VKSND tỉnh Đồng Nai: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ
Ngày đăng : 13:51, 19/01/2019
Theo báo cáo, trong năm 2018 trước tình hình tội phạm trên địa bàn tiếp tục diễn biến phức tạp, VKS hai cấp tỉnh Đồng Nai đã quán triệt và tổ chức triển khai tốt các văn bản của Đảng, nhà nước và ngành KSND; chấp hành và thực hiện nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn, thông báo rút kinh nghiệm của VKS cấp trên, qua đó tạo nhiều chuyển biến trong các khâu công tác.
VKS hai cấp đã kiểm sát CQĐT giải quyết 2,451 vụ/3.116 bị can, đạt 83.7%; ban hành 30 kiến nghị yêu cầu CQĐT rút kinh nghiệm, 39 kiến nghị phòng ngừa tội phạm và 12 thông báo rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát điều tra. Trong công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động đã kiểm sát 10.992 bản án, quyết định của Tòa án các cấp, qua đó ban hành 53 kháng nghị mới và 63 văn bản kiến nghị vi phạm; tổ chức được 59 phiên tòa rút kinh nghiệm.
Hoạt động quản lý chỉ đạo điều hành thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực. Các đơn vị đã ban hành các chương trình kế hoạch công tác và triễn khai thực hiện thành công; VKSND tỉnh chủ trì ký kết 02 Quy chế phối hợp liên ngành được sửa đổi bổ sung; việc ban hành thông báo rút kinh nghiệm, trả lời thỉnh thị về nghiệp vụ chuyên môn được tiến hành hiệu quả.
Toàn cảnh Hội nghị |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí nhấn mạnh để đơn vị tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, tập thể lãnh đạo - KSV Viện kiểm sát hai cấp tỉnh Đồng Nai trong năm 2019 cần có biện pháp khắc phục những tồn tại hạn chế để thực hiện tốt chức năng phòng chống tội phạm, qua đó góp phần duy trì an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.
Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí trao Cờ thi đua ngành Kiểm sát nhân dân cho tập thể Lãnh đạo Viện. |
Đồng chí Lê Minh Trí yêu cầu trong thời gian tới đơn vị cần tập trung ứng dụng CNTT vào hoạt động nghiệp vụ và nâng cao chất lượng quản lý điều hành, qua đó giúp chủ trương tinh giảm biên chế được tiến hành triệt để, bên cạnh công tác đào tạo và điều động luân chuyển cán bộ, phải bố trí sử dụng nguồn nhân lực thật sự hợp lý. Đối với công tác xây dựng ngành cần xác định nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt, trong đó, hoạt động thanh tra phải đóng vai trò hỗ trợ công tác chỉ đạo điều hành, với mục đính chính vẫn là phòng ngừa thay vì xử lý vi phạm.
Trong công tác nghiệp vụ cần nghiêm túc rà soát lại án tạm đình chỉ do quá hạn trên địa bàn vì liên quan đến nguy cơ “lọt” tội phạm, cũng như kiểm sát án dân sự, hành chính có trọng tâm hơn. Ngoài ra đơn vị cần tăng cường thỉnh thị ý kiến cấp trên để giải quyết án, nhất là đối với các vụ án phức tạp, án được dư luận xã hội quan tâm; đồng thời quan tâm nâng cao chất lượng công tác tham mưu cho cấp ủy để tăng cường tính chủ động trong đấu tranh phòng ngừa tội phạm./.