Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động thực hiện chức năng, nhiệm vụ của VKSND

Ngày đăng : 08:11, 11/02/2019

(Kiemsat.vn) - Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp để góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đẩy mạnh tuyên truyền các mặt hoạt động của ngành, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát, góp phần nâng cao vị thế của ngành Kiểm sát nhân dân.

Năm 2018, các cơ quan báo chí của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Tổ tuyên truyền của các đơn vị trong toàn ngành đã bám sát Chỉ thị số 05 ngày 23/8/2012 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao về một số biện pháp tăng cường công tác tuyên truyền trong ngành Kiểm sát nhân dân; Chỉ thị số 01/CT-VKSTC của Viện trưởng VKSNDTC về công tác của ngành năm 2018 và Chương trình trọng tâm công tác tuyên truyền; thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả, hình thức phong phú, đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tuyên truyền đậm nét các hoạt động của ngành, xây dựng hình ảnh người cán bộ, Kiểm sát viên “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” và “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm” trong sự nghiệp đổi mới, cải cách tư pháp.

Điểm nhấn trong công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2018

Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của đồng chí Bí thư Ban cán sự Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao, Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành đã phát động và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của các đơn vị trong toàn ngành, tích cực tham gia Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (Giải Búa liềm vàng) năm 2018. Nếu như trong năm 2017 chỉ có các cơ quan báo chí chuyên trách của ngành tham gia Giải, thì năm 2018 đã có sự hưởng ứng của toàn ngành Kiểm sát nhân dân. Ban chỉ đạo tuyên truyền đã nhận được hơn 60 tác phẩm gửi về từ 40 đơn vị. Từ đó, đã lựa chọn được 06 tác phẩm chất lượng cao ở cả 03 loại hình báo chí là báo in, báo hình, báo điện tử để tham dự giải, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân.

Cũng trong năm 2018, Thường trực Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền đã hoàn thiện và trình Lãnh đạo VKSND tối cao phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014 góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”. Theo đó, Đề án đã đề ra 5 mục tiêu cụ thể và xác định 4 nhiệm vụ chủ yếu gồm: (1) Nâng cao nhận thức của Lãnh đạo VKSND các cấp, của cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành về nhiệm vụ, trách nhiệm thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành; (2) Tổ chức thi hành nghiêm chỉnh, có hiệu quả Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012; nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền của các đơn vị trong toàn ngành; tăng cường đội ngũ cán bộ tham gia làm công tác tuyên truyền, PBGDPL...; (3) Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, PBGDPL, chú trọng việc tuyên truyền, PBGDPL thông qua các hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; (4) Phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí của ngành; tăng cường phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông ở trung ương và địa phương để thực hiện các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL.

Đáng chú ý, Đề án đã đề ra 5 giải pháp chính, khả thi để tăng cường, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, PBGDPL của ngành Kiểm sát nhân dân là một khâu công tác được quy định tại Điều 39 Luật tổ chức VKSND năm 2014, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, kéo giảm tội phạm và vi phạm pháp luật; nâng cao hiểu biết của cán bộ và nhân dân về VKSND, tạo sự ủng hộ, phối hợp, giúp đỡ VKSND trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ...; cụ thể như sau:

Một là, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, PBGDPL gắn với quán triệt, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng; đề cao trách nhiệm, tinh thần tích cực, chủ động, sáng tạo của Lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân, xác định việc hoàn thành nhiệm vụ trong công tác tuyên truyền, PBGDPL là một trong những tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch, chương trình công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị.

Tiếp tục củng cố, kiện toàn và tổ chức thực hiện có nề nếp thông qua các quy định, quy chế đối với Ban chỉ đạo công tác tuyên truyền của ngành và các Tổ tuyên truyền của các đơn vị trong toàn ngành. Xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ, nội dung trọng tâm, chỉ tiêu công tác tuyên truyền, PBGDPL trong chương trình công tác hàng năm...

Hai là, nâng cao ý thức trách nhiệm, tinh thần gương mẫu của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức, viên chức, người lao động của ngành trong việc tuân thủ, chấp hành pháp luật, chủ động học tập, tìm hiểu pháp luật; củng cố, tăng cường đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, PBGDPL trong ngành Kiểm sát nhân dân thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn, khảo sát thực tiễn, tự đào tạo, tự bồi dưỡng...

Ba là, đổi mới nội dung và hình thức; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các khâu công tác thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và các hoạt động có tiếp xúc với người dân. Trong đó, về nội dung, thông tin tuyên truyền kịp thời về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định mới có liên quan đến tổ chức và hoạt động của ngành; tuyên truyền về chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân, về việc thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp; về kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo yêu cầu của các đạo luật mới về tư pháp; về  kết quả các mặt hoạt động, công tác của các đơn vị trong toàn ngành, cổ vũ phong trào thi đua, nhân rộng các điển hình tiên tiến, xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp. Về hình thức, biên soạn, ấn hành, cung cấp kịp thời, đầy đủ các tài liệu, ấn phẩm có nội dung phù hợp để các đơn vị sử dụng trong tuyên truyền, PBGDPL của ngành; các Tổ tuyên truyền, các báo cáo viên pháp luật tại các đơn vị có trách nhiệm tham mưu, đề xuất, nghiên cứu, chuẩn bị nội dung, biên tập tài liệu, viết tin, bài tuyên truyền; các đơn vị có liên quan phối hợp phổ biến, thông tin rộng rãi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND với hình thức phù hợp theo quy định của pháp luật; rà soát, chuẩn hóa, hoàn thiện nội dung chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo phục vụ giảng dạy, học tập về pháp luật theo hướng chuyên sâu, hiện đại, thiết thực, phù hợp với yêu cầu đào tạo nguồn cán bộ của ngành và xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng thực hành tuyên truyền, PBGDPL; chủ động chuẩn bị nội dung và kết hợp tuyên truyền, PBGDPL khi thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ như tiếp công dân, đối thoại với công dân, kiểm sát khiếu tố, kiểm sát khám nghiệm, kiểm sát xét xử, kiểm sát cưỡng chế thi hành án, kiểm sát việc chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ... và thông qua các hoạt động phong trào, đoàn thể khác.

