Những quy định mới trong định giá tài sản là động vật hoang dã

Ngày đăng : 16:06, 13/02/2019

(Kiemsat.vn) - Thông tư số 43/2018/TT - BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 25/6/2018 (Thông tư số 43) đã tháo gỡ khó khăn về định giá đối với các loại hàng cấm nói chung, các cá thể sống và sản phẩm của động vật hoang dã nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm là động vật hoang dã.

Nhận thức tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học, trong đó có việc đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã, đã có nhiều văn bản pháp lý được ban hành tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng, chống tội phạm; quản lý, bảo vệ động vật hoang dã như: Luật bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học, Luật bảo vệ rừng..., đặc biệt là Bộ luật hình sự (BLHS), Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) và hệ thống các văn bản hướng dẫn thi hành.

Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, có hiệu lực kể từ ngày 01/5/2018 có điểm mới là quy định chi tiết các căn cứ định giá tài sản là hàng cấm, trong đó bao gồm cá thể và sản phẩm của động vật hoang dã.

Khỉ đuôi dài Côn Đảo  (Macaca fascicularis condorensis) - (Nguồn: WCS Việt Nam)

Trước đây, thời điểm khi BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) còn hiệu lực, việc đấu tranh, phòng chống tội phạm liên quan đến động vật hoang dã gặp khó khăn trong công tác định giá tài sản. Cụ thể: Theo hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 19/2007/TTLT-BNN-BTP-BCA-VKSNDTC-TANDTC ngày 08/3/2007 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – Bộ tư pháp – Bộ Công an – Viện kiểm sát nhân dân tối cao – Tòa án nhân dân tối cao (TTLT số 19) hướng dẫn cách xác định mức độ hậu quả của hành vi vận chuyển, buôn bán các sản phẩm của động vật hoang dã theo quy định tại các điểm khoản tương ứng của Điều 190 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) đối với các hành vi phải truy cứu trách nhiệm hình sự, đó là:

- Hành vi gây hậu quả rất nghiêm trọng: Giá trị sản phẩm từ trên năm mươi triệu đồng đến một trăm triệu đồng.

- Hành vi gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng: Giá trị sản phẩm từ trên một trăm triệu đồng

Tuy nhiên, trong thực tiễn, thông qua một số vụ án khi bắt quả tang, thu giữ vật chứng là cá thể hoặc sản phẩm của của loài động vật hoang dã nằm trong Danh mục tại các Phụ lục của Công ước CITES, khi cơ quan tiến hành tố tụng trưng cầu định giá số vật chứng trên thì Cơ quan được trưng cầu thường từ chối định giá với lý do những loài động vật hoang dã này đều được xác định là hàng cấm theo quy định tại Phụ lục I, Văn bản hợp nhất số 19/VBHN-BCT ngày 09/5/2014 của Bộ Công thương quy định chi tiết Luật thương mại về hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh (VBHN số 19) nên không được mua bán chính thức trên thị trường.

Theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 26/2005/NĐ-CP ngày 02/3/2005 của Chính phủ về hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự (Nghị định 26) thì một trong các căn cứ để định giá là "Giá phổ biến trên thị trường tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm", được hướng dẫn chi tiết tại Mục 2, Chương II Thông tư số 55/2006/TT-BTC ngày 22/6/2006 của Bộ tài chính (Thông tư 55), cụ thể: "Giá phổ biến trên thị trường của tài sản tại thời điểm và nơi tài sản bị xâm phạm. Giá phổ biến trên thị trường là giá mua, bán theo thỏa thuận đối với tài sản cùng loại hoặc tương đương và là mức giá có số lần xuất hiện nhiều nhất trên thị trường trong thời gian, địa điểm tài sản bị xâm phạm", do đó không có căn cứ để Cơ quan được trưng cầu có thể tiến hành định giá các cá thể và sản phẩm động vật hoang dã thuộc các Phụ lục của Công ước CITES, do đều là hàng cấm nên không có giá mua bán phổ biến chính thức trên thị trường. Điều này gây khó khăn cho các Cơ quan tiến hành tố tụng trong việc xác định các căn cứ cấu thành tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm vận chuyển, buôn bán, tàng trữ động vật hoang dã theo quy định của BLHS 1999.

