Năm 2018: “điểm sáng” trong Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự

Ngày đăng : 12:33, 08/01/2019

(Kiemsat.vn) - Có thể khẳng định, 2018 là năm chứng kiến nhiều hoạt động sôi động, thành công và tạo được dấu ấn trong công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND). Vai trò là Cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự đã thực hiện tốt, hoạt động hợp tác đa phương mở rộng, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế...

Gắn hoạt động hợp tác quốc tế của Ngành Kiểm sát nhân dân với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước

Chỉ thị số 01/CT-VKSTC ngày 20/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao về công tác của ngành Kiểm sát nhân dân (KSND) năm 2018 đã chỉ rõ nhiệm vụ công tác hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp hình sự: “Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm; tích cực thúc đẩy, đề xuất đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự, thỏa thuận hợp tác quốc tế với các nước nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm xuyên quốc gia và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của công dân Việt Nam”.

Theo đó, năm 2018, công tác tương trợ tư pháp về hình sự được xác định là khâu đột phá, then chốt trong hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND. Phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới, chủ động, Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận trong việc thực hiện khâu công tác này.

Điểm sáng đầu tiên là công tác hoàn thiện thể chế về pháp luật tương trợ tư pháp, trong đó không thể không nhắc đến sự kiện ký thành công 02 Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Việt Nam với Cu-ba và Mô-dăm-bích trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Cu-ba và chuyến thăm của đồng chí Trần Quốc Vượng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tới Mô-dăm-bích. Đây là những thành tích đột xuất, có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào thành công trong công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Sự kiện này đã gắn kết được hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước.

Lễ đón chính thức Đoàn Đại biểu cấp cao Việt Nam trong chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Cu-ba. Đây cũng là lần đầu tiên Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao tham gia Đoàn công tác của Tổng Bí thư.

Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí và Bộ trưởng Bộ Tư pháp, các vấn đề hiến pháp và tôn giáo Cộng hòa Mô-dăm-bích ký Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, việc đàm phán, ký kết thành công các Hiệp định thể hiện quyết tâm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, làm sâu sắc thêm nội hàm quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Đây là khung pháp lý để cơ quan thực thi pháp luật các nước tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự nhằm đấu tranh có hiệu quả đối với các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; đồng thời bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân mỗi nước. 

Bên cạnh việc xây dựng điều ước quốc tế, công tác xây dựng pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự cũng là một điểm nhấn đáng chú ý.

Theo đề xuất của Bộ Tư pháp, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi Luật tương trợ tư pháp theo hướng tách, xây dựng thành các luật riêng biệt trong các lĩnh vực: Tương trợ tư pháp về dân sự, tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù. Trên cơ sở đó, Vụ 13 đã chủ trì, phối hợp với Vụ 14 triển khai xây dựng và thực hiện Kế hoạch tổng kết 10 năm thi hành Luật tương trợ tư pháp năm 2007 nhằm phục vụ việc lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.

Toàn cảnh Hội thảo về Luật Tương trợ tư pháp 2007 do VKSND tối cao phối hợp với Dự án Jica Nhật Bản tổ chức

Làm tốt vai trò cơ quan đầu mối tương trợ tư pháp về hình sự

Năm 2018, tình hình tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm có tổ chức, xuyên quốc gia vẫn diễn biến phức tạp: mua bán người, giết người, mua bán trái phép chất ma túy, tham nhũng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và các tội xâm phạm sở hữu khác... nên số lượng các yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các nước gửi đến Việt Nam thực hiện, cũng như yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi nước ngoài thực hiện đều tăng. Đáng chú ý, gần đây nổi lên một số yêu cầu liên quan đến tội phạm sử dụng công nghệ cao để chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh đó, Vụ 13 VKSND tối cao đã quan tâm thực hiện tốt chức năng quản lý của Cơ quan trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự, chủ động phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong nước và nước ngoài tổ chức tốt việc tiếp nhận, giải quyết các yêu cầu tương trợ.

VKSND tối cao đã tiếp nhận, giải quyết tổng số 293 ủy thác. Trong đó có 109 ủy thác tư pháp nước ngoài gửi đến Việt Nam (thụ lý mới 97 ủy thác); (tăng 7,9% so với năm 2017): đã thẩm định, chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết 105 ủy thác; 184 ủy thác tư pháp các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam gửi đi nước ngoài (thụ lý mới 162 ủy thác): đã thẩm định, chuyển cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài giải quyết 176 ủy thác. Tỷ lệ giải quyết đạt 96%. Đồng thời, đôn đốc tiến độ giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp, kết quả đã thực hiện được 66 kết quả ủy thác tư pháp cho nước ngoài và 135 kết quả ủy thác tư pháp cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam (số kết quả ủy thác tư pháp nước ngoài thực hiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam  tăng 60,7% so với năm 2017).

