Góp ý Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện

Ngày đăng : 08:30, 19/12/2018

(Kiemsat.vn) - Các kiến nghị sửa đổi, bổ sung Dự thảo tập trung vào các quy định về: Quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; cam kết của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; thi hành quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện và nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010 (gọi tắt là Dự thảo) đã bổ sung 01 mục riêng (mục 2A) với tên gọi “Tha tù trước thời hạn có điều kiện” gồm 17 điều.

1. Quy định về quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

Về quy định này trong Dự thảo (Điều 49a: Quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và Điều 49b: Nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện), chúng tôi có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là một những quy định rất quan trọng nhằm đảm bảo quyền và lợi ích cho họ, cũng như khi nghiên cứu, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có thể xác định rõ được các quyền và nghĩa vụ của mình khi thực hiện. Chúng ta cũng thấy những người này “đa số là phạm tội lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, trót lỡ lầm mà phạm tội, nói cách khác là tính nguy hiểm trong hành vi tội phạm của số đối tượng này là thấp và nếu được giáo dục trong môi trường xã hội thì khả năng trở thành người có ích xã hội sẽ cao hơn nếu để thi hành án ở các trại giam”. Do đó, cần có khái niệm về người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để làm rõ hơn về chủ thể này. Hiện nay trong cả BLHS, BLTTHS cũng chỉ quy định về điều kiện và thủ tục xét tha tù trước thời hạn có điều kiện mà không quy định thế nào là người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, các quyền và nghĩa vụ của họ khi được áp dụng các điều kiện, thủ tục này.

Thứ hai, cần quy định cụ thể hơn về ngày trình diện của người được tha tù. Khoản 1 Điều 49b Dự thảo quy định: “Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải trình diện ngay Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú”. Việc quy định “sau khi được tha tù”, “phải trình diện ngay” là khá chung chung dẫn đến việc thực hiện khó khăn. Như thế nào là “trình diện ngay”? trình diện ngay trong ngày được tha tù hay ngày nào? Hiện nay, theo khoản 3 Điều 08 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an quy định về việc thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Công an nhân dân về giải quyết thủ tục quản lý cư trú đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ quy định: “Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày người được tha tù trước thời hạn có điều kiện có mặt tại trụ sở, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện thực hiện:…”; như vậy, Thông tư này cũng không quy định rõ là sau khi nhận được Giấy chứng nhận phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện từ trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ thì sau bao nhiêu ngày người đó phải đến trình diện tại trụ sở cơ quan THAHS Công an cấp huyện. Bên cạnh đó, các quy định trong khoản 1 Điều 49b còn có sự mâu thuẫn với Thông tư trên ở chỗ: Khoản 1 Điều 49 quy định người được tha tù trước thời hạn có điều kiện “phải trình diện ngay Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú” nhưng trong khoản 2 Điều 08 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an quy định: “Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện tự giác đến trụ sở cơ quan THAHS Công an cấp huyện trước khi cơ quan THAHS Công an cấp huyện nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện của Tòa án…”. Như vậy, sau khi được tha tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ trình diện tại đâu?

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị như sau:

- Dự thảo cần quy định rõ thời hạn người được tha tù trước thời hạn phải đến trình diện tại Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú nên quy định là: “Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù phải đến trình diện tại Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú ”.

- Khoản 2 Điều 8 của Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an cần chỉnh sửa lại quy định này để bảo đảm tính thống nhất với Dự thảo sau khi Dự thảo được thông qua quy định trên.

Thứ ba, cần bỏ quy định tại khoản 2 Điều 49b của Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS năm 2010 về: “chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung”. Bởi vì, trong điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về điều kiện được áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện là: “d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;” và khoản 1 Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định về hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn thì một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ đó là: “Văn bản, tài liệu thể hiện việc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự” (điểm d khoản 1 Điều 368 BLTTHS năm 2015). Như vậy, đây là một trong những điều kiện để xem xét người bị kết án phạt tù đó có được áp dụng thủ tục tha tù trước thời hạn có điều kiện hay không. Vì vậy, khoản 2 Điều 49b quy định về việc: “Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” khi được áp dụng biện pháp này là bất hợp lý vì trước khi làm đơn xin tha tù trước thời hạn, họ đã phải chấp hành xong hình phạt bổ sung thì mới đủ điều kiện để được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cũng có ý kiến cho rằng hình phạt bổ sung còn có các hình phạt như quản chế hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú thì việc đề nghị bỏ cụm từ: “Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” có hợp lý không? Chúng ta thấy, quản chế là hình phạt bổ sung được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do BLHS quy định (Điều 43 BLHS năm 2015), do đó, những đối tượng này không thuộc trường hợp áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Bên cạnh đó, hình phạt bổ sung cấm cư trú áp dụng đối với người bị kết án phạt tù không được tạm trú hoặc thường trú ở một số địa phương nhất định (Điều 42 BLHS năm 2015) trong khi biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện chỉ là có nơi cư trú rõ ràng chứ không bị cấm cư trú ở bất kỳ địa phương nào. Do đó, đối với những người bị kết án phạt tù khi có hình phạt bổ sung này phải thực hiện sau khi chấp hành án phạt tù xong sẽ không thuộc đối tượng được áp dụng biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Hơn nữa các hình phạt bổ sung trên chỉ được thực hiện sau khi người bị kết án phạt tù chấp hành xong bản án, còn tha tù trước thời hạn có điều kiện là biện pháp được áp dụng với người đang chấp hành bản án phạt tù khi có đủ điều kiện quy định tại Điều 66 BLHS. Do đó, chúng tôi cho rằng cần bỏ cụm từ: “Chấp hành đầy đủ các hình phạt bổ sung” ra khỏi nội dung của khoản 2 Điều 49b của Dự thảo. Như vậy, quy định này chỉ còn nội dung như sau: “Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập”.