Từ khi BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ có hiệu lực từ 01/5/2018 (Nghị định số 30) và Thông tư số 43/2018/TT - BTC ngày 07/5/2018 của Bộ Tài chính có hiệu lực từ ngày 25/6/2018 (Thông tư số 43) đã tháo gỡ khó khăn về định giá đối với các loại hàng cấm nói chung, các cá thể sống và sản phẩm của động vật hoang dã nói riêng, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với loại tội phạm vận chuyển, buôn bán, tàng trữ hàng cấm là động vật hoang dã.

Cụ thể, Điều 234 BLHS năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về giá trị hàng cấm là động vật hoang dã thuộc Phụ lục II Công ước CITES tối thiểu đủ để khởi tố hình sự đối với hành vi vận chuyển, buôn bán là 150.000.000 đồng.

Tiếp đó, khoản 2, khoản 3 Điều 15 Nghị định số 30 đã bổ sung quy định mới về căn cứ định giá tài sản là hàng cấm như sau:

"2. Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong các căn cứ theo thứ tự ưu tiên sau:

a) Giá mua bán thu thập được trên thị trường không chính thức tại thời điểm và tại nơi tài sản là hàng cấm được yêu cầu định giá hoặc tại địa phương khác;

b) Giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu hàng cấm (nếu có);

c) Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp;

d) Giá thị trường trong khu vực hoặc thế giới của hàng cấm do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thông báo hoặc cung cấp thông tin;

đ) Giá niêm yết, giá ghi trên hợp đồng hoặc hóa đơn mua bán hoặc tờ khai nhập khẩu của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại Việt Nam;

e) Giá thị trường trong khu vực và thế giới của tài sản tương tự được phép kinh doanh, lưu hành, sử dụng tại các thị trường này;

g) Các căn cứ khác giúp xác định giá trị của tài sản cần định giá do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự cung cấp và chịu trách nhiệm về tính chính xác, tin cậy của các căn cứ này.

3. Các mức giá từ các nguồn thông tin quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được xác định tại thời điểm và tại nơi tài sản được yêu cầu định giá. Trường hợp thu thập nguồn thông tin về mức giá tài sản tại thời điểm khác hoặc ở địa phương khác thì mức giá đó cần được điều chỉnh phù hợp về thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá"

Quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 30 tiếp tục được hướng dẫn chi tiết hơn tại khoản 4 Điều 3 Thông tư 43 như sau:

"a) Trường hợp tại thời điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì áp dụng tại thời điểm định giá hoặc gần thời điểm định giá nhưng không quá 02 năm (24 tháng) tính đến thời điểm định giá. Thời điểm định giá là thời điểm mà giá trị tài sản được phản ánh theo yêu cầu định giá của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

b) Trường hợp tại địa điểm được yêu cầu định giá không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự thì mở rộng khu vực thu thập thông tin về giá sang các khu vực có đặc điểm thị trường tương tự với địa điểm được yêu cầu định giá. Trường hợp không thu thập được các mức giá của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự trong lãnh thổ Việt Nam, thì mở rộng việc thu thập giá tại khu vực và thế giới trên các trang thông tin điện tử chính thức của các cơ quan, tổ chức sản xuất, kinh doanh tại khu vực và thế giới"

Như vậy, đây là những quy định rất mới trong công tác định giá tài sản là hàng cấm nói chung và động vật hoang dã nói riêng trong tố tụng hình sự, bổ sung căn cứ, thời điểm và địa điểm xác định giá tài sản là hàng cấm, giúp các cơ quan được trưng cầu định giá tài sản có căn cứ để tiến hành định giá, góp phần giúp công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm vận chuyển, buôn bán hàng cấm là cá thể và sản phẩm động vật hoang đã được xử lý triệt để. Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan được trưng cầu định giá cần tăng cường công tác phối hợp kịp thời cập nhật giá thị trường không chính thức của các loại động vật hoang dã phổ biến mà tội phạm thường xuyên vận chuyển, buôn bán nhằm đề phòng có sự chênh lệch quá lớn giữa các địa phương khác nhau về cùng một sản phẩm, dẫn đến cùng một hành vi vận chuyển cùng một số lượng sản phẩm động vật hoang dã như nhau, nhưng mỗi địa phương lại định giá một trị giá khác nhau tương ứng với các khung khoản khác nhau theo quy định tại Điều 234 BLHS 2015, dẫn đến cùng một hành vi giống nhau, mức độ nguy hiểm cho xã hội giống nhau nhưng lại bị định khung hình phạt khác nhau tại các địa phương khác nhau.     

 

                                                       

  Ngô Văn Hà – Lê Hoàng, VKSND TP. Móng Cái