Có thể kể đến vụ án “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” tại Lào (phối hợp với Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và VKSND tối cao Lào) hay vụ 04 đối tượng là công dân Việt Nam có hành vi gây bạo loạn và xâm phạm an ninh lãnh thổ theo pháp luật hình sự Lào (phối hợp với Công an tỉnh Sơn La và VKSND tối cao Lào). Kết thúc vụ án này, Vụ 13 đã được tặng Bằng khen của UBND tỉnh Sơn La cho đơn vị có thành tích xuất sắc trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm an ninh quốc gia trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đặc biệt, Vụ 13 còn phối hợp với Cơ quan Tổng chưởng lý Xinh-ga-po trong việc giải quyết các yêu cầu tương trợ tư pháp về thu hồi tài sản do phạm tội mà có trong một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp.

Theo đánh giá của đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự VKSND tối cao, hiện nay, tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, tài sản tham nhũng thường được các đối tượng tẩu tán ra nước ngoài, chuyển đổi hình thức sở hữu để được “tẩy rửa” thành nguồn gốc hợp pháp. Thời gian qua, các cơ quan tiến hành tố tụng Việt Nam đã tăng cường áp dụng các quy định của pháp luật nhằm thu hồi tài sản do phạm tội mà có. Quá trình giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ lớn gần đây, cơ quan điều tra đã cố gắng xác định, làm rõ nhiều tài sản do bị can, bị cáo chuyển ra nước ngoài và lập yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự đề nghị quốc gia có liên quan kê biên, phong tỏa, tịch thu và trả lại cho Nhà nước Việt Nam ngay từ giai đoạn điều tra để bảo đảm việc thi hành án đối với tài sản sau khi có bản án của tòa án có hiệu lực. Nhiều trường hợp, bị cáo và người bị kết án đã tích cực, chủ động giao nộp, trả lại tài sản do phạm tội.

Hợp tác đa phương - hướng ưu tiên trong hoạt động hợp tác quốc tế

Trong năm qua, bên cạnh việc tăng cường hoạt động hợp tác song phương với Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước; hợp tác đa phương là một trong những hướng ưu tiên trong hoạt động hợp tác quốc tế của VKSND tối cao.

Đoàn đại biểu VKSND tối cao hội đàm với Viện Công tố quốc gia Nam Phi

Nổi bật trong hoạt động hợp tác đa phương năm 2018 là Hội nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát, Viện Công tố các nước ASEAN - Trung Quốc lần thứ 12 tổ chức tại Bru-nây; Hội nghị thường niên và Đại hội lần thứ 23 của Hiệp hội Công tố viên quốc tế IAP tại Nam Phi; cuộc họp các Tổng Chưởng lý, Viện trưởng Viện kiểm sát, Viện Công tố các nước Asean và Hội nghị lần thứ 13 Hiệp hội Luật gia các nước ASEAN tại Xinh-ga-po.

Thông qua các sự kiện đa phương này, VKSND tối cao đã thiết lập, củng cố và làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương với VKSND tối cao Trung Quốc, Viện Công tố tối cao Hàn Quốc, Cơ quan Tổng Chưởng lý Xing-ga-po và bước đầu xây dựng quan hệ hợp tác với Liên minh Châu Âu thông qua Cơ quan Hợp tác tư pháp Châu Âu (EUROJUST).

Bên cạnh đó, trong năm 2018, VKSND tối cao đã phối hợp, đồng chủ trì 02 Hội thảo quốc tế với chủ đề lớn về “Nguyên tắc suy đoán vô tội trong tố tụng hình sự” (Phối hợp với nhóm G4 ); “Những xu hướng mới nhất về tội phạm tham nhũng - Biện pháp đối phó của các quốc gia Đông Nam Á và Nhật Bản” (phối hợp với Viện Nghiên cứu tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á và Viễn Đông của Liên Hợp quốc UNAFEI).

Các Đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo về Quản trị Nhà nước khu vực Đông Nam Á lần thứ 12 (GG12) tại TP. Đà Nẵng 

Có thể nói, năm 2018, hoạt động hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự của ngành KSND tiếp tục được triển khai thực hiện một cách chủ động, có trọng tâm, trọng điểm và đạt được nhiều kết quả tích cực. Hoạt động của các dự án quốc tế tiếp tục phát huy hiệu quả, thiết thực, tranh thủ tối đa các nguồn lực để phục vụ nhiệm vụ chính trị của Ngành.

Các quan hệ song phương, quan hệ đa phương được mở rộng, đặc biệt đã gắn kết được hoạt động hợp tác quốc tế của ngành KSND với hoạt động đối ngoại của Đảng, Nhà nước, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030.

Có được thành công đó, trước hết là do chủ trương đúng đắn của lãnh đạo VKSND tối cao; sự quan tâm của Đảng, Nhà nước; sự ủng hộ của các Bộ, ngành ở Trung ương cùng với sự nỗ lực phấn đấu của Vụ 13 nói riêng, những người làm công tác hợp tác quốc tế trong ngành KSND nói chung - cùng hướng đến mục tiêu đưa vị thế ngành KSND Việt Nam lên tầm cao mới./.

Cẩm Thi