Cảnh báo: Biến tướng “tín dụng đen” qua vay tiền trên mạng

Ngày đăng : 10:34, 27/12/2018

(Kiemsat.vn) - Sự nhanh chóng, tiện lợi của dịch vụ vay ngang hàng đang hấp dẫn không ít người tiêu dùng, nhưng cùng với đó là lời cảnh báo về một hệ quả tương tự như “tín dụng đen” nếu không sớm có một hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động này.

Vay ngang hàng (P2P Lending) là gì?

Ngân hàng Nhà nước vừa đưa ra cảnh báo khẩn về dịch vụ cho vay ngang hàng (P2P Lending). 

Mô hình cho vay ngang hàng - P2P đang phát triển rất “nóng” tại Việt Nam. Hàng loạt website rầm rộ cho vay trực tuyến nhanh. Người dùng chỉ cần truy cập trang mạng hoặc tải phần mềm ứng dụng cho vay về điện thoại, thực hiện nhanh gọn một số thao tác theo hướng dẫn, là có thể vay tiền dễ dàng.

Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, thực tế hoạt động của mô hình này cho thấy việc quảng cáo không minh bạch về mức lợi nhuận, không cung cấp hoặc cung cấp thông tin thiếu chính xác về các rủi ro mà các bên tham gia có thể gặp phải, đưa ra mức lãi suất cao phi thực tế để lôi kéo người cho vay tham gia.

Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Nếu xảy ra tranh chấp do việc không đòi được các khoản đã cho vay, người cho vay có thể mất tiền, khó truy đòi trách nhiệm từ các công ty cung ứng nền tảng P2P Lending.

Ngoài ra, hoạt động P2P Lending còn tiềm ẩn rủi ro như: Thông tin cá nhân của các bên tham gia có thể bị đánh cắp do lỗ hổng bảo mật; hệ thống lưu trữ thông tin của Công ty P2P Lending có thể bị chiếm quyền kiểm soát hoặc bị đánh sập bởi hackers dẫn đến toàn bộ thông tin giao dịch của các bên bị mất hoặc xóa…

“Đặc biệt, một số đối tượng ẩn danh và núp bóng giao dịch trên các nền tảng P2P Lending để trốn thuế, rửa tiền, tài trợ khủng bố hoặc biến tướng để huy động tài chính đa cấp khiến người cho vay, người đi vay trở thành nạn nhân của hành vi lừa đảo, chiếm dụng vốn bất hợp pháp. Nhiều đối tượng cho vay nặng lãi, hoạt động tín dụng đen núp bóng các nền tảng P2P Lending để cho vay với mức lãi suất rất cao, vượt xa mức trần lãi suất 20%/năm của khoản tiền vay được quy định tại Bộ luật Dân sự năm 2015” - Ngân hàng Nhà nước cảnh báo.

Cho vay ngang hàng tiềm ẩn nhiều rủi ro về tín dụng đen, rửa tiền, tài trợ khủng bố (Ảnh minh họa: Internet)

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, các hoạt động kinh doanh huy động tiền gửi hoặc cấp tín dụng phải tuân thủ các quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng.

Điều 8 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010, được bổ sung, sửa đổi năm 2017 qui định:

“1. Tổ chức có đủ điều kiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép thì được thực hiện một hoặc một số hoạt động ngân hàng tại Việt Nam.

2. Nghiêm cấm cá nhân, tổ chức không phải là tổ chức tín dụng thực hiện hoạt động ngân hàng, trừ giao dịch ký quỹ, giao dịch mua, bán lại chứng khoán của công ty chứng khoán”.

Bất kỳ tổ chức, cá nhân nào lợi dụng các nền tảng P2P Lending để thực hiện một trong các hoạt động ngân hàng mà không được Ngân hàng nhà nước cấp phép là vi phạm pháp luật.

Tuy nhiên đối với quan hệ cho vay trực tiếp không phải hoạt động kinh doanh giữa các tổ chức, cá nhân (không được thực hiện bởi các Tổ chức tín dụng) thông qua việc sử dụng kết nối dựa trên ứng dụng Internet như một số hoạt động P2P Lending có thể coi là các giao dịch dân sự và không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các Tổ chức tín dụng.

Trước những rủi ro tiềm ẩn khi tham gia các nền tảng P2P Lending như đề cập ở trên, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo người dân, doanh nghiệp nên tìm hiểu kỹ thông tin, thận trọng khi tham gia các nền tảng P2P Lending. Người dân, doanh nghiệp nên tiếp cận vốn qua kênh tín dụng ngân hàng.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động tiền tệ - ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để có đề xuất xây dựng biện pháp quản lý phù hợp đối với các hình thức thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ nói chung và hoạt động P2P Lending nói riêng, phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng đổi mới, sáng tạo của thành tựu công nghệ, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên tham gia, đặc biệt là quyền lợi hợp pháp của người dân, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia.

Thời gian qua, báo chí cũng phản ánh tình trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng hình thức vay ngang hàng rồi lách thêm nhiều loại phí dịch vụ, từ đó đẩy chi phí khoản vay có khi lên tới 720%/năm. Mức lãi suất hơn 700%/năm là mức lãi suất phi kinh tế, thậm chí mang tính lừa đảo.

Bản chất cho vay trực tuyến là loại hình cho vay ngang hàng Peer to Peer (Lending), vốn phổ biến tại một số quốc gia phát triển và có hành lang pháp lý rõ ràng.

Về nguyên tắc, loại hình này luôn có một doanh nghiệp làm trung gian cung cấp công nghệ kết nối người cho vay và người vay. Bên cho vay và bên vay sẽ tự thỏa thuận lãi suất, doanh nghiệp trung gian chỉ thu phí dịch vụ. Điểm thuận lợi của loại hình này là cho vay số tiền từ rất nhỏ đến lớn. Thời gian giải quyết lại cực nhanh, chỉ vài phút nên đáp ứng được nhu cầu cần tiền gấp của nhiều người.

Tuy nhiên, ở Việt Nam, loại hình này chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát và quản lý, cũng như chưa được pháp luật công nhận nên bên cho vay có thể là những người lừa đảo, xã hội đen núp bóng dưới danh nghĩa đơn vị cho vay. Khi đó, họ tự ý biến tướng lãi suất bằng nhiều loại phí dịch vụ nhằm lách các quy định về lãi suất và bắt người vay phải chấp nhận.

Cẩm Thi (tổng hợp)