Kiểm sát cơ quan THADS và Chấp hành viên trong thi hành án hành chính

Ngày đăng : 13:33, 03/12/2018

(Kiemsat.vn) - Một trong những nội dung kiểm sát thi hành án hành chính là kiểm sát cơ quan THADS và Chấp hành viên trong thi hành án hành chính.

Căn cứ Luật Tổ chức VKSND năm 2014, Quy chế 810 ngày 20/12/2016 của VKSND tối cao về kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, Luật Tố tụng hành chính năm 2015 và Nghị định 71/2016/NĐ-CP về thời hạn, trình tự, thủ tục thi hành án hành chính và xử lý trách nhiệm đối với người không thi hành bản án, quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát kiểm sát cơ quan THADS và Chấp hành viên trong thi hành án hành chính tập trung vào một số nội dung sau:

Ảnh minh họa

Kiểm sát việc phân công Chấp hành viên thực hiện theo dõi việc thi hành án hành chính (khoản 2 Điều 14 Nghị định 71). Theo quy định của Luật TTHC năm 2015 cũng như Nghị định 71, sau khi nhận được bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính, cơ quan THADS phải phân công Chấp hành viên theo dõi. Nếu sau khi nhận bản án, quyết định hành chính mà cơ quan THADS không phân công Chấp hành viên theo dõi là vi phạm.

- Kiểm sát việc ra thông báo về việc tự nguyện thi hành án (khoản 2 Điều 14 Nghị định 71): Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan THADS có trách nhiệm ra văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án gửi người phải thi hành án. Nội dung thông báo nêu rõ thời hạn tự nguyện, trách nhiệm tổ chức thi hành án, việc xử lý trách nhiệm nếu không chấp hành án. Nếu sau 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được bản án, quyết định Chấp hành viên không ra thông báo là vi phạm.

Đối với bản án, quyết định của Tòa án quy định tại điểm e và điểm g khoản 1 Điều 311 Luật TTHC  thì phải ra ngay thông báo về việc tự nguyện thi hành án.

Ví dụ: Ngày 05/7/2017, Tòa án nhân dân thành phố T có Bản án số 10/2017/HC-ST. Ngày 05/9/2017, cơ quan THADS nhận được bản án, quyết định nhưng đến ngày 26/10/2017, Cục THADS thành phố T mới gửi Thông báo số 1609/TB-CTHADS đến UBND huyện Đ về việc thi hành Bản án số 10/2017/HC-ST. Theo qui định thì việc gửi thông báo chậm hơn một tháng.

- Kiểm sát biên bản làm việc với người phải thi hành án (khoản 3 Điều 14 Nghị định 71): Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định buộc thi hành án hành chính, Chấp hành viên được phân công theo dõi việc thi hành án phải làm việc với người phải thi hành án để yêu cầu thực hiện nghĩa vụ trong bản án, quyết định của Tòa án. Nội dung làm việc phải được lập thành biên bản (qua kiểm sát phần lớn CHV không thực hiện).

- Kiểm sát việc ban hành Kiến nghị đối với người chậm thi hành án (khoản 6 Điều 14 Nghị định 71): Cơ quan THADS có văn bản kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý trách nhiệm đối với người phải thi hành án chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án theo quy định của Luật TTHC và Nghị định 71 nhất là kiến nghị người phải thi hành án là UBND hoặc Chủ tịch UBND.

- Kiểm sát việc yêu cầu giải thích bản án: Thủ trưởng cơ quan THADS có quyền yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích bằng văn bản những điểm chưa rõ, đính chính sai sót trong bản án, quyết định để thi hành; kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với bản án, quyết định theo quy định của pháp luật. Nếu phát hiện bản án, quyết định khó thi hành mà cơ quan THADS không yêu cầu giải thích thì Viện kiểm sát kiến nghị cơ quan THADS ban hành yêu cầu giải thích bản án, quyết định.

- Kiểm sát việc lập hồ sơ theo dõi (khoản 7 Điều 14 Nghi định 71): Chấp hành viên được phân công có trách nhiệm lập hồ sơ theo dõi thi hành án hành chính; cập nhật và bổ sung đầy đủ các tài liệu vào hồ sơ vụ việc. Hồ sơ gồm:

+ Bản án, quyết định của Tòa án;

+ Văn bản thông báo về việc tự nguyện thi hành án;

+ Thông báo kết quả thi hành án hành chính;

+ Quyết định buộc thi hành án hành chính, nếu có;

+ Các văn bản chỉ đạo của người đứng đầu cơ quan cấp trên trực tiếp của người phải thi hành án, nếu có;

+ Quyết định xử lý trách nhiệm do chậm thi hành án, không chấp hành, chấp hành không đúng hoặc không đầy đủ nội dung bản án, quyết định của Tòa án, nếu có;

+ Các tài liệu khác có liên quan.

Hồ sơ thi hành án hành chính phải thể hiện toàn bộ quá trình theo dõi, kiểm tra, đôn đốc thi hành án hành chính và được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.

- Kiểm sát việc đăng tải thông tin (Điều 30 Nghi định 71): Cơ quan THADS phải gửi hoặc đăng tải công khai Quyết định buộc THAHC trên Trang thông tin điện tử của Cục THADS tỉnh, tích hợp trên Cổng thông tin điện tử của Tổng cục THADS và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ trong trường hợp người phải thi hành án là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; chấm dứt công khai thông tin trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về kết quả thi hành xong (Điều 30 Nghị định 71/2016/NĐ -CP).

- Kiểm sát việc phân loại bản án có nội dung theo dõi: Sau khi nhận được báo cáo của cơ quan THADS về số bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi, VKSND các cấp cần kiểm sát chặt chẽ việc phân loại, hạn chế đến mức thấp nhất số bản án, quyết định hành chính thuộc diện phải theo dõi nhưng cơ quan THADS xếp vào số bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi. Ví dụ:  Năm 2017, Tòa án nhân dân các cấp đã chuyển giao cho cơ quan THADS các cấp 1.974 bản án, quyết định; trong đó có 1.614 bản án, quyết định không có nội dung phải theo dõi và 361 bản án, quyết định có nội dung theo dõi. Viện kiểm sát phải kiểm sát 1.614 bản án, quyết định cơ quan THADS phân loại không có nội dung phải theo dõi xem việc phân loại đúng hay sai.                       

Đỗ Văn Kha - VKSND tối cao