Những quyết sách quy hoạch cán bộ cấp chiến lược thời gian qua
Ngày đăng : 14:17, 28/12/2018
Trong các nhiệm kỳ gần đây, Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết về công tác quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Cụ thể, năm 2004, Bộ Chính trị khoá IX đã ra Nghị quyết số 42 về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Theo đó, nghị quyết này đã quy định tiêu chuẩn cán bộ đưa vào quy hoạch, gồm năng lực thực tiễn, đạo đức, lối sống và triển vọng vươn lên đảm nhận nhiệm vụ cao hơn...
Các bộ ngành, địa phương dựa trên các tiêu chuẩn đó để tiến hành đánh giá cán bộ hiện nay và triển vọng cán bộ đó để đưa vào quy hoạch.
Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, ngược được đưa vào quy hoạch cán bộ còn phải đảm bảo yêu cầu đã kinh qua thực tiễn lãnh đạo, quản lý; người lần đầu tham gia cấp ủy, ban lãnh đạo các tổ chức trong hệ thống chính trị phải đủ tuổi để có thể công tác từ hai nhiệm kỳ trở lên hoặc ít nhất trọn một nhiệm kỳ; những người tiếp tục đảm nhiệm công việc hiện tại phải đủ tuổi công tác trọn một nhiệm kỳ hoặc ít nhất được 2/3 khóa...
Các đại biểu tham dự Hội nghị Trung ương 9, khóa XII tháng 12/2018. Ảnh: VGP |
Về trình độ đào tạo, cán bộ lãnh đạo chủ chốt từ cấp huyện trở lên nói chung phải tốt nghiệp đại học và có trình độ cao cấp lý luận chính trị; đối với cán bộ dưới 45 tuổi thuộc diện quy hoạch chức danh chủ chốt thì phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung.
Quy trình phải đạt được cơ cấu cán bộ hợp lý, bố trí kết hợp giữa 3 độ tuổi, thực hiện trẻ hoá, độ tuổi trung bình khoá sau thấp hơn khoá trước; có tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ xuất thân công nông thích đáng...
Tháng 10/2012, Hội nghị trung ương lần 6 (khóa XI) đã thông qua đề án"Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2016 - 2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo".
Đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược với ba nhóm đối tượng được giới thiệu.
Một là nhóm Phó bí thư tỉnh, thành ủy; phó trưởng ban, thứ trưởng và tương đương ở các bộ, ngành trung ương; chủ tịch hội đồng thành viên, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt; lãnh đạo cấp trưởng, cấp phó cơ sở nghiên cứu, đào tạo lớn ở trung ương...
Hai là, Bí thư huyện ủy, quận ủy, giám đốc sở, ngành và tương đương ở các tỉnh, thành; tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, viện trưởng...
Nhóm cuối cùng là những người có phẩm chất, năng lực, thành tích nổi trội; cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số, trí thức, nhà khoa học ngành mũi nhọn; cán bộ xuất thân từ công nhân, nông dân, trí thức yêu nước, gia đình có truyền thống cách mạng đã được quy hoạch vào các chức danh như bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, bộ trưởng, thứ trưởng...
Ngoài ba đối tượng nêu trên, các Ủy viên Trung ương có quyền giới thiệu người thay thế mình phụ trách vào nguồn quy hoạch.
Tổng số nhân sự được quy hoạch vào các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (từ thứ trưởng và tương đương trở lên) nhiệm kỳ 2015 - 2020 là 2.001 người. Đây chính là nguồn để lựa chọn đưa vào quy hoạch cán bộ cấp chiến lược.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Trưởng Ban chỉ đạo quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ảnh: TTX |
Tại hội nghị lần thứ 9, khóa XII trong hai ngày (25 và 26/12), Trung ương đã thống nhất cao thông qua quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026.
Khác với trước đây, việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược lần này không làm đồng thời các chức danh mà làm từng bước, quy hoạch xong Ban Chấp hành Trung ương, sau đó đến Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng mới là các chức danh chủ chốt của Ðảng, Nhà nước.
Trên cơ sở danh sách gần 250 người được các địa phương, cơ quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Ban chỉ đạo quy hoạch do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban đã phối hợp với các ban đảng Trung ương rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 người.
Danh sách hơn 200 người này là những cán bộ lần đầu được giới thiệu vào Trung ương và chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, mà là chuẩn bị nguồn cán bộ để đào tạo, bồi dưỡng, thử thách, làm cơ sở cho công tác nhân sự tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng (dự kiến khai mạc trong quý I năm 2021).
Trong công tác nhân sự cụ thể của Đại hội XIII sẽ còn có các Uỷ viên Trung ương đương nhiệm tái cử.
Sau hội nghị Trung ương 9, Ban chỉ đạo quy hoạch và các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiếp tục rà soát, thẩm định kỹ danh sách hơn 200 cán bộ nêu trên trước khi trình Bộ Chính trị xem xét, quyết định nhân sự quy hoạch theo thẩm quyền.
Ban chỉ đạo cũng có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát đối với những cán bộ đã được đưa vào quy hoạch, nếu phát hiện có sai phạm, không đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì phải kịp thời loại bỏ; đồng thời tiếp tục phát hiện, kiến nghị giới thiệu bổ sung quy hoạch báo cáo Bộ Chính trị trình Trung ương xem xét ở các hội nghị sau.