Vai trò của Cơ quan công tố Hoa Kỳ trong xử lý tội phạm về ma túy
Ngày đăng : 11:00, 02/01/2019
Ở Hoa Kỳ, cơ quan công tố (Viện Công tố, Văn phòng trưởng lý) được chia thành cấp liên bang và cấp bang, có chức năng định hướng hoạt động điều tra, truy tố tội phạm. Cơ quan công tố cấp liên bang (Attorney General) thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ; mỗi vùng tư pháp liên bang có một Văn phòng Trưởng lý, mỗi Văn phòng có một viên Trưởng lý nhà nước và một hoặc nhiều Phó trưởng lý.
Công tố viên liên bang có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố tội phạm trong các vụ án ma túy do Cục điều tra tội phạm ma túy thuộc Bộ Tư pháp Hoa Kỳ (Drug Enforcement Administration - DEA) điều tra. Văn phòng Trưởng lý của các tiểu bang có quyền khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy tố tội phạm ma túy của các vụ án do Cơ quan Cảnh sát tiểu bang và Cảnh sát địa phương điều tra.
Không giám sát các hoạt động điều tra như Kiểm sát viên của Việt Nam mà Công tố viên Hoa Kỳ giữ vai trò chỉ dẫn những hoạt động điều tra cơ bản. Công tố viên có thẩm quyền rất lớn như được can thiệp vào quá trình điều tra vụ án ma túy từ điều tra trinh sát: có quyền yêu cầu Điều tra viên thay đổi đặc tình khi thấy cần thiết, thay đổi Điều tra viên khi phát hiện có vi phạm, có quyền hướng dẫn Điều tra viên từ khâu bắt giữ, thu giữ tài sản đến việc thực hiện các hoạt động điều tra theo luật định. Cũng như cơ quan Công tố của các quốc gia khác, Công tố viên là người có quyền truy tố tội phạm ma túy ra trước Tòa án. Theo qui định của pháp luật Hoa Kỳ thì không có việc gì liên quan đến hệ thống luật hình sự mà không có sự phê chuẩn của Công tố viên. Công tố viên như một người gác cổng của thiết chế.
Cuốn "Manual for compliance with the United nations convention against illicit traffic in narcotic drugs and psychotropic substances” (Sổ tay dành cho những người quan tâm đến công tác chống buôn bán ma tuý trái phép và các chất hướng thần") của Bộ Tư¬ pháp Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã phản ánh rất cụ hoạt động công tố trong xử lí các vụ án ma tuý Hoa Kỳ ở giai đoạn điều tra.
Trong điều tra trinh sát, Văn phòng Công tố liên bang (hoặc Văn phòng Trưởng lý) được truy tố trinh sát nội tuyến và đặc tình trong 3 trường hợp: bí mật phạm tội hoặc tiết lộ bí mật thu được của cơ quan pháp luật khi không có quyền giám sát; làm trái qui chế của Chính phủ, xử sự không đúng luật, nghe trộm điện thoại; mật vụ hoặc đặc tình có hành vi phạm tội.
Tội phạm ma túy ở Hoa Kỳ được coi là hành vi phạm tội có tổ chức và mang tính chất biến hóa, vì vậy với những đối tượng liên quan đến hành vi buôn bán ma túy từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ bị khởi tố và điều tra rất nghiêm khắc.
Khi có một hành vi phạm tội và kẻ tình nghi bị tạm giữ thì Điều tra viên thông báo cho Công tố viên làm nhiệm vụ để xác nhận cần có bằng chứng gì để bắt giữ. Công tố viên sẽ hỏi Điều tra viên về địa điểm cất giấu ma túy, lý do Cơ quan điều tra biết được đối tượng có ma túy ở đó. Sau đó Công tố viên liên hệ với Thẩm phán làm nhiệm vụ để ra lệnh bắt giữ và xác định mức tiền bảo lĩnh.
Công tố viên đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kế hoạch cũng như các bước tiến hành điều tra loại tội phạm này. Điều tra viên tiến hành các hoạt động điều tra thu thập chứng cứ phải báo cáo kết quả điều tra cho Công tố viên. Nếu Công tố viên thấy chưa đủ căn cứ để buộc tội bị can thì yêu cầu Điều tra viên tiếp tục điều tra bổ sung, nếu thấy đủ căn cứ buộc tội bị can và đảm bảo việc xét xử bị cáo có tội trước Tòa thì Công tố viên tiến hành thương lượng để bị can nhận tội hoặc đưa vụ án xét xử trước Tòa nếu bị can không đồng ý thương lượng.
Ở cấp liên bang: khi có thông tin, tài liệu có dấu hiệu về tội phạm ma túy xảy ra, Điều tra viên trao đổi với Văn phòng trưởng lý liên bang tại nơi xảy ra tội phạm. Sau khi chứng cứ được Cơ quan điều tra thu thập sẽ được trình báo với Trưởng lý liên bang. Công tố viên liên bang được phân công giải quyết vụ án sẽ quyết định có truy tố vụ việc hay không, có ra lệnh tiếp tục điều tra hay không.
Luật chứng cứ của Hoa Kỳ đảm an toàn cho nhân chứng và các thủ tục thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn cho nhân chứng. Khi giải quyết các vụ án ma túy, Công tố viên được sử dụng rộng rãi các loại chứng cứ, kể cả chứng cứ sẽ không được chấp thuận nếu ở một phiên tòa xét xử tội danh đã hoàn thành, đó là hầu hết các lời khai của các đồng phạm về quá trình âm mưu, thực hiện mưu đồ đồng phạm tội. Công tố viên có quyền ra lệnh buộc khai báo đối với nhân chứng, lập đề nghị thỏa thuận đối với nhân chứng về nội dung của các cuộc gặp mặt, đề nghị với sự chứng kiến Luật sư của nhân chứng và người chứng kiến.
Công tố viên có quyền tự quyết thương lượng việc thỏa thuận thú tội của bị cáo “Một thoả thuận thú tội là một sự dàn xếp thương lượng để bị cáo nhận tội nhằm đạt được lời hứa có lợi cho mình từ phía cơ quan Công tố”. Tất cả các thỏa thuận thú tội đều phải được lập thành văn bản và phải nêu đầy đủ bản chất của thỏa thuận thú tội đó, bao gồm các điều kiện ràng buộc và trách nhiệm của bị cáo trong việc cộng tác cũng như hậu quả của việc vi phạm thỏa thuận. Thỏa thuận này không mang tính ràng buộc đối với Tòa án và nó bị vô hiệu khi có vi phạm thỏa thuận và bị cáo sẽ bị truy tố về tất cả các tội danh mà bị cáo đã thú nhận trong quá trình tham gia thỏa thuận này. Nếu bị cáo đã nhận tội, nhưng lại từ bỏ quyền thoả thuận thú tội sẽ được xét xử bằng một phiên toà.
Nếu bị cáo không tự nguyện thỏa thuận thú tội mới đưa ra xét xử. Tại buổi thỏa thuận thú tội, Thẩm phán chủ trì, Công tố viên trình bày về nội dung vụ án, bị cáo và luật sư nói về vấn đề đã thương lượng, sau đó Thẩm phán, Công tố viên và Luật sư bàn chọn biện pháp xử lí để Thẩm phán quyết định.
Việc tiêu hủy vật chứng vụ án là chất ma túy phải được sự cho phép của Viện công tố./.