó để giữ nhiệt, nhờ vậy đã cứu sống được con vượn nhỏ để rồi sau đó cả hai cá thể vượn được thả trở lại rừng. Lần khác, nhận được thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình, anh em trong đội cứu hộ động vật khẩn trương lên đường tiếp nhận một con beo lửa đang bị thương khá nặng. Trở về "bệnh viện", dù không muốn nhưng bác sĩ Ngọc Anh vẫn buộc phải phẫu thuật tháo khớp chân của con beo lửa để ngăn vết thương bị hoại tử lan rộng. Lúc này trời đã tối, anh và các cộng sự vẫn quyết định thực hiện phẫu thuật vì chỉ cần chậm trễ vài ba giờ nữa là con beo lửa có thể chết. Sau mấy tháng chăm sóc, con beo lửa dần trở lại bản tính hoang dã cho nên được thả lại rừng sâu.

Trưa cuối năm ở Phong Nha - Kẻ Bàng nắng lạnh. Xe chạy một lúc rồi dừng lại một bên là vách đá dựng đứng, bên kia là thảm rừng già xanh ngát. Các cán bộ cùng đi giới thiệu đây là khu nuôi thả bán hoang dã linh trưởng có diện tích khoảng 20 ha, với gần 2.000 m hàng rào lưới sắt và hệ thống kích điện bảo vệ, chống động vật trèo rào ra ngoài, được Hội động vật Frankfurt hỗ trợ xây dựng. Dẫn chúng tôi theo lối mòn sát chân hàng rào khu nuôi bán hoang dã, anh Phạm Kim Vương, Trưởng bộ phận Cứu hộ sinh vật của Trung tâm giải thích, đối với các loài linh trưởng, việc cứu hộ và chăm sóc là một quy trình rất nghiêm ngặt mà trong đó yếu tố tự nhiên luôn được đặt lên hàng đầu. Sau khi vết thương được chữa trị bình phục hoàn toàn, linh trưởng được đưa vào khu phục hồi để quen dần, rồi mới chuyển sang khu nuôi thả bán hoang dã, sau đó mới chính thức thả về rừng. Len lỏi dưới tán rừng chừng 15 phút, từ xa bằng ống nhòm, chúng tôi thấy nhiều bầy khỉ nhào lộn trên cành cây. Khi thấy bóng người, một số con lẩn vào rừng song vẫn còn vài cá thể lao xuống tìm thức ăn, không thấy gì cho nên nhảy nhót, la hét inh ỏi.

Với hơn 123 nghìn ha, độ che phủ của rừng đạt hơn 93%, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng được các nhà khoa học xếp hàng đầu về giá trị bảo tồn trong các khu rừng đặc dụng ở Việt Nam. Ðược thành lập năm 2006, đến nay, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Phong Nha - Kẻ Bàng đã đạt nhiều thành tích trong công tác cứu hộ, bảo tồn đa dạng sinh học tại đây. Những con số mà chúng tôi chép vội minh chứng cho điều đó: Cứu hộ hơn 1.000 cá thể động vật hoang dã thuộc nhiều loài, trong đó, có hơn 20 loài trong Sách đỏ Việt Nam, 25 loài trong danh mục Nghị định 32/NÐ-CP như voọc, chim công, cầy vằn bắc. Trung tâm đã thả về môi trường tự nhiên 550 cá thể, chuyển giao các trung tâm cứu hộ, các cơ quan chức năng hàng trăm cá thể quý hiếm... Không chỉ đối với động vật mà Trung tâm còn cứu hộ cả thực vật. Di sản thiên nhiên thế giới Phong Nha - Kẻ Bàng còn được biết tới là một rừng phong lan với gần 300 loài, trong đó lan hài được coi là quý hiếm nhất. Vì thế, trước đây phong lan bị "lâm tặc" khai thác trái phép với số lượng lớn. Từ các vụ bắt giữ của lực lượng chức năng, hàng trăm ki-lô-gam phong lan được giao lại cho Trung tâm cứu hộ, chăm sóc để đưa trở lại rừng.

Theo bác sĩ Trần Ngọc Anh, trước đây khu cứu hộ động vật hoang dã được Vườn thú Cologne hỗ trợ về tài chính cũng như kỹ thuật, nhưng bây giờ kinh phí hoạt động là do ngân sách nhà nước cấp. Trong khi đó, chi phí cho công tác cứu hộ là rất lớn vì số lượng động vật hoang dã phải cứu hộ rất nhiều; đồng thời Trung tâm còn đảm nhận việc cứu hộ động vật ở nhiều tỉnh miền trung. Tuy nhiên, khó khăn không làm cho hoạt động của Trung tâm bó hẹp mà trái lại đã trở thành một trong bốn trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có quy mô và hiệu quả cao trong cả nước.

Một ngày trải nghiệm với công việc của các cán bộ, nhân viên "bệnh viện động vật hoang dã" ở Di sản thế giới Phong Nha- Kẻ Bàng làm cho chúng tôi cảm phục, bởi lẽ phải có tình thương với động vật, trách nhiệm với nghề nghiệp mới giúp họ vượt qua khó khăn để làm tốt nhiệm vụ của mình. Chia tay chúng tôi, bác sĩ Trần Ngọc Anh nói thêm: "Nhiều loài động vật thông minh, cũng cần tình cảm như con người. Khi được mình chữa trị, chăm sóc, nó cảm nhận được bằng ánh mắt, thế cũng vui rồi".../.

 Theo Hương Giang - Báo Nhân dân