Tục cúng Táo Quân và những điều nên biết
Ngày đăng : 08:36, 25/01/2019
Theo tín ngưỡng dân gian của người Việt, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ (của Lão giáo Trung Quốc) nhưng được Việt hóa thành tích "2 ông 1 bà" - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc ông Công ông Táo.
Hình ảnh Táo Quân trong tranh dân gian Đông Hồ |
Táo Quân dõi theo cuộc sống của từng gia đình, hàng ngày sẽ ghi lại những việc làm tốt xấu của gia chủ, để đến cuối năm, vào ngày 23 tháng Chạp, các vị cưỡi cá chép lên chầu trời và báo cáo với Ngọc Hoàng.
Thiên đình sẽ dựa trên báo cáo đó của Táo quân mà đưa ra thưởng - phạt rõ ràng cho từng gia đình nên người dân quan niệm ba vị thần Táo này sẽ định đoạt phước đức cho toàn gia. Xuất phát từ tín ngưỡng đó, lễ tiễn Táo Quân lên chầu trời ngày 23 tháng Chạp luôn được các gia đình chuẩn bị từ nhiều ngày trước và tiến hành trọng thể.
Bàn thờ Táo Quân thường đặt ở gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình sắm sanh lễ vật cúng ba vị thần gồm có 03 bộ mã (2 ông 1 bà), các loại hương hoa, quả, trầu cau, chè cháo,… và một số loại vàng mã khác cùng mâm cơm để cúng Táo Quân. Lễ cúng đó không thể thiếu cá chép (cá thật hoặc cá giấy), sau đó, những đồ vàng mã sẽ được hóa đi cùng với bài vị cũ, cá chép được mang ra “phóng sinh” ở sông, hồ, ao. Đây là một tục lệ giàu ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.
Táo Quân về trời |
Cúng Táo Quân trước ngày 23 có được không?
Quan niệm của người Việt, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc Hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo Quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và Táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, lễ cúng Táo Quân có thể bắt đầu từ tối ngày 22 tháng Chạp và dù vướng bận chuyện gì cũng cần hoàn thành nghi lễ cúng trước 12 giờ trưa ngày 23 tháng Chạp.
Năm 2019, theo một số chuyên gia tín ngưỡng, giờ đẹp nhất để cúng Táo Quân là khung giờ từ 9 – 11h sáng ngày 23 tháng Chạp. Đây là giờ Tỵ và cũng là giờ hoàng đạo của ngày 23.
Mâm cơm cúng Táo (Ảnh: Internet) |
Phải cúng cá Chép thật hay Chép giấy ?
Dân gian quan niệm ngày Táo Quân về trời sẽ có linh vật là cá Chép đưa đi. Tuy nhiên, vẫn có nhiều gia đình thắc mắc, không biết nên dùng cá Chép giấy hay Chép thật khi cúng lễ và cúng bao nhiêu con là đủ?
Trả lời vấn đề này, GS Ngô Đức Thịnh (Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam) và GS.TS Nguyễn Chí Bền (Ủy viên Hội đồng di sản văn hóa Quốc gia) cho rằng, trong ngày 23 tháng Chạp, người dân có thể dùng cá chép thật hoặc cá chép giấy để cúng đều được, tùy vào điều kiện của gia chủ. Sau khi cúng cá Chép thật phải thực hiện tục thả phóng sinh. Tuy nhiên, khi thả cá, người dân tránh việc thả luôn cả nilon bởi làm như vậy, cá vừa không sống được, vừa xả rác ra môi trường ao hồ.
Cá chép vàng cúng Táo Quân |
Theo tâm thức dân gian, “cá Chép hóa rồng” hay “cá vượt vũ môn” còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công. Vì vậy, cũng nhiều người quan niệm thả càng nhiều cá càng may mắn.
“Việc này không đúng, thực ra nhiều nhất chỉ 3 con là đủ. Lễ nào cũng vậy, quan trọng nhất là tấm lòng thành, chứ không phải mâm cao cỗ đầy, càng nhiều lễ vật thì càng thiêng” – GS. TS Nguyễn Chí Bền nói thêm.
Có thể thay cá Chép thật bằng cá giấy vì quan trọng nhất là “lòng thành” |
Đốt vàng mã không đúng nơi quy định sẽ bị phạt
Thực tế, quan niệm từ xưa thì mâm lễ cúng Táo Quân chỉ cần một số đồ như: hoa quả, chè ngọt, mâm cơm giản đơn tuy nhiên hiện nay nhiều gia đình đã bày biện và mua đồ mã cúng Táo khá nhiều. Có gia đình chi cả tiền triệu để mua vàng mã đốt trong ngày 23 tháng Chạp với quan niệm “Tốt lễ dễ xin” nên các sản phẩm vàng mã ông táo thường được mua số lượng lớn để những vị Táo Quân bỏ qua những việc làm sai trái và ban thật nhiều Lộc cho gia đình.
Việc đốt vàng mã cúng Táo là một nghi thức tôn giáo tín ngưỡng văn hóa đẹp của người Việt, thể hiện sự giao tiếp của con người đối với thế giới siêu nhiên. Tuy nhiên, trong văn hóa tâm linh thì quan trọng nhất vẫn là “lòng thành”, vì thế người dân cần hiểu biết về nghi lễ này, tránh thái mua sắm vàng mã thái quá và sai lệch với ý nghĩa ban đầu.
Tục đốt vàng mã đã bị biến tướng (Ảnh minh họa) |
Để hạn chế vấn nạn đốt vàng mã thái quá, cơ quan chức năng đều có các văn bản đôn đốc, nhắc nhở các địa phương về việc tuyên truyền, thực hiện nếp sống văn minh trong các hoạt động tôn giáo tín ngưỡng.
Việc xử phạt đốt hàng mã không đúng nơi quy định đã được quy định tại Điều 15 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200 nghìn đồng đến 500 nghìn đồng đối với hành vi đốt vàng mã không đúng nơi quy định.