Cho phép phạm nhân lao động ngoài trại giam nhưng cần có quy định chặt chẽ

Ngày đăng : 15:10, 10/01/2019

(Kiemsat.vn) - Sáng nay (10/1), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiến hành Phiên họp thứ 30. Phiên họp đã cơ bản nhất trí về việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam nhưng cần có các quy định chặt chẽ về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án... để xét đưa đi lao động ngoài trại giam.

Trong khuôn khổ và nội dung phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về những vấn đề còn gây tranh luận của dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Đồng thời, sẽ tiến hành xem xét, quyết định việc cử Ủy viên Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia; việc điều chỉnh địa giới hành chính một số địa phương.

Ở dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau. Đó là, về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam; quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; thẩm quyền thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ. Cụ thể:

Về tổ chức khu sản xuất, điểm lao động cho phạm nhân ngoài trại giam

Đại biểu Quốc hội có hai luồng ý kiến chủ yếu: Một là tán thành quy định của dự thảo Luật nhưng cần quy định chặt chẽ các điều kiện để đưa phạm nhân ra lao động tại khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam. Hai là không tán thành quy định của Dự thảo Luật vì cho rằng, nếu tổ chức khu sản xuất, điểm lao động ngoài trại giam sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, không bảo đảm tính nghiêm minh của bản án, gây tâm lý lo lắng cho nhân dân ở khu vực phạm nhân lao động, dễ xảy ra tình trạng phạm nhân mang vật cấm vào trại giam và nguy cơ trốn trại.

Vấn đề này, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo cho rằng, việc tổ chức cho phạm nhân lao động ngoài trại giam phải đáp ứng các yêu cầu về bảo đảm về an ninh, trật tự tại khu vực phạm nhân lao động; thực hiện đầy đủ các chế độ giam giữ, giáo dục cải tạo đối với phạm nhân; bảo đảm công khai, minh bạch việc phân phối lại kết quả lao động của phạm nhân một cách hợp lý; bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; quy định mang tính nguyên tắc trong Luật các điều kiện đối với phạm nhân được chọn ra ngoài lao động.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với việc tổ chức lao động cho phạm nhân ngoài trại giam nhưng cần có các quy định chặt chẽ như về nguyên tắc loại tội phạm nào, mức độ hình phạt nào, độ tuổi lao động, thời hạn chấp hành án... để xét đưa đi lao động ngoài trại giam; bổ sung các quy định về việc hưởng thành quả lao động, sự đồng ý của phạm nhân cũng như bảo đảm các công ước quốc tế về lao động.

Toàn cảnh phiên họp (Ảnh: Quốc hội)


Về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân

Điều 27 Dự thảo Luật quy định 9 nhóm quyền mà phạm nhân được hưởng trong quá trình chấp hành án phạt tù. Ngoài ra, Điểm k khoản 1 Điều 27 còn quy định: “Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ”. Tại kỳ họp, đại biểu Quốc hội còn có 2 loại ý kiến: Một là, cơ bản tán thành Dự thảo Luật, nhưng cần rà soát lại quy định để bảo đảm việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ của phạm nhân phải phù hợp với khả năng đáp ứng của Nhà nước. Hai là, đề nghị bỏ quy đinh này vì quá rộng và không rõ ràng và phải quy định cụ thể ngay trong Luật phạm nhân được hưởng những quyền gì và bị hạn chế những quyền gì.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ việc cụ thể hóa quyền con người theo quy định của Hiến pháp đối với phạm nhân là cần thiết nhưng phải có bước đi phù hợp để bảo đảm tính khả thi, bảo đảm khả năng đáp ứng của Nhà nước, tránh hình thức. Tuy nhiên, về quy định tại điểm k khoản 1 Điều 27, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn còn có ý kiến khác nhau nên trình xin ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo 2 phương án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là vấn đề lớn còn nhiều ý kiến khác nhau, trong quá trình cần phân biệt quyền của công dân bình thường với người phạm tội bị hạn chế quyền công dân, cố gắng quy định cụ thể các quyền đã có, luật hóa những quy định đã có, hợp lý ở thông tư, còn những quyền mới cần nghiên cứu thêm.

Về thẩm quyền thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại

Uỷ ban Tư pháp cho rằng, quy định giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành là phù hợp nhất trong điều kiện hiện nay. Về quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo nhận thấy, như đã phân tích ở phần trên, cưỡng chế thi hành án (bao gồm cả hình phạt và biện pháp tư pháp) đối với pháp nhân thương mại là vấn đề phức tạp. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, chưa có kinh nghiệm, nên cần có thời gian nghiên cứu và bước đi phù hợp. Do đó, đề nghị tiếp thu theo hướng Dự thảo Luật sẽ quy định bổ sung một số nguyên tắc cơ bản trong cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại và giao cho Chính phủ quy định chi tiết để thi hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với quy định trách nhiệm của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu chịu trách nhiệm chính tổ chức thi hành án với pháp nhân thương mại và trong luật quy định những nguyên tắc và giao Chính phủ quy định chi tiết về trình tự thủ tục.

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, trình bày báo cáo. (Ảnh: Quốc hội)

Về trách nhiệm quản lý, giám sát, giáo dục người được tha tù trước hạn có điều kiện, người được hưởng án treo, người thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay, trên cơ sở tổng kết, đánh giá kết quả đạt được cũng như những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng những năm qua, cùng với việc triển khai thi hành Luật Công an nhân dân (sửa đổi), kiện toàn tổ chức, bộ máy lực lượng Công an nhân dân, Uỷ ban Tư pháp và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất đề xuất tiếp thu theo hướng: Cơ bản giữ nguyên quy định về vai trò chủ trì quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng của Uỷ ban nhân dân cấp xã như quy định của Luật hiện hành. Tuy nhiên, cần bổ sung quy định trách nhiệm của Công an cấp xã, của Uỷ ban nhân dân cấp xã để khắc phục những bất cập hiện nay và thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát, giáo dục người thi hành án hình sự tại cộng đồng.

Ngoài ra, do dự án Luật còn nhiều vấn đề mới, chưa có thực tiễn thi hành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan tổ chức nghiên cứu cung cấp thêm thông tin tham khảo cho đại biểu Quốc hội để có thêm cơ sở xem xét thảo luận.

Phạm Hằng (TH)