Điều chỉnh mức phạt với hành vi mua bán ngoại tệ trái phép
Ngày đăng : 15:44, 19/12/2018
Hành vi mua, bán ngoại tệ không đúng nơi quy định sẽ được giảm xuống mức 10-20 triệu, thay vì mức phạt 80-100 triệu đồng hiện nay (Ảnh: internet) |
Hạn chế mức xử phạt nặng với hành vi không nghiêm trọng
Trong Tờ trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng sau 04 năm áp dụng, Nghị định số 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/10/2014 đã bộc lộ nhiều bất cập.
Một số quy định về mức phạt đã không còn phù hợp với tính chất và hậu quả của hành vi vi phạm, đặc biệt là trong trường hợp đối tượng vi phạm là cá nhân. Ví dụ: quy định phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ (điểm a, khoản 3, điều 24).
Ngân hàng Nhà nước đánh giá đây là các hành vi không nghiêm trọng. Do đó, đã có điều chỉnh theo hướng hạn chế mức độ xử phạt nặng khi xem xét mức độ nghiêm trọng hay không của hành vi vi phạm.
Dự thảo Nghị định mới quy định mức phạt là 10-20 triệu, thay vì mức phạt đang áp dụng là 80-100 triệu đồng với hành vi mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi.
Hình thức cảnh cáo được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nhỏ, lần đầu, có tình tiết giảm nhẹ. Cảnh cáo được quyết định bằng văn bản thường chỉ áp dụng chủ yếu để răn đe, giáo dục người dân tôn trọng, có ý thức thực thi pháp luật.
Dự thảo cũng giảm mức phạt với hành vi mua, bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có Giấy phép kinh doanh xuống còn 10-20 triệu thay vì mức 30-60 triệu như hiện hành.
Bổ sung các hành vi bị phạt nặng trong thanh toán ngân hàng
Dự thảo Nghị định sửa đổi một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP đã bổ sung nhiều hành vi bị xử phạt nặng trong thanh toán ngân hàng.
Cụ thể, Dự thảo quy định xử phạt từ 50 đến 100 triệu đồng đối với hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ; tiết lộ và cung cấp thông tin thẻ, chủ thẻ và giao dịch thẻ ngân hàng.
Ngoài ra, ngân hàng sẽ bị phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi không thông báo việc lắp đặt, thay đổi địa điểm, thay đổi thời gian hoạt động, chấm dứt hoạt động của máy giao dịch tự động; không đảm bảo thời gian phục vụ khách hàng của hệ thống máy giao dịch tự động; không giám sát mức tồn quỹ tại máy giao dịch tự động, không đảm bảo máy giao dịch tự động phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định.
Ngân hàng không đảm bảo yêu cầu về hạn mức cho một lần rút tiền tại máy giao dịch tự động cũng sẽ bị phạt từ 15 đến 20 triệu đồng.
Dự thảo Nghị định mới được kỳ vọng sẽ hoàn thiện cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý nhà nước thực hiện hoạt động thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính về tiền tệ và ngân hàng.
Xem chi tiết Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2014/NĐ-CP và Tờ trình tại đây.
Trước đó, cuối tháng 10, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với anh Nguyễn Cà Rê (38 tuổi, thợ điện, ngụ Ninh Kiều) về hành vi “Mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ”. Cụ thể, do mang đổi 100 USD tại tiệm vàng, anh Nguyễn Cà Rê bị xử phạt 90 triệu đồng, kèm hình phạt bổ sung là tịch thu gần 2,3 triệu đồng.
Tiệm vàng anh Rê đổi ngoại tệ cũng bị xử phạt hành chính số tiền 180 triệu đồng về hành vi "Mua ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ".
Dù quyết định xử phạt đưa ra không sai nhưng theo các chuyên gia pháp lý, quyết định xử phạt có phần cứng nhắc. Vụ việc này là trường hợp điển hình về việc thiếu trong quy định, yếu trong áp dụng, chưa nghiêm minh trong quản lý Nhà nước khiến dư luận không đồng tình.
Liên quan đến vụ việc, ngay sau đó, Thủ tướng cũng đã có văn bản yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan nhanh chóng sửa đổi, bổ sung Nghị định 96 cho phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi cho người dân.
Xem thêm>>>