Báo động đỏ:  “Con nghiện” ôm vô lăng

Ngày đăng : 10:40, 21/01/2019

(Kiemsat.vn) - Tình trạng “con nghiện” ôm vô lăng hiện nay đã đến mức báo động, cần phải được chấn chỉnh, giải quyết triệt để với những biện pháp mạnh.

Vừa lái xe vừa…“phê” ma túy

Sử dụng ma túy hiện đang là một thực trạng nhức nhối trong giới lái xe. Với lí do cần ma túy để kích thích thần kinh, giữ tỉnh táo để đủ sức “cày”, không ít tài xế đường dài trở thành “con nghiện” nặng.

Tài xế nghiện ma túy có thể gây nguy hiểm cho người khác khi rơi vào hai trạng thái đói thuốc hoặc phê thuốc. Nếu đói thuốc, lái xe sẽ thấy mệt mỏi, chảy nước mắt, thiếu quan sát và xử lý tình huống chậm. Còn khi phê thuốc, sẽ bị hưng phấn quá độ, dễ mất kiểm soát về thần kinh. Trong cơn ảo giác, những lái xe trở thành những “hung thần xa lộ”. Nhiều vụ tai nạn thảm khốc diễn ra bắt nguồn từ nguyên nhân lái xe “phê” ma túy, không làm chủ được tốc độ, tay lái.

Vào khoảng 22 giờ 20 phút ngày 17/5/2012, 1 vụ tai nạn thảm khốc xảy ra tại cầu Serepok (Km 730 - Quốc lộ 14) thuộc địa phận xã Hòa Phú, TP Buôn Ma Thuột đã cướp đi 34 mạng người và 21 người bị thương. Tháng 7/2012, 1 vụ TNGT hy hữu làm 1 người chết và 4 người bị thương khi đang đứng chờ xe buýt tại Km 52+100 trên Quốc lộ 5 (ngã tư bến Hàn, TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương). Nguyên nhân đều được xác định do tài xế đang trong trạng thái phê ma túy.

Mới đây nhất, người dân Long An vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ tài xế container chơi ma túy, uống rượu lái xe gây tai nạn kinh hoàng hôm 2/1. Tài xế Phạm Thành Hiếu (32 tuổi) khi lái xe container chở gạo đến ngã tư Bình Nhựt trên Quốc lộ 1A, đoạn gần cầu Bến Lức (Long An), đã tông vào 21 xe máy đang dừng đèn đỏ. Chiếc container tiếp tục cuốn nhiều người và xe vào gầm khiến 4 nạn nhân tử vong tại chỗ, gần 20 người bị thương nặng. Kết quả xét nghiệm cho thấy anh Hiếu dương tính với ma túy, trong máu có cồn.

Hiện trường vụ tai nạn kinh hoàng tại Long An (Ảnh: VTC)

Sau vụ việc này, TP. HCM phải mở nhiều chốt kiểm tra ma tuý với các tài xế. Trong 02 ngày ra quân chuyên đề (12 và 13/1), lực lượng chức năng quận Thủ Đức - TPHCM đã phát hiện có đến 7 tài xế dương tính với ma túy trong tổng số 48 tài xế container ra vào các cảng.

Được biết, từ 14/1 đến 20/2, lực lượng CSGT sẽ mở 03 đợt tổng kiểm tra ôtô khách và xe tải các loại để ngăn ngừa các lỗi vi phạm, đồng thời phát hiện tài xế sử dụng ma túy khi lái xe. Đợt tổng kiểm tra được thực hiện trên các tuyến cao tốc, quốc lộ từ Lạng Sơn đến TP.HCM.

Việc các cơ quan chức năng liên ngành chốt chặn kiểm tra, xử lý tài xế sử dụng ma túy là điều cần thiết. Nhưng một câu hỏi đặt ra là tại sao những người nghiện vẫn ung dung được hành nghề lái xe, đánh cược tính mạng của biết bao con người khi đã có quy định về việc giám sát sức khỏe tài xế (Quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21/8/2015 về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe ô tô, trong đó có nội dung test ma túy)? Phải chăng các doanh nghiệp vận tải và lái xe chỉ thực hiện quy định này theo kiểu đối phó?…

Siết chặt việc sát hạch, quản lý lái xe

Thực tế cho thấy, hiện nay, việc quản lý điều kiện sức khỏe của tài xế đang bị buông lỏng. Từ khâu kiểm tra ban đầu để làm hồ sơ thi lấy giấy phép lái xe, đến việc kiểm tra sức khỏe định kỳ; trách nhiệm chủ xe đối với việc quản lý sức khỏe của lái xe; quy định về lập các trạm dừng nghỉ để tạo điều kiện cho lái xe dọc đường…

Sự việc kinh hoàng ở cầu Bến Lức (Long An), nhiều người bất bình gọi hành vi của lái xe là tội ác. Nhưng ở góc độ khác, không chỉ người tài xế này có tội mà việc để lọt người nghiện ma túy vào đội ngũ tài xế cũng là tội ác. Một tội ác không thể dung thứ.

