Giải pháp tăng cường hiệu quả các bản kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát

Ngày đăng : 23:06, 12/01/2019

(Kiemsat.vn) - Nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng công tác này, năm 2018, việc “tăng cường công tác kháng nghị, kiến nghị” đã được VKSND thành phố Hải Phòng xác định là khâu đột phá. Từ đó, toàn ngành Kiểm sát thành phố đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

 

Năm 2018, số bản kiến nghị được ban hành của VKSND thành phố Hải Phòng đã tăng 46% so với năm 2017, trong đó các kiến nghị đối với vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp tăng 47,8% và các kiến nghị đối với các cơ quan hữu quan nhằm phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm tăng 30%. Về công tác kháng nghị, tăng 137,5% số lượng kháng nghị so với năm 2017. Các đơn vị trong toàn ngành đều thực hiện tốt khâu đột phá, trong đó có 04 đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện có tỷ lệ kháng nghị, kiến nghị (tăng từ 170% số lượng kiến nghị trở lên so với năm 2017).

Để có được những kết quả tích cực đó, trên cơ sở nội dung, chủ đề của khâu đột phá, VKSND thành phố Hải Phòng đã đề ra các giải pháp để thực hiện tốt cả về số lượng, chất lượng các bản kháng nghị, kiến nghị cũng như tăng cường hiệu lực, hiệu quả của các bản kháng nghị, kiến nghị của VKSND trong hoạt động tư pháp.

Giải pháp đầu tiên được VKSND thành phố Hải Phòng áp dụng là tăng cường số lượng kiến nghị thông qua việc đề ra chỉ tiêu yêu cầu về số lượng cao hơn so với chỉ tiêu yêu cầu của VKSND tối cao vì đơn vị xác định hiệu lực hiệu quả của các kháng nghị, kiến nghị chính là sự tác động của chúng đối đối với các cơ quan tư pháp bị kháng nghị, kiến nghị.

Trong công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra các vụ án hình sự, VKSND thành phố đã yêu cầu ban hành ít nhất 2 kiến nghị vi phạm và 01 kiến nghị phòng ngừa (chỉ tiêu của VKSND tối cao yêu cầu ban hành 1 kiến nghị vi phạm) đối với các cơ quan tư pháp.

Cùng với đó, để các bản kháng nghị, kiến nghị phát huy được hiệu lực, hiệu quả, ngành Kiểm sát thành phố Hải Phòng xác định các bản kháng nghị, kiến nghị phải đảm bảo quy tắc “chất lượng”. Nội dung các vi phạm được nêu trong kháng nghị, kiến nghị của VKSND thành phố phải là các dạng vi phạm mới, không lặp lại nội dung các bản kháng nghị, kiến nghị trước đó (những vi phạm có tính chất nhỏ lẻ, lặp đi lặp lại chỉ nên ban hành kiến nghị tổng hợp chung).

VKSND thành phố Hải Phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, trả lời thỉnh thị, ban hành thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn cho Viện kiểm sát quận, huyện về phương pháp nhận diện, phát hiện vi phạm để thực hiện quyền yêu cầu, ban hành kháng nghị, kiến nghị kịp thời.

Bên cạnh các giải pháp trên, ngoài các kiến nghị đối với cơ quan tư pháp, Viện kiểm sát hai cấp Hải Phòng đã tăng cường ban hành các kiến nghị xử lý, phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm, chú trọng làm rõ nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và những thiếu sót, sơ hở trong quản lý kinh tế - xã hội để kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan hữu quan về các biện pháp, giải pháp để khắc phục, phòng ngừa.

Kết quả, năm 2018, các bản kiến nghị phòng ngừa của VKSND hai cấp được các cơ quan quản lý Nhà nước tiếp thu và có biện pháp khắc phục tồn tại ngay do ban hành kịp thời và có chất lượng. Một số Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân quận, huyện đã có văn bản đề nghị Viện trưởng VKSND thành phố khen thưởng cho cá nhân có thành tích phát hiện vi phạm để kiến nghị phòng ngừa.   