Thứ tư, về kỹ thuật lập pháp, chúng tôi cho rằng nên gộp chung 2 điều (Điều 49a và Điều 49b) thành một điều luật là: Quyền và nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện để đảm bảo tính khoa học của kỹ thuật lập pháp, khi mà quyền và nghĩa vụ của một chủ thể luôn có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Bên cạnh đó bổ sung thêm chữ “được” và “của cá nhân, cơ quan, tổ chức” vào khoản 6 Điều 49a để đảm bảo sự rõ ràng, đầy đủ cho điều luật.

Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 49 a, b như sau:

“Điều 49 a, b. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện:

1. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là người đang chấp hành án phạt tù khi có đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 66 của Bộ luật Hình sự, xét thấy không cần buộc họ phải tiếp tục chấp hành hình phạt tù trong các cơ sở giam giữ thì cơ quan có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định cho họ được tha tù trước thời hạn có điều kiện.

2. Quyền của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

e) Được khiếu nại quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và quyết định rút ngắn thời gian thử thách và các hành vi vi phạm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong thời gian thử thách;

3. Nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

a) Sau khi được tha tù trước thời hạn có điều kiện, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện, người được tha tù phải đến trình diện tại Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi về cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú theo quy định của Luật cư trú.

b) Chấp hành nghiêm chỉnh cam kết của mình trong việc tuân thủ pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc; tích cực tham gia lao động, học tập.

… ”.

2. Quy định về cam kết của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

Điều 49c Dự thảo quy định: Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải cam kết bằng văn bản và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình. Điểm c khoản 2 Điều luật này quy định: “c) Tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bồi thường (nếu có)”. Về quy định này, chúng tôi có ý kiến như sau: Điều kiện quy định tại điểm d khoản 1 Điều 66 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 về điều kiện được áp dụng tha tù trước thời hạn có điều kiện là: “d) Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại và án phí;” và khoản 1 Điều 368 BLTTHS năm 2015 quy định về hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn thì một trong những tài liệu phải có trong hồ sơ đó là: “Văn bản, tài liệu thể hiện việc chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí, các nghĩa vụ dân sự” (điểm d khoản 1 Điều 368 BLTTHS); do đó, quy định trong điểm c khoản 2 Điều 49c Dự thảo về việc người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải cam kết bằng văn bản và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình “tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bồi thường (nếu có)” là mâu thuẫn với quy định này trong BLHS và BLTTHS. Các nghĩa vụ về bồi thường phải được phạm nhân thực hiện xong trước khi được xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nên khi được áp dụng thủ tục tha tù trước thời hạn có điều kiện, họ không cần phải cam kết bằng văn bản về nội dung này nữa. Như vậy, để bảo đảm sự thống nhất giữa các quy định của BLHS, BLTTHS và Luật THAHS thì Dự thảo cần bỏ cụm từ “tiếp tục thực hiện nghĩa vụ bồi thường (nếu có)” cho phù hợp.

Ảnh minh họa 

Bên cạnh đó, Dự thảo cần bổ sung thêm nội dung cam kết cho phù hợp với các nghĩa vụ mà người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện. Theo đó, cần bổ sung khoản 2 Điều 49c Dự thảo nội dung sau: “Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc”. Từ những ý kiến trên chúng tôi cho rằng, Điều 49c Dự thảo cần được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải cam kết bằng văn bản và phải nghiêm chỉnh thực hiện cam kết của mình.

2. Nội dung cam kết gồm:

a) Chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật, nghiêm túc sửa chữa sai phạm;

b) Tích cực tham gia lao động, học tập, tu dưỡng, rèn luyện bản thân;

c) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy chế của nơi cư trú, làm việc”.

