Tín dụng đen từ vụ “Tập đoàn Nam Long“: Kẽ hở pháp lý

Ngày đăng : 14:31, 30/11/2018

Với hệ thống tín dụng đen trên cả nước làm rất bài bản, nên nhiều người nhầm tưởng đây là một tổ chức tín dụng đàng hoàng nên cứ thế ký vay.

Như VOV đã thông tin về việc Công an tỉnh Thanh Hóa vừa phối hợp với Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an triệt phá một tổ chức tín dụng đen chuyên cho vay nặng lãi với tính chất phức tạp và quy mô lớn. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra là bằng cách thức và thủ đoạn thế nào các đối tượng đã hoạt động và qua mặt cơ quan chức năng cũng như người dân. Phóng viên VOV phỏng vấn Đại tá Khương Duy Oanh, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát Điều tra về nội dung này.

PV: Thưa ông, với tính chất nghiêm trọng và quy mô phạm tội của các đối tượng rất rộng lớn, Cơ quan điều tra đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nào?

Đại tá Khương Duy Oanh: Đây là vụ án được phát hiện với quy mô và tính chất phức tạp nhất từ trước đến nay. Chính vì thế, công tác tổ chức điều tra gặp nhiều khó khăn, nhất là quy mô địa bàn với 26 chi nhánh liên quan đến 63 tỉnh, thành phố.

Chính vì vậy, Bộ Công an đã triệu tập Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát Điều tra và Phòng cảnh sát Hình sự hầu hết Công an các tỉnh, thành phố trong cả nước về họp ở Hà Nội để giao nhiệm vụ, phối hợp với Cục cảnh sát Hình sự và Công an Thanh Hóa để điều tra làm rõ. Sau 4 tháng, đến giờ mới đi được hơn 1 nửa đoạn đường, trước mắt còn nhiều khó khăn.

tin dung den tu vu
Các đối tượng trong đường dây tín dụng đen dưới danh nghĩa "Tập đoàn Nam Long)

PV: Là người trực tiếp tham gia chỉ đạo, phá án, ông đánh giá thế nào về thủ đoạn của các đối tượng trong vụ án này?

Đại tá Khương Duy Oanh: Tất cả nhân viên thu hồi nợ được trang bị một hệ thống kiến thức để ru ngủ người vay khi lập hồ sơ và thuyết phục người vay, nhưng người ta không hiểu với số lãi và cách thức trả nợ  nên thậm chí có người mất nhà như ở Lạng Sơn và Cà Mau.

Nếu như các đối tượng ở công ty tài chính thường xăm trổ, bặm trợn, dọa nạt dân thì số đối tượng tiếp cận với khách hàng rất đàng hoàng, thuyết phục, trường hợp khách hàng chống đối, chây ì nợ thì có cách thuyết phục dọa viết đơn tố cáo lên công an về hành vi lạm dụng tín nhiệm, theo luật pháp.

Bên cạnh đó, các đối tượng vẫn sử dụng đồng bộ một số trường hợp bạo lực để cưỡng đoạt tài sản như ở Cà Mau và Lạng Sơn. Chính vì vậy, nhiều khách hàng trong số 200 khách hàng chúng tôi đã điều tra, cứ đến tháng là chuyển khoản vào người quản lý khu vực rồi chuyển về trung tâm của công ty.

PV: Từ“Tập đoàn Nam Long” ông đánh giá thế nào về những hệ lụy của tín dụng đen đối với xã hội?

Đại tá Khương Duy Oanh: Hiện nay ở Việt Nam tồn tại ở 2 dạng thức. Một là trước khi có Nghị định 39 của Chính phủ thì tồn tại dưới dạng cầm đồ, nhưng cầm đồ nằm trong danh mục theo Nghị định 96 của Chính phủ, cơ quan công an quản lý cái này.

Hai là, khi ban hành Nghị định 39 của Chính phủ về công ty tài chính trên cơ sở luật tổ chức tín dụng thì công ty tài chính này, điều kiện tổ chức cho vay, đặc biệt là cho vay dân dụng rất rộng rãi.

Với 2 dạng thức như vậy tạo ra một tình trạng đòi nợ thuê, ném chất bẩn, sử dụng bạo lực, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật, thậm chí gây thương tích, chết người. Sự khác biệt của tổ chức tín dụng này là núp bóng doanh nghiệp, gọi là Nam Long Group và thậm chí đúng nghĩa là tập đoàn.

Mô hình cấu trúc công ty bài bản từ Chủ tịch Hội đồng quản trị đến Giám đốc, đến hệ thống quản lý nhân sự, quản lý khách hàng và dịch vụ tư vấn. Chính vì vậy, phương thức thủ đoạn, khả năng xây dựng quản trị một hệ thống tín dụng đen trên cả nước làm rất bài bản, nhiều người nhầm tưởng đây là một tổ chức tín dụng đàng hoàng nên cứ thế ký vay thôi.

PV: Như ông đã nói, trong quá trình đấu tranh đã phát hiện những tồn tại, thiếu sót, sơ hở trong quản lý nhà nước, nhất là lĩnh vực thuế, ngân hàng. Vậy ông có kiến nghị gì về vấn đề này?

Đại tá Khương Duy Oanh: Công ty tài chính được thành lập theo Nghị định 39 như ở Thanh Hóa hiện nay là có 144 công ty và khoảng 156 chi nhánh. Công ty tài chính này thực hiện theo Nghị định 39 của Chính phủ và luật tổ chức tín dụng, chức năng quản lý Nhà nước là của Ngân hàng Nhà nước.

Vấn đề đặt ra là hầu hết các công ty này trốn thuế. Như vậy có kẽ hở trong quản lý Nhà nước về ngân hàng và kẽ hở về thuế. Rất nhiều trong 47 công ty tài chính ở thành phố Thanh Hóa bị kiểm tra và thu hồi giấy phép kinh doanh vì trốn thuế, vì vi phạm điều kiện kinh doanh. Đây là cách để chúng ta bịt kín kẽ hở trong quản lý Nhà nước mà đối tượng lợi dụng để hoạt động tín dụng đen.

Theo quy định của Bộ luật Hình sự, khung pháp lý cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự có 2 khung, khung cao nhất là 3 năm thì đồng nghĩa với việc rất khó khăn trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn.

Chúng tôi thấy là khung hình phạt này chưa đủ sức giáo dục phòng ngừa, răn đe đối tượng phạm tội. Trong điều kiện xã hội hiện tại như Việt Nam, hoạt động tín dụng đen như vậy cần có chế tài hình sự mạnh hơn, rõ hơn và rộng hơn, đủ điều kiện để phòng ngừa, ngăn chặn, đặc biệt là xử lý các đối tượng phạm tội.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!.    

Theo VOV