Các chiêu lách thuế nước sở tại của các “ông lớn” kinh doanh dịch vụ trên nền tảng Internet

Ngày đăng : 09:52, 11/01/2019

(Kiemsat.vn) - Theo Thông tin từ Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thì một số công ty nước ngoài như Facebook, Google đang vi phạm pháp luật Việt Nam ở 3 lĩnh vực lớn, gồm quản lý nội dung thông tin, quảng cáo trên mạng bất hợp pháp và trách nhiệm thuế với Việt Nam.  

Theo  số liệu dự đoán từ công ty nghiên cứu thị trường ANTS, năm 2018, mức độ chi tiêu cho quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam ước đạt 550 triệu USD, nhưng trong đó quảng cáo chi tiêu cho Facebook chiếm đến 235 triệu USD, còn Google chiếm 152,1 triệu USD. Như vậy, chỉ riêng Google và Facebook đã chiếm đến 66,7% thị phần quảng cáo Việt Nam trong năm 2018. Thế nhưng, số thuế mà các đơn vị này đóng góp cho nhà nước Việt Nam lại rất nhỏ

Vậy, các chiêu để lách thuế của các ông lớn về công nghệ, mạng xã hội này được thực hiện như thế nào?

Các công ty như Alphabet (Công ty mẹ của Google), Facebook đều không có công ty con, chi nhánh hay Văn phòng đại diện tại Việt Nam. Như vậy, đối với pháp luật Việt Nam, đặc biệt là pháp luật thuế, đấy là các pháp nhân không thường trú tại Việt Nam.

Ảnh có tính minh họa (nguồn: internet)

Việc kinh doanh ở Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp

Dù không là các pháp nhân Việt nam, không thường trú tại Việt nam, các công ty này vẫn kinh doanh bình thường trên lãnh thổ Việt Nam, thông qua môi trường Internet. Họ sở hữu mạng xã hội lớn nhất, có ảnh hưởng nhất (như Facebook), sở hữu các công cụ tìm kiếm thông dụng, phổ biến nhất (Google), sở hữu các ứng dụng chia sẻ video nổi tiếng nhất như Youtube, sở hữu lượng dữ liệu và các giải pháp công nghệ có giá trị cao. Vì thế, khi vận hành các công cụ này,  các phương thức quảng cáo của họ có hiệu quả rất cao, nguồn thu chủ yếu của họ là quảng cáo trên môi trường internet.

Tuy nhiên, việc kinh doanh này của họ là hoàn toàn phù hợp với các cam kết của Việt nam với quốc tế. Cụ thể, theo cam kết về mở cửa thị trường dịch vụ của Việt Nam khi gia nhập WTO thì những dịch vụ như quảng cáo, phần mềm, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng Internet có thể được các doanh nghiệp kinh doanh từ một nước thành viên này này cung cấp sang nước thành viên kia của WTO theo phương thức “cung cấp dịch vụ qua biên giới”. Nghĩa là, các doanh nghiệp của nước thành viên không bị hạn chế tiếp cận thị trường các nước thành viên còn lại; không bắt buộc phải có hiện diện thương mại tại nước sử dụng dịch vụ (không bắt buộc phải đầu tư thành lập công ty con, công ty liên doanh, chi nhánh, văn phòng đại diện tại nước sử dụng dịch vụ để kinh doanh).

Trách nhiệm kê khai thuế mờ nhạt

Do hiệu quả mà các giải pháp mà các ông lớn công nghệ đem lại, các tổ chức, cá nhân Việt Nam sử dụng dịch vụ của các công ty này vẫn đều đặn trả tiền sử dụng dịch vụ. Doanh thu của họ ở Việt Nam thực sự khổng lồ, tuy nhiên số thuế phải nộp lại quá bé nhỏ.

Phải chăng, pháp luật về thuế của Việt Nam không điều chỉnh được họ hay hệ thống các quy định về thuế đối với họ không hiệu quả?

