Cuộc chiến Taxi: Tòa tuyên Grab phải bồi thường cho Vinasun 4,8 tỷ

Ngày đăng : 16:21, 28/12/2018

(Kiemsat.vn) - Ngày 28/12, TAND TP HCM tuyên buộc Công ty TNHH Grab Việt Nam bồi thường cho nguyên đơn hơn 4,8 tỷ đồng. Tòa nhận định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải nhưng không phải là nguyên nhân duy nhất dẫn đến thiệt hại trên 42 tỷ của Vinasun.

HĐXX đưa ra quyết định này sau khi chỉ ra các sai phạm của Grab. Theo đó, Grab tự nhận là công ty công nghệ, không phải nhà cung cấp vận tải, chỉ cung cấp giao dịch ứng dụng điện tử, cung cấp công nghệ miễn phí cho khách hàng thông qua hợp đồng điện tử... đã được Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận. Tuy nhiên, trên thực tế thì Grab quản lý lái xe, đưa ra cước phí. Khách hàng khi đặt xe đều chuyển khoản qua Grab, hoặc trả trực tiếp cho tài xế. Grab còn vi phạm quy định pháp luật về khuyến mại, tăng giảm giá cước nhiều lần trong ngày.

Như vậy, hoạt động kinh doanh của Grab không đã tuân thủ quy định. Bởi lẽ, theo luật, việc kinh doanh vận tải bằng ôtô phải bảo đảm số lượng, chất lượng, nhân viên phục vụ, có hợp đồng lao động, nhân viên phải được tập huấn an toàn giao thông, không sử dụng lái xe trong thời kỳ bị cấm, có nơi đậu xe phù hợp với quy mô của doanh nghiệp; doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho người lao động... Grab không thực hiện quy định này, cũng như không nộp thuế.

Thanh tra Sở Giao thông Vận tải đã lập hàng trăm biên bản vi phạm đối với Grab về việc không có giấy đăng ký kinh doanh, danh sách hợp đồng vận chuyển, phù hiệu, niêm yết khẩu hiệu tính mạng con người là trên hết... Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải cũng có văn bản yêu cầu Grab dừng ngay dịch vụ kết nối đối với xe hợp đồng nhưng đơn vị này vẫn không chấp hành.

HĐXX cho rằng, từ khi Grab vào Việt Nam số lượng xe tăng vọt đã có nhiều ảnh hưởng đến thiệt hại của Vinasun. Tuy nhiên, với số tiền mà Vinasun buộc Grab phải bồi thường là 41,2 tỷ đồng thì Tòa chỉ chấp nhận phần thiệt hại hơn 4,8 tỷ đồng do xe nằm bãi (giảm cuốc chạy do khách hàng chuyển sang sử dụng Grap).

Ảnh minh họa

Với Grap, HĐXX kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải cần xem đây là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ xe công nghệ thuận lợi cho người dân, cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế, khả năng thất thu thuế cao dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh... Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Qúa trình xét xử, Viện kiểm sát đề nghị HĐXX bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun vì cho rằng Grab có những hành vi trái pháp luật gây thiệt hại cho Vinasun và thiệt hại thực tế thiệt hại có thể lớn hơn rất nhiều so với yêu cầu bồi thường của nguyên đơn. Tuy nhiên, Vinasun lại không đưa ra được những căn cứ chứng minh hành vi vi phạm của Grab là nguyên nhân duy nhất gây ra thiệt hại cho mình. Vì vậy, không đủ cơ sở chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun buộc Grab phải bồi thường số tiền là 41,2 tỷ đồng.

Viện kiểm sát cho biết, thông qua vụ án này sẽ có báo cáo đề xuất với VKSND tối cao kiến nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải và các ngành có liên quan xây dựng lại khung pháp lý về việc quản lý các loại hình kinh doanh vận tải nhằm tạo sự công bằng, bình đẳng cho những đơn vị tham gia vận tải hành khách.

pv