Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát
Ngày đăng : 11:30, 19/12/2018
Viện kiểm sát phối hợp với Cơ quan điều tra kiểm sát khám nghiệm hiện trường (Ảnh: Trang tin VKSND Tp Đà Nẵng) |
Thông tư liên tịch số 04/2018 gồm 39 điều, áp dụng đối với Cơ quan điều tra các cấp của Công an nhân dân, Cơ quan điều tra các cấp trong Quân đội nhân dân, Cơ quan điều tra của VKSND tối cao; VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp; người tiến hành tố tụng thuộc các cơ quan quy định tại Thông tư liên tịch số 04/2018 (Điều 2) và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát
Điều 6 của Thông tư liên tịch quy định rõ trách nhiệm của Cơ quan điều tra trong việc thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát. Trong giai đoạn khởi tố, điều tra, truy tố, Cơ quan điều tra phải thực hiện yêu cầu, quyết định của Viện kiểm sát theo quy định tại Điều 162, Điều 167, Điều 236 và Điều 238 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đối với quyết định quy định tại khoản 1 và khoản 6 Điều 159, điểm b khoản 1 Điều 161, khoản 4 và khoản 5 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự nếu không nhất trí, Cơ quan điều tra vẫn phải thực hiện nhưng có quyền kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp xem xét, giải quyết; nếu là Cơ quan điều tra ở cấp trung ương thì kiến nghị với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương xem xét, giải quyết. Trường hợp nhất trí với kiến nghị của Cơ quan điều tra thì Viện kiểm sát cấp trên hủy bỏ quyết định của Viện kiểm sát cấp dưới; nếu không nhất trí thì thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do cho Cơ quan điều tra đã kiến nghị và Viện kiểm sát cấp dưới.
Đề ra yêu cầu điều tra và thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên
Điều 11 Thông tư liên tịch số 04/2018 nêu rõ, Kiểm sát viên phải kịp thời trao đổi với Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án về những vấn đề cần điều tra ngay từ khi nhận được quyết định khởi tố vụ án hình sự và trong quá trình điều tra, bảo đảm để Điều tra viên, Cán bộ điều tra kịp thời thu thập đầy đủ các chứng cứ, tài liệu của vụ án. Kiểm sát viên có thể đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong quá trình trực tiếp kiểm sát các hoạt động khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, khám xét, hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, bị hại, đương sự, đối chất, nhận dạng, thực nghiệm điều tra, nhận biết giọng nói.
Đối với các hoạt động điều tra khác, Kiểm sát viên phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản, nêu rõ ràng, cụ thể những vấn đề cần điều tra, chứng cứ, tài liệu cần thu thập. Văn bản yêu cầu điều tra phải được đưa vào hồ sơ vụ án.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công điều tra vụ án phải thực hiện yêu cầu điều tra của Kiểm sát viên; nếu thấy cần thiết, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có thể trao đổi với Kiểm sát viên để làm rõ những nội dung của yêu cầu điều tra. Trường hợp có nội dung yêu cầu điều tra mà Điều tra viên, Cán bộ điều tra không nhất trí, thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; Kiểm sát viên báo cáo Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát để thống nhất về nội dung yêu cầu điều tra. Trường hợp Cơ quan điều tra không thực hiện yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát hoặc đã tiến hành các hoạt động điều tra nhưng do trở ngại khách quan mà không thể thực hiện được yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát thì Cơ quan điều tra phải nêu rõ lý do trong bản kết luận điều tra.
Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra
Theo quy định tại Điều 12 Thông tư liên tịch số 04/2018, trong giai đoạn điều tra, khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 7 Điều 165 Bộ luật Tố tụng hình sự thì Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành hỏi cung bị can, lấy lời khai người bị tạm giữ, người bị bắt, bị hại, đương sự, người làm chứng, người chứng kiến, đối chất, thực nghiệm điều tra và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Kiểm sát viên thông báo trước cho Điều tra viên trước khi tiến hành. Điều tra viên có trách nhiệm phối hợp với Kiểm sát viên để thực hiện các hoạt động điều tra khi được yêu cầu; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 2 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết.