Trước tiên, cần khẳng định, có các quy định về thuế đối với hoạt động kinh doanh của họ trên lãnh thổ Việt Nam. Những cơ sở nước ngoài, không thường trú tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế nhà thầu theo quy định của Thông tư 103/2014/TT-BTC. Theo nguyên tắc chính của nghĩa vụ thuế nhà thầu là đối tượng kinh doanh nước ngoài phát sinh doanh thu trên lãnh thổ Việt Nam thì phải nộp thuế Giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp ấn định trên tỷ lệ doanh thu. Tuy nhiên, thuế suất của các sắc thuế này áp dụng cho nhà thầu lại khá thấp: thuế GTGT (2-5% tùy hoạt động); Thuế thu thu nhập doanh nghiệp (1-5% trên tổng doanh thu, trường hợp thu nhập nét từ tiền bản quyền hoặc thu nhập khác mới lên đến 10%).

Dù vậy, thiếu sót lớn nhất của các quy định này lại giao trách nhiệm kê khai đóng thuế cho các tổ chức, cá nhân chi trả kê khai doanh thu và nộp thuế thay cho nhà thầu nước ngoài. Nghĩa là, các nhà thầu nước ngoài dù có trách nhiệm đóng thuế nhưng không có trách nhiệm kê khai để đóng thuế. Trách nhiệm kê khai phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức cá nhân chi trả.

Các “chiêu” lách thuế 

Bản thân việc không chịu lập các hiện diện thương mại ở Việt Nam (dù đó là quyền của họ) để trực tiệp kê khai, hạch toán nộp thuế theo phương pháp thông thường như đa số các doanh nghiệp có hiện diện tại lãnh thổ Việt Nam đã là một cách để “cân đối” số thuế phải nộp sao cho thấp nhất. Bởi vì, với thuế suất thuế GTGT thấp (2-5%), thuế suất thuế TNDN trên doanh thu có thể coi là mềm (1-5%) cũng là cơ sở để các ông lớn công nghệ không mặn mà thành lập cơ sở kinh doanh tại Việt Nam để kê khai hạch toán theo phương pháp thông thường và chịu thuế suất cao hơn (Thuế suất thuế GTGT phổ thông là 10%; Thuế suất thuế TNDN là 20% lợi nhuận).

Cách thức né thuế được áp dụng phổ biến nhất là giấu biệt doanh thu. Thực tế, rất khó kiểm soát được doanh thu của các nhà thầu nước ngoài là các ông lớn công nghệ nếu như đơn vị chi trả không kê khai nộp thay. Do đối tượng chi trả cho các ông lớn như Facebook, Google là hàng nghìn doanh nghiệp, cá nhân, nên nếu các đơn vị này không kê khai thì không biết được doanh thu thực sự của họ. Ngành thuế cũng khó có thể thanh tra, kiểm tra được hết. Hơn nữa, nếu các đơn vị chi trả là các cá nhân thì họ sẽ có xu hướng không kê khai để không phải đóng thêm thuế. Đây là một con số thất thoát không nhỏ. Khi có các yêu cầu của cơ quan thuế, các nhà thầu cũng rất dễ giũ trách nhiệm vì rõ ràng, theo quy định, họ đâu có trách nhiệm kê khai?

Đặc biệt, nếu các đơn vị chi trả là các công ty của các tập đoàn kinh tế của nước ngoài, họ hoàn toàn có thể chuyển các khoản chi trả cho Google, Facebook bằng các công ty mẹ ở nước ngoài để né hoàn toàn khoản doanh thu phát sinh tại lãnh thổ Việt Nam, khoản doanh thu mà lẽ ra phải chịu thuế nhà thầu.

Nên chăng, các quy định về thuế nhà thầu cần được sửa đổi theo hướng, quy trách nhiệm kê khai, đóng thuế cho các nhà thầu nước ngoài như Facebook, Google. Trường hợp họ không thực hiện nghiêm chỉnh, đúng, đầy đủ thì phải chịu các chế tài theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, cũng cần rà soát, điều chỉnh các hiệp định về chống thất thu thuế và tránh đánh thuế trùng đối với các hoạt động kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam với các nước khác, cân nhắc việc áp dụng nguyên tắc thu thuế theo nơi phát sinh doanh thu thực chứ không phải nơi đóng trụ sở. Có như vậy mới đảm bảo công bằng, minh bạch cho tất cả các đối tượng nộp thuế.

Xem thêm>>>

Các trường hợp được tạm dừng cưỡng chế thuế

05 trường hợp được cung cấp miễn phí hóa đơn điện tử

Ls. Lê Ngọc Sơn