VKSND tỉnh Nghệ An tăng cường kiến nghị phòng ngừa tội phạm

Ngày đăng : 14:45, 28/01/2019

(Kiemsat.vn) - Trong các bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng năm 2018, VKSND tỉnh Nghệ An đã tổng hợp, nêu lên các thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý nhà nước, trên cơ sở đó kiến nghị đến cơ quan, tổ chức có biện pháp chấn chỉnh và khắc phục các thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm có thể xảy ra.

Năm 2018 là một năm đặc biệt với các cơ quan trong ngành tư pháp nói chung và ngành Kiểm sát nói riêng, khi mà các đạo luật lớn về tư pháp như: BLHS năm, BLTTHS năm 2015, Luật Tạm giữ, tạm giam… có hiệu lực thi hành; đồng nghĩa với việc trách nhiệm, quyền năng pháp lý của Viện kiểm sát được mở rộng hơn, đòi hỏi mỗi cán bộ, kiểm sát viên phải tự ý thức và không ngừng nỗ lực phấn đấu để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn của mình.

Chỉ thị công tác kiểm sát năm 2018 số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh "… tăng cường kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm, những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội… để kiến nghị với cơ quan hữu quan các biện pháp, giải pháp khắc phục, phòng ngừa…”. Kế hoạch công tác năm 2018 và văn bản của Ban cán sự Đảng VKSND tỉnh Nghệ An về việc lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị thực hiện Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao và Kế hoạch công tác kiểm sát năm 2018 xác định:"Yêu cầu lãnh đạo các đơn vị quan tâm công tác kiến nghị phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những thiếu sót, sơ hở của các cơ quan, tổ chức là nguyên nhân làm phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật".

Ảnh minh họa

Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của nội dung công tác này nên trong Chương trình công tác năm 2018, Phòng THQCT, KSĐT, KSXX các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ (Phòng 3) VKSND tỉnh Nghệ An đã lựa chọn và xác định khâu công tác đột phá:“Thông qua công tác THQCT, KSĐT, truy tố các vụ án hình sự về kinh tế, chức vụ đơn vị tổng hợp và tham mưu cho Viện trưởng VKSND tỉnh ban hành các bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật kịp thời và đảm bảo chất lượng”.

Để thực hiện tốt khâu đột phá, ngay từ đầu năm Lãnh đạo phòng đã yêu cầu các cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị phải tập trung nghiên cứu hồ sơ các vụ án chặt chẽ, có phương pháp tổng hợp, phân tích, đánh giá và tìm ra được những nguyên nhân, điều kiện dẫn đến hành vi tội phạm qua đó ban hành các bản kiến nghị phòng ngừa.

Phòng 3 là phòng giải quyết các vụ việc, vụ án có tính chất phức tạp, đặc biệt nghiêm trọng, các vụ án xảy ra được dư luận, báo chí quan tâm, được Thường trực tỉnh ủy và Ban Nội chính tỉnh ủy đưa vào diện theo dõi, chỉ đạo. Mặc dù hàng năm số lượng các vụ việc, vụ án đơn vị thụ lý giải quyết không nhiều (năm 2018, đơn vị thụ lý giải quyết 32 tin báo; 31 vụ án) nhưng nhiều vụ án xảy ra liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp và nhiều địa bàn trong và ngoài nước. Tuy nhiên, với sự nỗ lực phấn đấu, cộng sự của cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị nên chỉ tiêu kiểm sát giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và các vụ án đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.

Đặc biệt, trong số các vụ án đơn vị đã thụ lý giải quyết, thông qua công tác THQCT, KSĐT, KSXX đơn vị đã nghiên cứu và tổng hợp các nguyên nhân, sơ hở làm phát sinh các loại tội phạm, từ đó, đơn vị đã tham mưu cho Viện trưởng ban hành 03 bản kiến nghị phòng ngừa tội phạm có chất lượng gửi các cơ quan, tổ chức kiến nghị yêu cầu khắc phục nhằm không để xảy ra tội phạm, cụ thể:

- Vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An liên quan đến các cán bộ Trạm quản lý rừng phòng hộ huyện và cán bộ kiểm lâm địa bàn huyện do thiếu trách nhiệm trong việc tuần tra, kiểm tra dẫn đến để các đối tượng chặt phá rừng hơn 300 m2 gỗ Pơ mu trị giá hơn 3 tỷ đồng. Phòng 3 đã tổng hợp những nguyên nhân để xảy ra tội phạm, tham mưu cho Viện trưởng ban hành kiến nghị số 970/VKS ngày 18/5/2018 gửi Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An kiến nghị các biện pháp khắc phục vi phạm trong hoạt động quản lý và bảo vệ rừng.

Sau khi nhận được kiến nghị của VKSND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo gửi các đơn vị Hạt kiểm lâm các huyện trực thuộc Chi Cục kiểm lâm Nghệ An; các đơn vị thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh có các biện pháp tuần tra, kiểm tra không để xảy ra việc khai thác rừng trái phép, đồng thời triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung bản kiến nghị của VKSND tỉnh.

- Năm 2018, Nghệ An là địa bàn đầu tiên trong cả nước khởi tố và xử lý đối với các đối tượng có hành vi khai thác tài nguyên trái phép (cát, sỏi), xuất phát từ thực trạng khai thác cát trái phép diễn ra ngày càng gia tăng tại địa phận dọc sông Lam của các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Hưng Nguyên, gây bức xúc cho cho người dân đồng thời ảnh hưởng nghiêm trọng đến diện tích hoa màu, sinh hoạt đời sống của nhân dân.

