Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị sửa bản án sơ thẩm vụ kiện Vinasun - Grab

Ngày đăng : 09:34, 13/02/2019

(Kiemsat.vn) - Viện trưởng VKSND cấp cao tại tp Hồ Chí Minh vừa ra quyết định bổ sung quyết định kháng nghị phúc thẩm của VKSND tp Hồ Chí Minh trong vụ án Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng giữa nguyên đơn là Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).

Ảnh minh họa

Tại quyết định, VKSND cấp cao nhận định bản án sơ thẩm căn cứ vào chứng thư giám định của Công ty Giám định Cửu Long để cho rằng Vinasun bị thiệt hại do Grab gây ra là phiến diện và không khách quan, vì lợi nhuận của doanh nghiệp do các yếu tố chủ quan và khách quan tác động.

Về mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại - hành vi trái pháp luật và yếu tố lỗi của Grab, đồng quan điểm với kháng nghị của VKSND TP. HCM trước đó, Viện cấp cao cho rằng: "Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp luật của Grab với thiệt hại của Vinasun, không có lỗi của Grab". Hoạt động của Grab và Vinasun chính là vận chuyển hành khách, đối tượng phục vụ là hành khách, vì vậy yếu tố đóng vai trò quyết định cho việc doanh thu của cả Grab và Vinasun chính là người tiêu dùng.

Ảnh minh họa

VKSND cấp cao cũng bổ sung căn cứ kháng nghị, cho rằng doanh thu sụt giảm của Vinasun (nếu có) có phần là do người tiêu dùng đã lựa chọn Grab vì sự ưu thế của nó so với Vinasun cũng như các Taxi truyền thống khác. Sự tồn tại của Grab là phù hợp với xu hướng phát triển của nước ta hiện nay và trong những năm tới, lâu dài. Bởi giúp người tiêu dùng được tiếp cận với một sản phẩm hoàn toàn mới, với không chỉ giá cước rẻ hơn mà còn chất lượng dịch vụ tốt hơn, phá thế độc quyền của taxi truyền thống. Quy luật của nền kinh tế thị trường, ai không thích nghi được tất yếu sẽ bị đào thải. Bản thân Vinasun cũng cần phải ứng dụng công nghệ mới như Grab đang làm để thay đổi, làm mới, thu hút người tiêu dùng đến với mình, đầu tư nâng cao chất lượng phục vụ, cải thiện dịch vụ, áp dụng công nghệ mới để cắt giảm chi phí quản lý, giảm giá thành, tạo điều kiện cạnh tranh trên thị trường hiện nay để cạnh tranh với Grab... 

VKSND cấp cao tại tp Hồ Chí Minh nhận thấy bản án của Tòa sơ thẩm nhận định Grab có hành vi trái pháp luật, gây thiệt hại cho nguyên đơn và tuyên buộc Grab phải bồi thường 4,8 tỷ đồng chi phí xe nằm bãi là hoàn toàn không có cơ sở pháp luật.

Do vậy, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM quyết định bổ sung kháng nghị phúc thẩm về nhận định: "Grab không có hành vi trái pháp luật, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật của Grab với thiệt hại xảy ra của Vinasun, không có lỗi của Grab".

Đồng thời, đề nghị TAND cấp cao tại TP.HCM xét xử theo hướng: Sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam.

Trong vụ án này, Vinasun cho rằng Grab đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây náo loạn thị trường vận tải hành khách bằng taxi. Từ đó, Vinasun khởi kiện Grab ra TAND TPHCM yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với số tiền 41,2 tỷ đồng, vào đầu tháng 2/2018.

Sau nhiều lần mở phiên tòa nhưng tạm ngưng để xem xét, ngày 28/12/2018, TAND TP HCM xử sơ thẩm tuyên buộc Grab bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ đồng (chi phí do xe của Vinasun nằm bãi). 

Không chấp nhận bản án này, Grab kháng cáo toàn bộ. Vinasun cũng kháng cáo yêu cầu tòa cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện.

Phạm Hằng