Năm 2018: Ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu Quốc hội giao
Ngày đăng : 08:41, 08/01/2019
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình vi phạm, tội phạm trong năm 2018, theo báo cáo tổng kết công tác của ngành Kiểm sát nhân dân do đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày tại Hội nghị triển khai công tác năm 2019 của ngành, các đơn vị trong ngành Kiểm sát nhân dân đã có những biện pháp, cách làm hiệu quả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của toàn Ngành, cụ thể:
Kết quả trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ
Một là, trách nhiệm công tố được tăng cường, chất lượng hoạt động điều tra, truy tố, xét xử án hình sự tiếp tục được nâng lên, thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chống oan sai và bỏ lọt tội phạm, cụ thể là:
Viện kiểm sát các cấp triển khai các biện pháp để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát, đặc biệt là các quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự, đã kiểm sát 100% vụ án hình sự ngay từ giai đoạn giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm. Tăng 42,1% yêu cầu xác minh, giải quyết tố giác, tin báo; hơn 64.000 yêu cầu điều tra, chiếm tỷ lệ 87,9% số vụ án mới khởi tố; trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra gần 15.000 vụ;... Qua đó, đã yêu cầu khởi tố tăng 33,5%); trực tiếp khởi tố và yêu cầu điều tra 20 vụ án; trực tiếp khởi tố 12 bị can (tăng 50%); hủy bỏ 152 quyết định không khởi tố vụ án và quyết định khởi tố vụ án (tăng 10,1%);...
Tỷ lệ số người bị bắt, giữ chuyển xử lý hình sự đạt 97,8% (tăng 0,2%); tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra giảm 0,2%; tỷ lệ truy tố đúng thời hạn đạt 99,99%, vượt 9,99% so với chỉ tiêu của Quốc hội; tỷ lệ truy tố đúng tội danh đạt 99,99%, vượt 4,99% chỉ tiêu của Quốc hội; số bị can phải đình chỉ do không phạm tội giảm 50%; số bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không phạm tội giảm 11,1% (sau đó, Viện kiểm sát đã kháng nghị đối với các trường hợp này); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm hình sự được Tòa án chấp nhận tăng 5,6%, kháng nghị giám đốc thẩm vượt 12,6% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Hai là, làm tốt hơn vai trò của Viện kiểm sát để xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để các vụ án về tham nhũng, kinh tế
Năm 2018, VKSND các cấp đã thực hiện tốt khâu công tác này; chủ trì xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch về công tác giám định để tháo gỡ vướng mắc trong xác định hậu quả trong các vụ án về kinh tế, tham nhũng; lựa chọn, bố trí Kiểm sát viên có trình độ, năng lực tại các đơn vị chuyên trách phòng, chống tham nhũng; cử Kiểm sát viên từ VKSND tối cao đến thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử các vụ án về tham nhũng tại Tòa án cấp tỉnh; tăng cường tổ chức tập huấn chuyên sâu về công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế,...
Kết quả, số vụ án được phát hiện, khởi tố mới tăng 31,1% số vụ; 13,9% số bị can. Đặc biệt, trong thời gian ngắn, đã tập trung phối hợp điều tra, truy tố, đưa ra xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng lớn, được Đảng và nhân dân ghi nhận, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Theo đó, vai trò, trách nhiệm công tố của VKSND tối cao được thể hiện rõ hơn, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng trong đấu tranh làm rõ hành vi phạm tội, xác định tội danh, thu hồi tài sản hàng chục ngàn tỷ đồng cho Nhà nước, cao hơn nhiều so với các năm trước đây.
Ba là, công tác điều tra của Cơ quan điều tra VKSND có chuyển biến mạnh mẽ
Tích cực hoàn thiện thể chế và tăng cường tập huấn nâng cao năng lực thực thi công vụ cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra của Cơ quan điều tra VKSND tối cao; khẩn trương xây dựng Đề án tăng cường năng lực của Cơ quan điều tra VKSND đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Năm 2018, tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm đạt 91,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; phát hiện khởi tố mới tăng 11,8% số vụ, 34% số bị can; qua điều tra các vụ án tham nhũng trong hoạt động tư pháp, đã thu hồi hơn 6,7 tỷ đồng, đạt 53,8%.