3. Quy định thi hành quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện

Điều 49đ Dự thảo quy định: “1. Trại giam, trại tạm giam, cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện phải tổ chức công bố công khai quyết định của Tòa án về tha tù trước thời hạn có điều kiện cho toàn thể phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ biết và lưu hồ sơ phạm nhân; bàn giao hồ sơ phạm nhân cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh (để chuyển cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện), cơ quan THAHS cấp quân khu nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, làm việc để quản lý”.

Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an cũng chỉ quy định chung chung: “Sau khi tha phạm nhân, cơ sở giam giữ hoàn chỉnh hồ sơ phạm nhân và bàn giao cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi phạm nhân được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú (nơi chấp hành thời gian thử thách) để quản lý và phục vụ công tác quản lý, giám sát, giáo dục, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cơ sở giam giữ có thể bàn giao tất cả hồ sơ phạm nhân trong cùng một đợt tha tù trước thời hạn có điều kiện cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh để bàn giao cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện. Việc bàn giao hồ sơ phạm nhân phải lập biên bản, lưu hồ sơ phạm nhân”.

Như vậy, cả hai văn bản này đều không quy định rõ thời hạn của việc bàn giao hồ sơ từ cơ quan cấp tỉnh xuống đến cấp xã. Trong thời gian bao nhiêu lâu thì cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh phải nhận được hồ sơ bàn giao từ trại giam, trại tạm giam? Phải mất bao nhiêu thời gian để cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh chuyển hồ sơ cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện? Và cũng như vậy sẽ mất bao nhiêu thời gian để cơ quan THAHS Công an cấp huyện chuyển hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, địa phương để tiến hành việc tiếp nhận người được tha tù trước thời hạn có điều kiện? Điều này cho thấy, nếu không quy định cụ thể thời hạn chuyển giao hồ sơ sẽ dẫn đến tình trạng chậm trễ trong việc giao nhận hồ sơ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện và sẽ dẫn đến trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đến trình diện tại Ủy ban nhân dân, Công an cấp xã nơi cư trú và đăng ký tạm trú, thường trú mà các cơ quan này vẫn chưa nhận được hồ sơ của họ. Bên cạnh đó cũng có thể dẫn đến tình trạng việc giao nhận hồ sơ quá chậm trễ làm ảnh hưởng đến việc quản lý và theo dõi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Do đó, chúng tôi kiến nghị cần phải quy định cụ thể về thời hạn giao nhận hồ sơ của các cấp trong cả hai văn bản trên, cụ thể: Trong 3 ngày làm việc thì trại giam, trại tạm giam, cơ quan THAHS Công an cấp huyện phải bàn giao hồ sơ phạm nhân cho cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh và trong 3 ngày làm việc hồ sơ từ cơ quan THAHS Công an cấp tỉnh phải được chuyển cho cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú và cũng trong 3 ngày làm việc hồ sơ từ cơ quan THAHS Công an cấp huyện nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú phải được chuyển xuống Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn, địa phương nơi tiếp nhận người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Muốn thực hiện được điều này thì trước khi công bố quyết định tạm tha tù trước thời hạn có điều kiện cho người bị kết án thì hồ sơ đã được chuẩn bị cụ thể, phân loại cho các địa phương rõ ràng và được giao cho cán bộ có trách nhiệm chuyển giao. Cũng như các trình tự tố tụng hình sự, khi giải quyết một vụ án hình sự, các trình tự của quá trình THAHS nói chung và tha tù trước thời hạn có điều kiện nói riêng cần phải đảm bảo về thời hạn mới không để xảy ra tình trạng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi xảy ra vi phạm, các hoạt động cần được phối hợp nhịp nhàng, nhanh chóng, hợp lý.

Do đó, Điều 49đ Dự thảo cần được bổ sung như sau: “… Trong 03 ngày làm việc phải bàn giao hồ sơ phạm nhân cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh (để chuyển cho cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện), cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu nơi người được tha tù trước thời hạn về cư trú, làm việc để quản lý”.