Bốn là, phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan báo chí chuyên trách của ngành. Theo đó, tiếp tục xây dựng, phát triển, tập trung nâng cao chất lượng, tính cập nhật, tính hấp dẫn của các chuyên trang, chuyên mục phù hợp và hiệu quả, tăng khả năng tương tác với bạn đọc; phát hành các ấn phẩm khác (báo, tạp chí chuyên đề, sách hệ thống hóa các văn bản hướng dẫn pháp luật, sách chuyên khảo... để học tập và vận dụng vào thực tiễn công tác. Bên cạnh đó, tăng tần suất phát sóng, đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện của chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân trên kênh ANTV; mở rộng phạm vi phối hợp thực hiện, phát sóng chương trình với Đài Truyền hình Việt Nam và một số đài, kênh truyền hình khác; hợp tác sản xuất phim truyền hình về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vai trò của VKSND trong cuộc đấu tranh đó.

Năm là, đảm bảo điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn kinh phí cho công tác tuyên truyền, PBGDPL của ngành Kiểm sát nhân dân.

Nhiệm vụ trọng tâm công tác tuyên truyền năm 2019

Để thực hiện được những nhiệm vụ chủ yếu và cụ thể hóa các giải pháp nêu trên của Đề án, công tác tuyên truyền của ngành Kiểm sát nhân dân cần được lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, coi đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cơ quan, đơn vị, của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, trên cơ sở đó, năm 2019 cần tập trung thực hiện tốt các nội dung trọng tâm sau:

Thứ nhất, tuyên truyền việc quán triệt, triển khai và những kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm của các đơn vị trong việc thực hiện mục tiêu “Xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; nâng chất đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu các cấp có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ năng lực thực thi pháp luật. Nâng cao hơn nữa chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tăng cường năng lực Cơ quan điều tra VKSND tối cao. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; tăng cường các nguồn lực bảo đảm thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ; triển khai các hoạt động hướng tới kỷ niệm 60 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân (26/7/1960 - 26/7/2020)” và các nhiệm vụ trọng tâm được nêu trong Chỉ thị công tác của ngành Kiểm sát nhân dân năm 2019.

Thứ hai, tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng về các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, nhất là các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp và các nội dung có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân, góp phần vào công tác thông tin lý luận, tổng kết thực tiễn.

Tích cực hưởng ứng, tham gia có chất lượng, hiệu quả Giải báo chí toàn quốc về công tác xây dựng Đảng - Giải Búa liềm vàng năm 2019 nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên trong ngành về Đảng ta, về công tác xây dựng Đảng trong tình hình hiện nay, nhất là giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng và người đứng đầu ở các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp thấy được tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rút ra những bài học kinh nghiệm, ưu điểm để phát huy, những hạn chế, tồn tại để kịp thời khắc phục.

Thứ ba, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua việc thực hiện các khâu công tác kiểm sát theo quy định tại Điều 39 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 để góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật. Trọng tâm là tuyên truyền kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và vai trò, những đóng góp của VKS trong cuộc đấu tranh đó; tích cực phổ biến các quy định của pháp luật về tội phạm và hình phạt; hành vi vi phạm pháp luật, hành vi bị nghiêm cấm và chế tài xử lý; tình hình vi phạm và tội phạm, nguyên nhân và bài học cảnh giác, các biện pháp phòng ngừa... Qua đó, giáo dục ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật và trách nhiệm của người dân trong việc tham gia đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Thứ tư, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm đột xuất như triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng tới chào mừng kỷ niệm 60 năm thành lập Viện kiểm sát nhân dân; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng bộ phim truyền hình nhiều tập về ngành Kiểm sát; tăng cường chất lượng nội dung phát sóng trên chương trình Truyền hình KSND; đổi mới báo Bảo vệ pháp luật điện tử, Tạp chí điện tử Kiểm sát, triển khai xây dựng Cổng thông tin điện tử của Văn phòng VKSND tối cao; củng cố, nâng cấp các trang thông tin điện tử của các đơn vị trong toàn ngành...

Thứ năm, chú trọng tuyên truyền, cổ vũ các phong trào thi đua trong toàn ngành, kịp thời phát hiện, nhân rộng các điển hình tiên tiến; giới thiệu các cách làm hay, hiệu quả trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp..., góp phần xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong sự nghiệp đổi mới và cải cách tư pháp./.

Ban biên tập