Tài xế vi phạm được lực lượng chức năng dẫn vào kiểm tra (Ảnh: VTC)

Vì vậy, trước mắt, việc cần làm là điều tra, phân tích và xử lý hành vi sử dụng ma túy của tài xế liên quan trực tiếp tới tổ chức, cá nhân đã kiểm tra, cấp giấy chứng nhận sức khỏe cho tài xế nếu sai. Kế đến, làm rõ trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải quản lý tài xế trong việc theo dõi, giám sát.

Hiện tài xế sử dụng ma túy, làm việc quá thời gian quy định được cho là có phần trách nhiệm của các chủ doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần có trách nhiệm khi thuê tài xế, không thể chỉ vì lợi nhuận mà bỏ qua chuyện kiểm tra sức khỏe, năng lực, để “con nghiện” lưu thông trên đường. Đồng thời, phải tạo điều kiện để tài xế có thời gian nghỉ ngơi, tái tạo sức lao động, không thể ép xe quá tải, ép lái xe chạy tốc độ cao, quay vòng nhanh. Tình trạng khoán sản phẩm hàng hóa, nhất là vào các dịp cuối năm hoặc chiến dịch vận chuyển hàng hóa... gây áp lực không nhỏ cho lái xe, trong đó có cả lái xe container, xe siêu trường, siêu trọng, xe tải…

Tăng chế tài với lái xe sử dụng ma túy

Việc xử lý vi phạm hành chính về giao thông đường bộ hiện nay căn cứ Nghị định 46/CP về xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có nhiều lỗi vi phạm của người tham gia giao thông, nếu căn cứ quy định trên thì chưa đủ sức răn đe và giáo dục, đặc biệt đối với hành vi sử dụng ma túy dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng như vừa qua.

Các chế tài hiện hành như phạt tiền, tước giấy phép lái xe, chấm dứt hợp đồng lao động… vẫn đang được áp dụng nhưng chưa đủ mạnh, chưa hiệu quả vì tài xế bị cho nghỉ việc nơi này thì họ vẫn có thể đến nơi khác hành nghề.

Phải kiên quyết với con nghiện ngồi sau tay lái (Ảnh: Thanh niên)

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần quy định tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp rõ ràng, cụ thể hơn. Nếu phát hiện tài xế dương tính với chất ma túy cần phải tịch thu bằng lái, cấm hành nghề lái xe vĩnh viễn. Đồng thời, ràng buộc trách nhiệm với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Nếu doanh nghiệp không chấp hành, để xảy ra tình trạng lái xe dương tính ma túy thì tước giấy phép kinh doanh.

Trả lời VOV, ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho hay: “Hồ sơ thông tin của tài xế dương tính với ma túy cần được lưu trữ và chia sẻ để tất cả cơ quan chức năng và doanh nghiệp đều có thể kiểm tra khi tuyển dụng. Riêng với tài xế sử dụng ma túy, hành vi này nên xử lý hình sự mà không cần hậu quả”. Ông Minh đề nghị: “Tài xế có hành vi sử dụng ma túy là đủ các yếu tố để xử lý về tội giết người, kể cả khi chưa gây hậu quả. Luật nên sửa và xử lý theo hướng này”.

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Bộ sẽ tham mưu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh ngay hình thức xử lý một số hành vi vi phạm nghiêm trọng, cố tình vi phạm; những gì thuộc thẩm quyền của Bộ thì sẽ sửa, ban hành ngay Thông tư mới.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác tuyên truyền pháp luật về hậu quả tác hại của ma túy; tăng cường các đợt kiểm tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời phát hiện lái xe nghiện ma túy.

Khoản 7 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ quy định: Cấm điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà trong cơ thể có chất ma túy.

Khoản 11 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16.000.000 đồng đến 18.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy..

Cẩm Thi