TAND tối cao hướng dẫn về giải quyết trường hợp rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự

Ngày đăng : 14:34, 27/11/2018

(Kiemsat.vn) - Vừa qua, TAND tối cao đã ban hành Công văn số 254/TANDTC-PC ngày 26/11/2018 hướng dẫn về việc người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu theo quy định tại Điều 155 Bộ luật TTHS.

Thực tế thời gian qua, TAND tối cao nhận được phản ánh của một số Tòa án về trường hợp vụ án đã được khởi tố theo yêu cầu của người bị hại nhưng người đã yêu cầu khởi tố rút lại yêu cầu theo quy định tại Điều 155 BLTTHS. Sau khi xin ý kiến các thành viên Hội đồng Thẩm phán và trao đổi với VKSND tối cao về trường hợp rút yêu cầu khởi tố vụ án hình sự, TAND tối cao có hướng dẫn như sau:

Ảnh minh họa (Internet)

Theo quy định tại khoản 2 Điều 155 của Bộ luật TTHS thì: “Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu thì vụ án phải được đình chỉ, trừ trường hợp có căn cứ xác định người đã yêu cầu rút yêu cầu khởi tố trái với ý muốn của họ do bị ép buộc, cưỡng bức thì tuy người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án vẫn tiếp tục tiến hành tố tụng đối với vụ án”. Khác với khoản 2 Điều 105 BLTTHS năm 2003, Bộ luật TTHS năm 2015 đã không giới hạn về thời điểm mà người đã yêu cầu khởi tố rút yêu cầu. Do đó, tùy từng trường hợp cụ thể mà các Tòa án giải quyết như sau:

Tại giai đoạn xét xử sơ thẩm: Người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu trước ngày mở phiên tòa sơ thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa căn cứ vào Điều 45, điểm a khoản 1 Điều 282 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án;

+ Trường hợp người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu tại phiên tòa thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155, Điều 299 của Bộ luật Tố tụng hình sự ra quyết định đình chỉ vụ án;

+ Trường hợp sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm vẫn còn thời hạn kháng cáo, kháng nghị mà người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Tòa án phải hướng dẫn họ làm đơn kháng cáo để Tòa án cấp phúc phẩm xem xét giải quyết việc rút yêu cầu theo thủ tục phúc thẩm.

Tại giai đoạn xét xử phúc thẩm: Trường hợp có kháng cáo, kháng nghị mà tại giai đoạn xét xử phúc thẩm người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu thì Hội đồng xét xử hoặc Thẩm phán chủ tọa phiên tòa xét xử theo thủ tục rút gọn căn cứ vào khoản 2 Điều 155 và Điều 359 của Bộ luật TTHS hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án. Trong bản án phúc thẩm, Tòa án phải nhận định rõ lý do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án là do người đã yêu cầu khởi tố vụ án hình sự rút yêu cầu, không phải do lỗi của Tòa án cấp sơ thẩm.

 

Xem toàn bộ Công văn tại đây

Xem thêm >>>

Khiếu nại quyết định không khởi tố vụ án hình sự ở đâu?

Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của bị hại

Ngân Hà