Điển hình là các kiến nghị của Phòng 2 Viện kiểm sát thành phố về việc tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho các cháu thanh thiếu niên độ tuổi học sinh nhằm ngăn chặn ngay tình trạng “bạo lực học đường” dẫn đến một số vụ án hình sự tội cố ý gây thương tích do các bị can còn đang ngồi trên ghế nhà trường gây ra; kiến nghị của VKSND quận Ngô Quyền đối với Ủy ban nhân dân cùng cấp về việc tăng cường, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh, bán hàng đêm gây mất trật tự an ninh trên địa bàn, dẫn đến các vụ gây gổ, đánh nhau gây thương tích.

Giải pháp cuối cùng được ngành Kiểm sát thành phố áp dụng đó là tích cực ban hành kháng nghị, kiến nghị; đồng thời tăng cường công tác phúc tra việc thực hiện các nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát.

Ảnh minh họa

Qua quá trình thực hiện khâu đột phá, và kết quả công tác đã đạt được, VKSND thành phố Hải Phòng đã rút ra được những bài học kinh nghiệm cần tiếp tục phát huy, vận dụng trong những năm tiếp theo.

Để có sự chuyển biến mạnh mẽ về cả chất và lượng, bám sát chỉ đạo của VKSND tối cao cũng như đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác của ngành trong tình hình mới cần xác định và lựa chọn đúng trọng tâm khâu công tác đột phá.

Tăng cường công tác chỉ đạo điều hành thông qua giao ban, rút kinh nghiệm, theo dõi tiến độ thực hiện. Lãnh đạo các đơn vị phải quan tâm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ kịp thời, nâng cao chất lượng các khâu công tác. Đặc biệt là Viện kiểm sát thành phố phải làm tốt vai trò chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho Viện kiểm sát quận, huyện trong công tác ban hành kháng nghị, kiến nghị.

Ngoài ra, thực hiện kịp thời việc khen thưởng, khen thưởng đột xuất đối với các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong thực hiện khâu đột phá (năm 2018, VKSND thành phố Hải Phòng đã khen thưởng đối với 3 tập thể và 34 cá nhân có thành tích đột xuất trong việc thực hiện khâu đột phá, ban hành được nhiều bản kiến nghị kịp thời và có chất lượng).

Coi trọng công tác cán bộ cũng là bài học được VKSND thành phố Hải Phòng đưa ra làm bài học kinh nghiệm. Theo đó, phải tăng cường công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, trong đó từng lĩnh vực công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đều phải chú trọng đào tạo các “chuyên gia” có năng lực, trình độ nghiệp vụ cao, có kinh nghiệm để nhận diện được vi phạm và kịp thời phát hiện vi phạm pháp luật của các cơ quan tư pháp, những tồn tại thiếu sót trong công tác quản lý kinh tế - xã hội của Nhà nước để ban hành kiến nghị phòng ngừa.

Thực tế, trong quá trình xét xử đối với những vụ án có kháng nghị của Viện kiểm sát, Tòa án cấp phúc thẩm luôn có xu hướng bảo vệ quan điểm của Tòa án cấp sơ thẩm (kể cả đối với những trường hợp vi phạm khá rõ ràng của cấp sơ thẩm như: Áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với bị cáo có nhân thân xấu, có tiền sự; áp dụng hình phạt hình phạt tù cho hưởng án treo đối với bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ... cấp phúc thẩm vẫn bác kháng nghị yêu cầu xử tù giam đối với bị cáo). Những trường hợp này, Viện kiểm sát phải báo cáo đề nghị Viện kiểm sát cấp cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm; quan tâm nghiên cứu, kháng nghị sớm theo đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới hoặc có quan điểm hướng dẫn đề Viện kiểm sát các cấp thực hiện.

​​​​​​​VKSND thành phố Hải Phòng