4. Quy định về nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện

Hiện nay trong Điều 49p của Dự thảo chỉ quy định về việc thay đổi nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện là sau khi họ đã được tiếp nhận về địa phương rồi mà họ muốn “thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác hoặc có các lý do tương tự thì người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải làm đơn xin phép gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, trong đó ghi rõ lý do, đến nơi thường trú hoặc tạm trú. Đơn đề nghị phải có ý kiến của người được giao quản lý, giám sát, giáo dục”. Vậy, trong trường hợp khi làm đơn xin tha tù trước thời hạn có điều kiện để gửi xét hồ sơ đề nghị mà họ muốn thay đổi nơi cư trú ngay khi được tiếp nhận do có lý do trong thời gian họ chấp hành án gia đình đã chuyển đến địa phương khác hoặc họ đã có việc làm, học tập ổn định ở một nơi khác hoặc có các lý do tương tự thì họ có được chấp nhận về ngay địa phương đó hay không? Chúng tôi cho rằng nên chấp nhận để đảm bảo điều kiện thuận lợi về điều kiện sinh sống và làm việc cho người được tha tù trước thời hạn có điều kiện. Như vậy, chúng tôi cho rằng, Điều 49p cần bổ sung thêm nội dung về việc thay đổi nơi cư trú của người bị kết án phạt tù theo hướng người được tha tù có điều kiện được đăng ký nơi cư trú mới của mình ngay khi làm đơn xin tha tù trước thời hạn có điều kiện. Theo nội dung bổ sung này thì ngay trong đơn xin tha tù trước thời hạn, người được tha tù có điều kiện cần ghi rõ nguyện vọng muốn về địa phương nào để chấp hành án và lý do tại sao muốn về nơi đó, ví dụ: Gia đình đã chuyển đến địa phương khác hoặc họ đã có việc làm, học tập ổn định ở một nơi khác… Như vậy, địa phương đó cần biết trước có người tha tù trước thời hạn có điều kiện có nguyện vọng muốn về nơi đó để chấp hành án, họ sẽ có kế hoạch phân công người giám sát, hoặc xem xét điều kiện có đồng ý tiếp nhận người đó hay không.

Từ những phân tích trên chúng tôi kiến nghị sửa đổi Điều 49p như sau:

“1. Trường hợp trước khi được xét tha tù trước thời hạn, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác hoặc có các lý do tương tự, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải làm đơn gửi Trại giam nơi phạm nhân đang chấp hành án phạt tù, trong đó ghi rõ lý do, đến nơi thường trú hoặc tạm trú. Đơn đề nghị thay đổi nơi cư trú của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện sẽ được gửi kèm vào hồ sơ đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện.

2. Trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang chấp hành án tại địa phương mà thay đổi nơi đăng ký thường trú, đi học tập, có việc làm ổn định hoặc theo gia đình chuyển đến địa phương khác hoặc có các lý do tương tự thì người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải làm đơn xin phép gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, trong đó ghi rõ lý do, đến nơi thường trú hoặc tạm trú. Đơn đề nghị phải có ý kiến của người được giao quản lý, giám sát, giáo dục.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải trả lời bằng văn bản; trường hợp không đồng ý phải nêu rõ lý do.

2. Khi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, hồ sơ về việc tha tù trước thời hạn có điều kiện phải được chuyển đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đến cư trú. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đến cư trú có trách nhiệm tiếp nhận và phân công cơ quan, tổ chức quản lý, giáo dục.

3. Khi thay đổi nơi cư trú, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện phải thực hiện quy định của pháp luật về cư trú”.               

(Trích bài viết: “Một số góp ý về chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự năm 2010” của Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Giảng viên cao cấp Đỗ Thị Phượng, Trưởng Bộ môn Khoa Pháp luật hình sự, Trường Đại học luật Hà Nội. Tạp chí Kiểm sát số 14/2018).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Công an, Dự thảo 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THAHS số 53/2010/QH12, năm 2018.

2. Chính phủ, Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015.

3. Lg. Vũ Nguyên, Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017

http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx, ngày truy cập 13/06/2018

4. Ngô Văn Trù (2017), Giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam, sách chuyên khảo, Nxb. Công an nhân dân, 2017, từ trang 106-109.

5. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Quyết định số 1461/TTg về phê duyệt đề án triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện.

6. Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 09/02/2018 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định phối hợp thực hiện quy định của BLTTHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn có điều kiện.

7. Thông tư số 12/2018/TT-BCA ngày 17/5/2018 của Bộ Công an quy định về việc thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Công an nhân dân.

1. Chính phủ, Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015.

2. Xem thêm Thiếu tướng, Tiến sĩ Ngô Văn Trù (2017), Giáo dục pháp luật cho phạm nhân ở Việt Nam, sách chuyên khảo, nhà xuất bản Công an nhân dân, 2017, từ trang 106-109.

3. Dự thảo 2, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự số 53/2010/QH12.

4. Lg. Vũ Nguyên, Chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện trong Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi 28/09/2017 http://www.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/nghien-cuu-trao-doi.aspx, ngày truy cập 13/06/2018.

Xem thêm >>>

Xét đặc xá: Không quy định điều kiện “phạm tội lần đầu”

Phân biệt đặc xá, đại xá và tha tù trước thời hạn có điều kiện
 

TCKS số 14/2018