Năm 2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã khởi tố 04 vụ án về hành vi “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” quy định tại Điều 227 BLHS 2015. Phòng 3 đã tổng hợp nguyên nhân dẫn đến việc xảy ra hành vi phạm tội là xuất phát từ việc nhận thức của người dân chưa nắm được về chính sách pháp luật có sự thay đổi nên dẫn đến phạm tội, từ đó tham mưu cho đồng chí Viện trưởng ban hành kiến nghị số 2003/KN-VKS-P3 ngày 06/11/2018 gửi Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm, trong đó đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh triển khai thực hiện một số yêu cầu về đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật, nhất là Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018), trong đó, điểm mới của điều luật là đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm sẽ xử lý bằng hình sự; chỉ đạo các sở, ban, ngành có liên quan trong việc tham mưu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch về quản lý hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An...

Ngày 12/12/2018 Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An đã ban hành văn bản số 9454/UBND-NC v/v chỉ đạo thực hiện kiến nghị của VKSND tỉnh về phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài nguyên (cát, sỏi), theo đó Chủ tịch UBND tỉnh đã tổ chức triển khai và quán triệt đầy đủ các nội dung của Viện kiểm sát kiến nghị đồng thời yêu cầu các sở, ngành chức năng, UBND các huyện, thành phố và thị xã thực hiện nghiêm túc các kiến nghị của VKSND tỉnh.

- Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị can nguyên là Phó Trưởng phòng Đền bù 2 của Trung tâm phát triển quỹ đất UBND thành phố Vinh đã lợi dụng là cán bộ của Trung tâm có hành vi gian dối, sử dụng con dấu của Trung tâm để lập các hợp đồng giữa Trung tâm phát triển quỹ đất với người dân góp vốn mua đất nhằm lừa đảo chiếm đoạt của 08 bị hại với số tiền 9.605.000.000 đồng (Chín tỷ sáu trăn linh năm triệu đồng). Phòng 3 đã tham mưu cho Viện trưởng ban hành kiến nghị số 2028/KN-VKS-P3 ngày 12/11/2018 gửi Chủ tịch UBND TP. Vinh về kiến nghị áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Sau khi nhận được kiến nghị của VKSND tỉnh, Chủ tịch UBND TP. Vinh đã giao Phòng Nội vụ UBND thành phố Vinh yêu cầu Trung tâm phát triển quỹ đất kiểm điểm tập thể, các cá nhân có liên quan trong việc để xảy ra tội phạm như kiến nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh, sau khi kiểm điểm và kỷ luật các cán bộ liên quan, Chủ tịch UBND TP. Vinh có văn bản trả lời kiến nghị gửi VKSND tỉnh.

Trong các bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng năm 2018, đơn vị đã tổng hợp, nêu lên các thiếu sót, sơ hở trong công tác quản lý của các Cơ quan nhà nước,  xác định các nguyên nhân của vi phạm. Trên cơ sở đó kiến nghị đến cơ quan, tổ chức có biện pháp chấn chỉnh và khắc phục các thiếu sót, sơ hở, góp phần tích cực vào việc ngăn chặn, phòng ngừa tội phạm có thể xảy ra.

Việc ban hành kiến nghị phải kịp thời, nội dung kiến nghị cần áp dụng căn cứ pháp luật chính xác, yêu cầu kiểm điểm các tổ chức, cá nhân cụ thể, trách nhiệm trả lời và kết quả thực hiện kiến nghị. Sau khi ban hành kiến nghị phòng ngừa đơn vị đã theo dõi kết quả phúc đáp của các cơ quan, tổ chức hữu quan. Do đó, các kiến nghị của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An trong năm 2018 đã được Thủ trưởng các cơ quan chức năng thực hiện và có văn bản trả lời đầy đủ, kịp thời. 

Năm 2019, Phòng 3 VKSND tỉnh xác định việc nghiên cứu, tổng hợp và tham mưu cho Lãnh đạo VKSND tỉnh ban hành các kiến nghị phòng ngừa vi phạm và tội phạm trên địa bàn tỉnh Nghệ An tiếp tục là nội dung  cần quan tâm và chú trọng. Để công tác này được thực hiện có chất lượng, hiệu quả, chúng tôi đề xuất một số nội dung như sau:

1. Nhận thức từ Lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên các đơn vị trong việc tổng hợp, ban hành kiến nghị tội phạm và vi phạm phạm pháp luật đến cơ quan, tổ chức thông qua chức năng THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp là một quyền năng pháp lý quan trọng của VKSND, được pháp luật quy định (Luật Tổ chức VKSND; BLTTHS; Quy chế của ngành; Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao…).

2. Trong quá trình công tác, các đơn vị cần chủ động bám sát với yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó dự báo tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật có thể gia tăng ở từng địa phương, nhất là những vấn đề nổi cộm, bức xúc đang diễn ra (như khai thác tài nguyên, xuất khẩu lao động, buôn lậu, cho vay lãi nặng…);

3. Kiểm sát viên THQCT, kiểm sát hoạt động tư pháp tích cực phát huy tinh thần trách nhiệm, đổi mới phương pháp tư duy, từ đó tổng hợp và xác định nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh vi phạm và tội phạm để tham mưu cho Lãnh đạo kiến nghị cơ quan, tổ chức áp dụng các biện pháp phòng ngừa.

4. Khi ban hành kiến nghị phòng ngừa của VKSND phải đảm bảo chất lượng, tránh việc chạy theo thành tích, các giải pháp yêu cầu thực hiện phải cụ thể, có căn cứ. Sau khi ban hành kiến nghị cần có sự kiểm tra và theo dõi việc thực hiện và trả lời của các cơ quan, tổ chức cho Viện kiểm sát về các nội dung đã kiến nghị.

 

Trần Xuân Trường - Trưởng phòng 3, VKSND tỉnh Nghệ An