Trường hợp Viện kiểm sát trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định tại khoản 3 Điều 236, khoản 1 Điều 246 BLTTHS mà thấy cần phối hợp với Cơ quan điều tra thì chậm nhất 24 giờ trước khi tiến hành một số hoạt động điều tra, Viện kiểm sát thông báo cho Cơ quan điều tra thời gian, địa điểm tiến hành một số hoạt động điều tra để phân công Điều tra viên cùng phối hợp thực hiện; trường hợp Điều tra viên vắng mặt thì chậm nhất 2 giờ trước khi Kiểm sát viên tiến hành một số hoạt động điều tra, Điều tra viên phải thông báo cho Kiểm sát viên biết. Đồng thời, Biên bản tiến hành một số hoạt động điều tra của Kiểm sát viên phải được đưa vào hồ sơ vụ án.
Quy định về đóng dấu bút lục theo khoản 5 Điều 88 BLTTHS năm 2015
Theo quy định tại khoản 5 điều 88 BLTTHS thì trong thời hạn 03 ngày, Viện kiểm sát đóng dấu bút lục và sao lưu biên bản, tài liệu lưu hồ sơ kiểm sát và bàn giao nguyên trạng tài liệu, biên bản đó cho Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Tuy nhiên, VKSND tối cao lại chưa hướng dẫn về vị trí đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát, nên việc thực hiện quy định này tại một số đơn vị chưa thống nhất.
Điều 35 của Thông tư liên tịch số 04 đã quy định rõ việc thống kê và đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra được thực hiện như sau:
“Trước khi chuyển cho Viện kiểm sát biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hoặc hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu;
Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu quy định tại điểm a khoản này và biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra”.
Quy định trên đã tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc về vị trí, trang tài liệu được đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát nhân dân vào tài liệu điều tra do Cơ quan điều tra chuyển đến theo khoản 5 điều 88 BLTTHS năm 2015.
Biện pháp đặt tiền để bảo đảm trong tố tụng hình sự
Theo Điều 22 của Thông tư này, trường hợp Cơ quan điều tra quyết định cho bị can hoặc người thân thích của bị can được đặt tiền để bảo đảm, thì việc đặt tiền bảo đảm được thực hiện như sau:
- Cơ quan điều tra có văn bản nêu rõ lý do, kèm theo chứng cứ, tài liệu gửi Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị xét phê chuẩn;
- Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cùng cấp phải ra một trong các loại văn bản sau:
+ Quyết định phê chuẩn;
+ Quyết định không phê chuẩn;
+ Văn bản yêu cầu Cơ quan điều tra bổ sung chứng cứ, tài liệu để xét phê chuẩn quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Ngoài ra, trường hợp đã kết thúc điều tra chuyển sang giai đoạn truy tố, Viện kiểm sát thấy cần thiết tiếp tục áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm đối với bị can thì Viện kiểm sát ra quyết định áp dụng biện pháp đặt tiền để bảo đảm.
Ngoài các nội dung trên, Thông tư liên tịch số 04/2018 còn quy định về việc thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự; thay đổi người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; thay đổi, hủy bỏ lệnh, quyết định của Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra; khởi tố bị can, thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can; giao nhận, xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can; áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; phê chuẩn lệnh tạm giam trong trường hợp người đang bị tạm giữ bị khởi tố bị can; áp dụng biện pháp bảo lĩnh; áp dụng một số biện pháp ngăn chặn khi gia hạn thời hạn điều tra, gia hạn thời hạn quyết định việc truy tố; quyết định, phê chuẩn áp dụng biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; thực hiện biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt; tạm đình chỉ điều tra; đình chỉ điều tra…
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2018, thay thế Thông tư liên tịch số 05/2005/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 07/9/2005 của VKSND tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2003.
Xem thêm>>>
Họp liên ngành sửa đổi Thông tư về quan hệ phối hợp giữa CQĐT và Viện kiểm sát
Quy định về phối hợp giữa các cơ quan trong công tác thống kê hình sự