“Chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm” là nhiệm vụ hàng đầu của ngành KSND

Ngày đăng : 16:08, 21/01/2019

(Kiemsat.vn) - Đây là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm của Viện kiểm sát các cấp được nêu trong Hướng dẫn số 02/HD-VKSTC về công tác THQCT và KSĐT, KSXX sơ thẩm các vụ án tham nhũng, chức vụ năm 2019 của VKSND tối cao.

Theo Hướng dẫn, Viện trưởng VKSND các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm trong các chỉ thị chuyên đề và chỉ thị công tác năm 2019 của Viện trưởng VKSND tối cao, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên các mặt công tác: THQCT và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; THQCT và KSĐT; THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố; THQCT và KSXX sơ thẩm.

Trong công tác THQCT và Kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, Hướng dẫn nêu rõ, Viện trưởng VKSND cấp tỉnh, cấp huyện với vai trò trực tiếp chỉ đạo công tác này phải chỉ đạo rà soát, phân loại để đôn đốc Cơ quan điều tra (CQĐT), cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp giải quyết dứt điểm các tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố còn tồn từ năm 2018 chuyển sang, nhất là các tố giác, tin báo đã quá hạn luật định.

Chỉ đạo thực hiện đúng, đủ nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND theo quy định của Luật, bảo đảm 100% các vụ việc có dấu hiệu tội phạm khi có đủ căn cứ phải được khởi tố, điều tra theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Theo dõi, quản lý chặt nguồn tin đang tạm đình chỉ việc giải quyết để yêu cầu CQĐT tiếp tục tiến hành các hoạt động điều tra, khi lý do tạm đình chỉ việc giải quyết không còn thì yêu cầu CQĐT, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp phục hồi giải quyết ngay theo đúng quy định của pháp luật, tránh bỏ lọt tội phạm.

Tăng cường kiểm sát trực tiếp công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tham nhũng, chức vụ tại CQĐT và Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cùng cấp để kịp thời phát hiện những vi phạm, những hạn chế, thiếu sót để ban hành kiến nghị yêu cầu khắc phục, bảo đảm hoạt động này tuân thủ đúng quy định pháp luật.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, Kiểm sát viên chú ý tham mưu cho lãnh đạo Viện yêu cầu CQĐT áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, không để đối tượng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra và thu hồi tài sản; kịp thời đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh tài sản của bị can và các đối tượng liên quan; yêu cầu CQĐT áp dụng ngay các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của đối tượng để bảo đảm thu hồi tài sản cho Nhà nước, không để đối tượng tẩu tán, che dấu, hợp pháp hóa tài sản; tích cực phối hợp với CQĐT động viên, thuyết phục bị can tự nguyện giao nộp tài sản đã chiếm đoạt, tự nguyện khắc phục hậu quả thiệt hại đã gây ra nhằm thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, nâng cao tỷ lệ thu hồi tài sản theo yêu cầu của Quốc hội.

Hình ảnh thực hành quyền công tố của Kiểm sát viên tại phiên tòa

Năm 2019, phấn đấu tăng tỷ lệ và nâng cao hơn nữa chất lượng THQCT và KSXX sơ thẩm các vụ án hình sự về tham nhũng, chức vụ; bảo đảm 100% các vụ án được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; không để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội hoặc bản án bị hủy để điều tra, xét xử lại có trách nhiệm của Viện kiểm sát, Hướng dẫn nêu rõ.Nâng cao hơn nữa chất lượng công tác THQCT và Kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố, bảo đảm 100% các quy định truy tố đúng thời hạn, 100% các bị can truy tố đúng tội danh, đúng khung hình phạt, không bỏ lọt tội phạm. Đồng thời, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp cần tăng cường chỉ đạo đơn vị thông qua công tác THQCT và KSĐT, giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ, chú trọng tổng hợp nguyên nhân, điều kiện phát sinh vi phạm, tội phạm; những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực, tham nhũng, dư luận xã hội quan tâm để ban hành kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm hoặc tổng hợp báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao kiến nghị với Đảng, Nhà nước và các Bộ, Ngành, địa phương nơi để xảy ra tội phạm, góp phần phòng ngừa tham nhũng.

Trên cơ sở Hướng dẫn này và Kế hoạch công tác năm 2019 của đơn vị, Viện trưởng VKSND các tỉnh chỉ đạo phòng nghiệp vụ xây dựng chương trình công tác và hướng dẫn công tác THQCT, KSĐT, KSXX sơ thẩm án tham nhũng, chức vụ cho VKSND cấp huyện để thực hiện thống nhất, hiệu quả. Phòng nghiệp vụ của Viện kiểm sát quân sự Trung ương căn cứ Hướng dẫn này để hướng dẫn các đơn vị trong hệ thống VKS quân sự thực hiện sát với đặc điểm và tình hình của các đơn vị.

Xem toàn văn Hướng dẫn tại đây./.

Cẩm Thi (giới thiệu)