Xây dựng Đảng: Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật
Ngày đăng : 10:54, 11/12/2018
Chủ tịch Hồ Chí Minh, người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã căn dặn: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ trung thành của nhân dân”. Vì vậy, phải không ngừng chăm lo xây dựng, rèn luyện Đảng ta thành một Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, tiêu biểu cho trí tuệ, đạo đức, lương tâm và danh dự của dân tộc.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, ở mỗi giai đoạn lịch sử, đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều Nghị quyết xây dựng, chỉnh đốn Đảng, làm tốt công tác này đã tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị, từng bước ngăn chặn, đẩy lùi biểu hiện suy thoái, tiêu cực, nhiều sai phạm của cán bộ, đảng viên đã bị phát hiện, xử lý, nhiều vụ án tham nhũng đã được điều tra, truy tố, xét xử…
Tuy nhiên kết quả, mục tiêu chưa đạt, trong xã hội nhiều vấn đề nảy sinh tiêu cực, nhiều giá trị xã hội bị đảo ngược như: cô giáo cho học sinh uống nước giẻ lau bảng; thầy giáo cưỡng bức học sinh; thầy thuốc bán thuốc giả; khám bệnh phải có phong bì lót tay. Ngược lại, người nhà bệnh nhân sẵn sàng đánh bác sỹ; phụ huynh bắt cô giáo quỳ gối xin lỗi con mình. Dân sẵn sàng làm hàng giả, như thuốc chữa bệnh bằng than tre, rượu giả, thực phẩm bẩn tràn nan… Trong Đảng, “một bộ phận không nhỏ” cán bộ, đảng viên kể cả cán bộ cao cấp của đảng đã bị phai nhạt lý tưởng cách mạng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chỉ muốn làm quan phát tài để có cơ hội vơ vét, làm giàu bất chính, chà đạp lên đạo lý, coi thường pháp luật; có nhiều người, sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, đã mang quân hàm cấp Tướng trong Bộ Công an, nhưng do thiếu tu dưỡng rèn luyện mà sa ngã tiếp tay cho tội phạm, cho thấy đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp xuống cấp trầm trọng. Chính “một bộ phận không nhỏ” này đã và đang làm tổn thương tình cảm của nhân dân, làm suy yếu Đảng, vô hình chung trở thành nhân tố tiếp tay cho các thế lực thù địch luôn tìm cách xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng qua chiến lược “Diễn biến hòa bình”, điều này đã đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ.
Trước tình hình đó, ngày 30/10/2016, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khoá XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết lần này không chỉ lớn về quy mô mang tầm chiến lược, mà còn giải quyết những vấn đề có tính chất, mức độ ở những “tầng chìm thực thể” rất tinh tế nhưng nguy hiểm. Điểm mới của Nghị quyết là đã thẳng thắn chỉ rõ một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái và đưa ra 4 nhóm giải pháp cụ thể, quyết tâm tẩy trừ tận gốc “căn bệnh” trong Đảng, với phương châm “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.
Sau gần 2 năm thực hiện, Nghị quyết đã thực sự đi vào cuộc sống với những bước chuyển biến rõ nét: Cán bộ, đảng viên có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc tu dưỡng, rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ; các tổ chức đảng đã thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật. Chỉ tính riêng trong năm 2017 đã có hơn 300 tổ chức đảng, hơn 18.600 đảng viên đã bị xử lý kỷ luật, trong đó ở Trung ương kỷ luật 3 tổ chức đảng và 29 cán bộ cao cấp, khởi tố 16 vụ 216 bị can, đã xét xử 5 vụ 73 bị cáo, điển hình vụ án Châu Thị Thu Nga, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Đinh La Thăng và tiếp tục khởi tố điều tra hàng loạt vụ án đặc biệt nghiêm trọng khác như vụ sử dụng công nghệ cao để đánh bạc lên đến hàng nghìn tỷ ở Phú Thọ, liên quan đến nhiều địa phương, nhiều cán bộ cấp cao và trong lực lượng vũ trang.
Ngay ở tỉnh Yên Bái cũng đã có 3 tổ chức đảng, 127 đảng viên bị xử lý kỷ luật; 4 vụ 9 bị cáo đã bị xét xử, hiện đang điều tra, truy tố 7 vụ 14 bị can, điển hình vụ Nguyễn Đăng Vinh, Hiệu trưởng, Trường bán trú Bản Công, Trạm Tấu tham ô 6 tấn gạo của nhà nước cấp cho học sinh.
Cả hệ thống chính trị đã và đang vào cuộc và chuyển động theo chiều hướng tích cực. Đảng bộ VKSND tỉnh Yên Bái đang cùng với các Chi, Đảng bộ khác trong Khối, trong Tỉnh, tích cực triển khai thực hiện Nghị quyết, mỗi tổ chức đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi xét dựa trên 27 biểu hiện suy thoái và 4 nhóm giải pháp để tự chỉnh đốn, chống “tự diễn biến” “tự chuyển hóa”, từ đó vận dụng sáng tạo, phát triển thành những giải pháp cụ thể, phù hợp với đặc điểm, tình hình của Đảng bộ và chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp – một trọng trách mà Đảng, Quốc hội và nhân dân giao phó, đây là niềm vinh dự, nhưng trách nhiệm cũng rất nặng nề.
