Hội nghị Trung ương 9: Sẽ lấy phiếu tín nhiệm Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
Ngày đăng : 09:29, 25/12/2018
Lấy phiếu tín nhiệm Bộ Chính trị
Hội nghị lần này sẽ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với Bộ Chính trị và Ban Bí thư, gồm cả Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Việc này thực hiện dựa theo Quy định số 262-QĐ/TW ban hành tháng 10/2014 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy và cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Theo quy định, việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ vào năm thứ 3, năm giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ các cấp.
Trên phiếu sẽ ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu tín nhiệm kèm theo các ô tương ứng với các mức độ: "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp". Hai nhóm nội dung lấy phiếu tín nhiệm là phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực thực tiễn.
Việc lấy phiếu tín nhiệm do Bộ Chính trị chủ trì. Sau khi các Ủy viên Trung ương ghi phiếu, bỏ phiếu, Ban kiểm phiếu sẽ làm việc và báo cáo kết quả với Ban Chấp hành Trung ương.Theo quy định, kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để tham khảo trong đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu người ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách khác liên quan.
Hội nghị Trung ương 8 khoá XII (Ảnh: VOV) |
Quy hoạch Ban chấp hành Trung ương khoá mới
Trước đó, trả lời báo chí, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết, quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở Trung ương thực hiện theo 5 bước. Một trong những điểm mới của quy trình lần này so với trước đây là xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm trực tiếp của các cấp uỷ, tổ chức Đảng và người đứng đầu các cấp trong việc xem xét, phát hiện, giới thiệu nhân sự của địa phương, cơ quan, đơn vị mình vào quy hoạch cấp chiến lược.
“Trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch, tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình được coi trọng trước nhất. Cùng với đó là năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách"- ông Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, đến nay, kết quả giới thiệu nhân sự quy hoạch BCH Trung ương cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra, bước đầu góp phần khắc phục hiện tượng "chạy" quy hoạch hoặc “vận động”, xin phiếu giới thiệu thông qua quen biết.
Xem thêm>>>
Đề nghị Bộ Chính trị, BCH T.Ư kỷ luật đối với ông Tất Thành Cang