Những lễ hội xuân đặc sắc ở miền Bắc

Ngày đăng : 08:03, 05/02/2019

(Kiemsat.vn) - Tiếp nối những ngày Tết cổ truyền Kỷ Hợi 2019 là những lễ hội truyền thống ý nghĩa. Kiemsat.vn tổng hợp, giới thiệu một số lễ hội tiêu biểu và đặc sắc ở miền Bắc trong tháng Giêng.

Lễ hội chùa Hương

Lễ hội chùa Hương là nơi hội tụ các sinh hoạt văn hóa dân tộc độc đáo như bơi thuyền, leo núi và các chiếu hát chèo, hát văn… (Ảnh: Hà nội mới)

Đây là lễ hội thu hút nhiều sự chú ý của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước (bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch). Đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng riêng đến 18 tháng 02 âm lịch. Ngày này vốn là ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch đông đảo người dân đến trẩy hội từ sớm.

Hàng triệu phật tử cùng du khách bốn phương nô nức về xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, về một miền đất Phật - nơi Bồ Tát Quan Thế Âm ứng hiện tu hành để dâng lên một lời nguyện cầu, một nén tâm hương. Chùa Hương tấp nập vào ra hàng ngàn thuyền khách. Du khách đến Chùa Hương được đắm mình trong không gian của non nước mênh mông với hàng giờ ngồi thuyền ngắm cảnh.

Hội gò Đống Đa 

Lễ hội Gò Đống Đa (Ảnh: Tuổi trẻ thủ đô)

Hội gò Đống Đa diễn ra hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, Phường Quang Trung, Quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Hàng năm, nhân dân mọi nơi lại đổ về đây dâng hương hoa để bày tỏ lòng biết ơn tới những anh hùng nghĩa sĩ và ôn lại những trang sử vẻ vang rất đỗi tự hào của dân tộc. Trong ngày hội có nhiều trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ. Trong đó, trò rước Rồng lửa Thăng Long là độc đáo nhất. 

Lễ hội đền Gióng

Lễ hội Đền Gióng (Ảnh: zing.vn)

Khai hội vào ngày 06/01 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với ý nghĩa đó, lễ hội được nhiều người tìm đến để cầu nguyện sức khỏe, ý chí vươn cao trong năm mới. Tham gia lễ hội đền Sóc, ngoài cầu nguyện, du khách cũng có thể trải nghiệm leo núi lên đỉnh núi Sóc- nơi tương truyền Thánh Gióng bay về trời. 

Lễ hội diễn ra trong 03 ngày với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Ngày chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.

Lễ hội chợ Viềng

Người dân mua bán lấy lộc đầu năm (Ảnh: Vietnammoi)

Chợ Viềng họp cả ngày vào mùng 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, nhưng người ở xa thường về từ sớm, rậm rịch họp chợ từ 11, 12 giờ đêm hôm trước, cho đến sáng và hết cả ngày hôm sau tại xã Kim Thái, huyện Vụ Bản và thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Phiên chợ chỉ diễn ra 1 lần trong năm, được gọi là chợ mua hàng cầu may.

Tại hội chợ Viềng chủ yếu bán các cây trồng, vật nuôi: Từ cây trồng để lấy gỗ, cây hoa cây cảnh, các loại cây ăn quả, thậm chí cả cây cà, cây chanh, cây ớt. Sau nữa là đến các vật dụng sản xuất nhỏ của nhà nông như cái cày, cái cuốc, quang gánh và cả quần áo, giày dép, gạo, thịt…

Ngoài chợ Viềng, các du khách còn được trẩy hội Phủ Dày vào mồng 8 tháng Giêng. Phủ Dày là một trong những phủ thờ bà Chúa Liễu Hạnh trong "tứ bất tử" ở Việt Nam.

Lễ hội Yên Tử

Lễ hội Yên Tử ( Ảnh: vietnamtourism.gov.vn)

Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch. Non thiêng Yên Tử là nơi vua hóa Phật khi vua Trần Nhân Tông về đây tu luyện và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử.  Bởi vậy, lễ hội Yên Tử vẫn được coi là nguyên khí Việt. 

Yên Tử là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của Việt Nam. Ngoài làm lễ tế bái cầu một năm sung túc, bình an thì du khách đến đây cũng để cảm nhận sự thanh tịnh mà thiên nhiên đất trời mang lại.

Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động như: Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, văn nghệ diễn xướng tái hiện lịch sử dân tộc… cùng những hoạt động văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, võ thuật cổ truyền, trò chơi dân gian… tưng bừng, nhộn nhịp. 

Lễ hội Lim

Du khách tập trung về thủy đình để nghe những làn điệu quan họ trên thuyền của các liền anh, liền chị (Ảnh: Hanoimoi)

Hội Lim là một lễ hội lớn của tỉnh Bắc Ninh, chính hội được tổ chức vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm, trên địa bàn huyện Tiên Du. Hội Lim được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Kinh Bắc.

Trong ngày này, các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến. Nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm được tổ chức; đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Khai ấn đền Trần

Lễ hội khai ấn tại Đền Trần (Ảnh: Vietnammoi)

Đây là một trong những lễ hội khai xuân lớn nhất trong năm, diễn ra từ ngày 11-16 tháng Giêng. Ngoài lễ phát ấn lúc giữa đêm 14 và mở đầu ngày 15 tháng giêng, lễ hội còn tổ chức xen kẽ các hoạt động hội truyền thống gồm múa lân, múa rồng, hát chèo, hát chầu văn, thi đấu cờ người, đấu vật...

Lễ khai ấn là một tập tục văn hóa mang tính nhân văn để nhà vua tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ; thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông, cha ông. Và cũng là "tín hiệu nhắc nhở" chấm dứt ngày Tết, thực sự bắt tay vào công việc. Gần đây, ngày càng nhiều người tới hành lễ tại đền Trần; đặc biệt trong lễ khai ấn thì ai cũng mong muốn xin được lá ấn để tài lộc sung túc, phát đạt cho cả năm. 

Lễ hội Bà Chúa Kho

Nườm nượp khách thập phương đến đền bà Chúa Kho"vay lộc" (Ảnh: zing.vn)

Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho từ lâu đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Việt Nam. Để lời cầu xin được đến tai bà, mỗi thân chủ phải ghi rõ trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và đặc biệt là phải nói rõ một năm, hai năm, hay năm năm sau sẽ trả, tức là tạ lễ.

Khai hội vào ngày 14 tháng Giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho luôn chật kín người. Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.

Lễ hội chùa Bái Đính, Ninh Bình 

Cứ vào mùng 6 Tết cho đến hết tháng 3 âm lịch hàng năm, lễ hội chùa Bái Đính lại thu hút đông đảo du khách (Ảnh: ninhbinhtravel.net)

Lễ hội chùa Bái Đính khai hội vào ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch, khởi đầu cho những lễ hội hành hương về vùng đất Cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô. 

Du khách đến quần thể chùa Bái Đính dịp đầu năm ngoài việc cầu may, cầu tài, cầu lộc thì còn để chiêm ngưỡng, ngắm cảnh chùa, tận mắt chứng kiến 9 kỉ lục được ghi nhận ở đây. Kiến trúc độc đáo, đa dạng của chùa Bái Đính là điểm thu hút du khách thập phương.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần: Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương và nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội. Phần hội chùa Bái Đính gồm có các trò chơi dân gian, thăm thú hang động, vãn cảnh chùa, thưởng thức nghệ thuật hát Chèo, Xẩm, Ca trù đất Cố đô rất đặc sắc./.

Cẩm Thi (t/h)