Trong kỳ, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã phát hiện, khởi tố, điều tra các vụ án, bị can trong các cơ quan tư pháp, trong đó có nhiều vụ án về tham nhũng, chức vụ và xâm phạm quyền con người được dư luận quan tâm. Thông qua công tác điều tra, đã ban hành 101 kiến nghị (tăng 12,2%) yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục, phòng ngừa tội phạm; trong đó, có 03 kiến nghị đối với lãnh đạo Bộ Công an, TAND tối cao và Bộ Tư pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động tư pháp, xây dựng các cơ quan tư pháp trong sạch, vững mạnh.
Bốn là, đẩy mạnh công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp trên các lĩnh vực
Trước tình hình khiếu kiện hành chính, tranh chấp dân sự ngày càng tăng, tính chất phức tạp hơn và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của Viện kiểm sát trong công tác này cũng đòi hỏi cao hơn nhưng đội ngũ Kiểm sát viên có năng lực nghiệp vụ và có kinh nghiệm về dân sự, hành chính còn rất thiếu; chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính chưa đáp ứng với yêu cầu thực tế. Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo toàn Ngành xác định đây là khâu công tác đột phá và yêu cầu lựa chọn, bố trí cán bộ có kinh nghiệm và phân công, đào tạo cán bộ mới để đáp ứng ngay yêu cầu nhiệm vụ của đơn vị; bảo đảm Kiểm sát viên tham gia đầy đủ các phiên tòa theo quy định; tăng cường trách nhiệm của Kiểm sát viên trong nghiên cứu hồ sơ vụ án, vụ việc và phát biểu về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phải chặt chẽ, đúng pháp luật và có sức thuyết phục; sau phiên tòa, kịp thời phát hiện, đề xuất kháng nghị, kiến nghị đối với những bản án, quyết định có vi phạm, thiếu sót.
Toàn Ngành đã kiểm sát thụ lý tăng 20.602 vụ việc (4,75%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm được Tòa án xét xử chấp nhận vượt 16,4%, kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm được Tòa án xét xử chấp nhận vượt 10,7% so với chỉ tiêu của Nghị quyết số 37 của Quốc hội; kiến nghị tăng 0,08%; tỷ lệ kiến nghị được chấp nhận đạt 98,4%, vượt 18,4% so với chỉ tiêu Nghị quyết số 111/2015/QH13 của Quốc hội; số đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thụ lý, giải quyết tuy giảm, nhưng số kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ban hành qua công tác giải quyết đơn tăng (10,8%), chất lượng kháng nghị bảo đảm; chủ động phối hợp tổ chức hơn 2.674 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 10,6%); ban hành 737 thông báo rút kinh nghiệm.
Viện kiểm sát các cấp đã làm tốt vai trò trong công tác kiểm sát việc chấp hành án phạt tù, thi hành án dân sự và giải quyết đơn: đã đề nghị và được Hội đồng loại 740 hồ sơ phạm nhân không đủ điều kiện giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù; đồng ý xét tha tù trước thời hạn 2.466 phạm nhân, loại 251 trường hợp; tăng cường phối hợp với cơ quan Thi hành án dân sự giải quyết dứt điểm những việc thi hành án dân sự phức tạp, tồn đọng, kéo dài, khó thi hành, ban hành 1.571 kiến nghị, kháng nghị khắc phục vi phạm, góp phần quan trọng để nâng cao chất lượng công tác thi hành án ở các cấp; tăng cường việc đối thoại với công dân để nắm và trực tiếp chỉ đạo việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, qua đó giải quyết được những đơn phức tạp; ban hành 330 kiến nghị, kháng nghị để yêu cầu khắc phục vi phạm; hủy 06 quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật.