Do đặc thù, công việc của ngành Kiểm sát là công tác phát hiện hiện và xử lý vi phạm, tội phạm, đụng chạm đến sinh mệnh, tự do, danh dự, nhân phẩm của con người, thường xuyên đối mặt với những tiêu cực trong xã hội, đồng thời đây là môi trường rất nhạy cảm dễ làm cho con người bị chùn bước, sa ngã, dẫn đến tình trạng để lọt tội phạm, làm oan, sai người vô tội hoặc chính mình trở thành tội phạm, do vậy đòi hỏi người cán bộ kiểm sát phải có lập trường, tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, luôn có cái tâm trong sáng, nhìn nhận đánh giá sự việc một cách khách quan, chính xác, tôn trọng sự thật và kiên quyết bảo vệ lẽ phải, như Bác đã từng nói: “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy lực không thể khuất phục”.
Thực hiện lời dạy của Bác, gần 60 năm qua, các thế hệ cán bộ Kiểm sát Yên Bái đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể và cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều Bằng khen và Huân chương cao quý. Nhiều cán bộ, KSV trở thành tấm gương cho các thế hệ mai sau học tập cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch, vững mạnh tiêu biểu. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn một số cán bộ, KSV năng lực còn hạn chế, lười nghiên cứu, học tập, đi muộn về sớm, có tư tưởng an bài, ngại va chạm… dẫn đến còn lúng túng trong giải quyết công việc, để xảy ra tình trạng hồ sơ trả điều tra bổ sung nhiều lần, có vụ án phải xét xử đi, xét xử lại, qua nhiều cấp, có vụ việc dân sự không thi hành được... làm giảm niềm tin của nhân dân đối với hoạt động của các cơ quan tư pháp.
Để thực hiện được tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành KSND thì việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngành Kiểm sát Yên Bái đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị là hết sức quan trọng, trong đó Nghị quyết TW4, khóa XII của Đảng như sợi chỉ hồng xuyến suốt quá trình phấn đấu, tu dưỡng của mỗi cá nhân, được cụ thể hóa bằng những giải pháp sau:
Thứ nhất: Tăng cường công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên, nhất là đội ngũ lãnh đạo, lấy Chủ nghĩa Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm kim chỉ nam cho mọi hành động. Mỗi cán bộ, đảng viên tích cực học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tự soi mình trong nghị quyết, để đấu tranh và sửa chữa khuyết điểm, tự làm trong sạch nhân cách cá nhân, để giác ngộ lại lý tưởng và đạo đức cách mạng, đủ đức, đủ tài để gánh vác trọng trách của Đảng của ngành, đúng như lời dạy của Bác Hồ đối với người cán bộ kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Thứ hai: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng kết hợp với công tác thanh tra của ngành kiểm sát, quản lý chặt chẽ từng cán bộ, đảng viên từ nơi ở, nơi làm việc và nơi đến công tác nhằm kịp thời phát hiện ngăn chặn và xử lý những biểu hiện suy thoái tiêu cực dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành KSND, để xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp hiện nay, đồng thời góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thức ba: Thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Trong sinh hoạt sẽ kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm; kiên quyết bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh trong phê bình, với phương châm “Nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, kết hợp giữa “Xây” và “Chống”. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết lấy đó làm tiêu chí đánh giá, bình xét xếp loại cán bộ, đảng viên và tập thể cuối năm.
Thứ tư: Thực hiện Nghị quyết TW 4, khóa XII gắn với thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, nhất là Kế hoạch số 75 ngày 22/01/2018 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh thực hiện chuyên đề năm 2018 “Xây dựng phong cách, tác phong công tác người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Chú trọng công tác cán bộ, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc, muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay xâu”. Do đó, nâng cao chất lượng cán bộ ngay từ khi tuyển dụng, có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển quy hoạch cán bộ lãnh đạo và Kiểm sát viên tham gia giữ quyền công tố.
Thứ năm: Lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhân dân, nhất là phản ánh việc làm sai trái của cán bộ công chức trong thực hiện nhiệm vụ và những biểu hiện suy thoái tiêu cực. Giải quyết nhanh, kịp thời các vấn đề bức xúc của nhân dân qua khiếu nại, tố cáo. Giải quyết các vụ án dân sự, hình sự, nhất là các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ… đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai hay bỏ lọt tội phạm, thiết thực góp phần thực hiện Nghị quyết TW4 khóa 12 và xây dựng hình ảnh người cán bộ Kiểm sát trong lòng nhân dân.
Mỗi người hãy tự soi mình vào 27 biểu hiện suy thoái và tự kiểm điểm bản thân để khắc phục ngay những tồn tại và chính bản thân mỗi người phải có lập trường kiên định vững vàng, không tham vật chất, không màng danh lợi mà bị cám dỗ, sa ngã, không được phép buông lỏng kỉ cương, nguyên tắc của Đảng, luôn trau dồi đạo đức và lý tưởng cách mạng. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện của sự suy thoái về về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với tinh thần thẳng thắn, thành thật. Bên cạnh đó, luôn cầu thị, tiếp thu các ý kiến đóng góp phê bình để bản thân mình khắc phục sửa chữa khuyết điểm, phấn đấu học tập ngày càng hoàn thiện hơn. Chúng ta hãy luôn ghi nhớ lời dạy của Bác: ‘Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, để nhắc nhở mình phải đầu tàu gương mẫu, chuẩn mực trong mọi lời nói, việc làm, trong công việc cũng như trong đời sống hàng ngày. Và tự nhủ với chính mình và nói với đồng chí, đồng nghiệp rằng: Mỗi chúng ta là một viên gạch hồng của Đảng, viên gạch có hồng thì Đảng mới hồng, do vậy chúng ta hãy cùng nhau phấn đấu rèn luyện, đủ đức, đủ tài để thực hiện nhiệm vụ..../.