Vướng mắc trong xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật
Ngày đăng : 09:52, 17/12/2018
Người chưa thành niên là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất cũng như về tâm, sinh lý; khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, thiếu kinh nghiệm sống, thiếu những điều kiện về bản lĩnh tự lập, thiếu khả năng tự kiềm chế và dễ bị kích động, lôi kéo, dụ dỗ…Việc xử lý họ chủ yếu là nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa lỗi lầm, phát triển lành mạnh; biện pháp giam giữ chỉ được áp dụng cuối cùng khi không còn biện pháp thích hợp nào khác và trong thời hạn ngắn nhất có thể…
Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã quy định cụ thể đối với người chưa thành niên vi phạm chỉ áp dụng 03 hình thức xử phạt, đó là: cảnh cáo; phạt tiền; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. Luật cũng quy định 04 biện pháp khắc phục hậu quả và bổ sung các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính như nhắc nhở, quản lý tại gia đình.
Tại Điều 18 Bộ luật Dân sự quy định: “Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Và căn cứ trên cơ sở tính chất, mức độ của hành vi vi phạm cũng như sự nhận thức về độ tuổi mà BLHS nước ta quy định: “Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng” (Điều 12 BLHS). Trong xử lý hành chính: “Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính” (điểm a khoản 1 điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Thực trạng hiện nay đã cho thấy, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có tính chất nghiêm trọng ngày càng diễn biến phức tạp tập trung vào những tội xâm phạm sở hữu như cướp giật, trộm cắp tài sản…; các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người, các tội về ma túy… đã và đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay. Đây là hồi chuông cảnh báo tới toàn xã hội về tội phạm là đối tượng chưa thành niên. Trong đó, nhóm đối tượng phổ biến là từ 12 tuổi trở lên, đang có dấu hiệu tăng dần.
Mặc dù, BLHS chỉ quy định tuổi chịu trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi trở lên và Luật xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định độ tuổi từ 12 đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật hình sự thì bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (Điều 90 Luật xử lý vi phạm hành chính) và từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý quy định tại Bộ luật Hình sự thì bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng (Đieu 92 Luật xử lý vi phạm hành chính).
Như vậy, người từ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng sẽ không thuộc đối tượng bị xử lý hành chính, mà thay vào đó là áp dụng các biện pháp nhắc nhở, quản lý tại gia đình. Tuy nhiên, hai biện pháp thay thế này dường như khó đạt kết quả thực thi cao trong khi điều kiện áp dụng là “Người chưa thành niên vi phạm đã tự nguyện khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình; Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này; Cha mẹhoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình” (điểm a khoản 1 điều 140 Luật xử lý vi phạm hành chính). Bởi đa phần dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật của nhóm người chưa thành niên này là do không có sự quản lý gia đình, tình trạng cha mẹ ly hôn, cha mẹ là người phạm tội… không có điều kiện chăm sóc, giáo dục đã khiến cho nhóm đối tượng này dễ xảy ra hành vi phạm pháp luật...
Do đó, cần sửa đổi áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên có độ tuổi từ 12 đến dưới 14 tuổi khi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng. Cũng như cần thiết xây dựng quy chế giao cho Đoàn thanh niên kết hợp với gia đình, Hội liên hiệp phụ nữ quản lý, giáo dục, giúp đỡ các em. Đối với các trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt như trẻ em lang thang, trẻ em không sống chung với cha hoặc mẹ… thì các đoàn thể cấp huyện, xã nơi các em thực hiện hành vi vi phạm kết hợp với cơ quan lao động - thương binh và xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội cần có trách nhiệm tiếp nhận, chăm sóc để quản lý, giáo dục và tạo điều kiện cho các em học chữ, học nghề thích hợp. Nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường trong việc quản lý, giáo dục để các em phát triển toàn diện, khắc phục sai lầm và làm lại cuộc đời.
Tú Vương