Năm là, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế trong tương trợ tư pháp về hình sự
VKSND tối cao với trách nhiệm là cơ quan đầu mối cấp trung ương trong tham mưu đàm phán và ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự. Trong năm 2018, VKSND tối cao được ủy quyền của Chủ tịch nước đã ký chính thức 02 hiệp định, chuẩn bị đàm phán 02 hiệp định, hoàn thành thủ tục phê chuẩn 03 hiệp định, hoàn thành 02 hồ sơ ký hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự với các nước; thực hiện xong 201 ủy thác tư pháp hình sự với các nước. Qua đó, góp phần bảo đảm cơ sở pháp lý trong phối hợp đấu tranh chống tội phạm trong nước và quốc tế, bảo vệ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao trình bày báo cáo tổng kết |
Kết quả nổi bật trong công tác xây dựng Ngành
Một là, trong năm 2018, ngành KSND đã thực hiện tốt chủ trương luân chuyển, điều động, biệt phái Kiểm sát viên ở các cấp kiểm sát; yêu cầu đánh giá công chức trên cơ sở thành tích, sản phẩm cụ thể; gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả công tác; đổi mới công tác quy hoạch; chú trọng đào tạo cán bộ có chất lượng nhằm đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn hóa về trình độ và bồi dưỡng chuyên sâu về nghiệp vụ. Kết quả, năm 2018 đã đề nghị bổ nhiệm 02 Phó Viện trưởng VKSND tối cao; kiện toàn Đảng ủy VKSND tối cao, lãnh đạo chủ chốt VKSND các cấp và các đơn vị thuộc VKSND tối cao; điều động, chuyển đổi vị trí công tác 194 công chức, biệt phái hàng trăm Kiểm sát viên của VKSND tối cao và VKSND cấp cao về VKSND địa phương làm nhiệm vụ có thời hạn hoặc theo từng vụ án cụ thể; đã bổ nhiệm 1.151 Kiểm sát viên các cấp thông qua công tác thi tuyển, tạo ra các động lực mới cho cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Hai là, công tác xây dựng, hướng dẫn thi hành pháp luật được đẩy mạnh; việc trả lời thỉnh thị, hướng dẫn, giải đáp vướng mắc, thông báo rút kinh nghiệm trong công tác được tăng cường. Kết quả, phối hợp xây dựng, chỉnh lý 17 dự án luật; phối hợp xây dựng 10 thông tư liên tịch và trực tiếp chủ trì ban hành 08 thông tư liên tịch; tham gia ban soạn thảo, góp ý xây dựng 13 nghị định, 13 nghị quyết và 15 thông tư khác của một số bộ, ngành trung ương. Tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo tập huấn; đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật và trả lời thỉnh thị đối với Viện kiểm sát cấp dưới. Qua đó, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn thi hành, áp dụng pháp luật.
Ba là, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn đảng và cuộc vận động học tập làm theo tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh; gắn công tác xây dựng Đảng với xây dựng Ngành. Đã hoàn thành 5.706 cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng 14%, qua đó đã phát hiện, yêu cầu 19 VKSND cấp tỉnh tổ chức kiểm điểm trách nhiệm, xử lý nghiêm 28 công chức vi phạm kỷ luật.
Bốn là, quan tâm chỉ đạo, quản lý sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, đúng pháp luật các nguồn lực được cấp; hoàn thành và đưa Trụ sở mới cơ quan VKSND tối cao vào sử dụng, bảo đảm chất lượng; tiếp tục thực hiện đúng lộ trình Đề án “Đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho Ngành giai đoạn 2016-2020”; từng bước trang bị phương tiện kỹ thuật cần thiết, bảo đảm yêu cầu thực hiện các quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự. Viện trưởng VKSND tối cao đã kiến nghị và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý một số biện pháp cụ thể, để giải quyết một số khó khăn nhằm tạo điều kiện cho Ngành thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ theo quy định mới của pháp luật.
Năm là, Thi đua, khen thưởng đã gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, tăng cường khen thưởng đột xuất cho các cá nhân có thành tích trong các vụ án, vụ việc cụ thể, tạo động lực cho cán bộ phấn đấu. Củng cố, kiện toàn các cơ quan báo chí, tuyên truyền của Ngành; tập trung đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát theo quy định của các đạo luật mới về tư pháp; kịp thời tuyên truyền, nhân rộng điển hình các tập thể, cá nhân có thành tích nổi bật để nêu gương, học tập; tăng cường phát sóng chương trình Truyền hình Kiểm sát nhân dân; phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam đang xây dựng bộ phim truyền hình nhiều tập về ngành Kiểm sát.
Năm 2018, với sự quyết liệt trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng, nỗi lực, Viện kiểm sát các cấp đã thực hiện hiệu quả Chỉ thị công tác năm 2018 của Viện trưởng VKSND tối cao, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ, đặc biệt đã phấn đấu vượt 9/10 chỉ tiêu quan trọng được xác định trong các nghị quyết chuyên đề về công tác tư pháp của Quốc hội; nhiều đơn vị trong Ngành đã có những biện pháp, cách làm hiệu quả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần vào kết quả chung của toàn Ngành.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của ngành KSND trong việc thực hiện nhiệm vụ năm 2018 để tại Hội nghị các đại biểu nghiên cứu kỹ kết quả, phân tích nguyên nhân, xác định trách nhiệm và đề ra giải pháp cụ thể phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, từng cấp kiểm sát nhằm tiếp tục phát huy những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, hoàn thành tốt nhiệm vụ ngành Kiểm sát năm 2019, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Quốc hội.