Bản tin Kiểm sát ngày 24/11
Ngày đăng : 11:41, 24/11/2018
* Trong khuôn khổ hoạt động của Đoàn đại biểu Bộ Tư pháp Nhật Bản sang thăm và làm việc tại Việt Nam, ngày 22/11/2017, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề về “Những thay đổi của pháp luật tư pháp hình sự Nhật Bản; xu hướng phạm tội tham nhũng và các phương thức đấu tranh chống tham nhũng hiệu quả”.
Khách mời hội thảo có đại biểu Bộ tư pháp và tổ chức JICA Nhật Bản do ông Takeshi Seto, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng ngừa tội phạm và xử lý người phạm tội khu vực Châu Á - Viễn Đông của Liên Hiệp quốc đứng đầu; các Vụ nghiệp vụ của VKSND tối cao cùng tập thể cán bộ giảng viên nhà trường. Đồng chí Nguyễn Công Sinh, Phó hiệu trưởng nhà trường chủ trì hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo |
Tại hội thảo, chuyên gia của Bộ Tư pháp Nhật Bản trình bày các nội dung đánh giá xu hướng tội phạm tham nhũng và các phương thức đấu tranh hiệu quả chống tham nhũng; giới thiệu Hội nghị của Liên Hiệp Quốc về phòng chống tội phạm về tư pháp hình sự lần thứ 14 sẽ tổ chức tại Kyoto Nhật Bản vào năm 2020.
Đại diện Bộ tư pháp Nhật Bản cũng truyền đạt những thay đổi của Luật hình sự và Tố tụng hình sự của Nhật trong chiều dài lịch sử của quốc gia này, trong đó tập trung chủ yếu vào kinh nghiệm xây dựng pháp luật và các điểm tiến bộ được vận dụng sau các lần chỉnh sửa luật.
Qua phân tích trao đổi, các đại biểu tham dự, nhất là đội ngũ cán bộ, giảng viên của nhà trường đã tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích trong xây dựng pháp luật cùng điểm nhìn đa chiều trong áp dụng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng từ đất nước bạn, làm cơ sở để tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác giảng dạy.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Phó Hiệu trưởng Trần Công Sinh thay mặt Trường đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm sát tại TP Hồ Chí Minh gởi lời cảm ơn chân thành đến các chuyên gia của dự án Bộ Tư pháp và tổ chức JICA Nhật Bản đã giới thiệu nhiều kiến thức quý báu về pháp luật hình sự Nhật Bản tại buổi hội thảo lần này.
Đồng chí Phó Hiệu trưởng cũng mong muốn trong tương lai sẽ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ tích cực toàn diện của Bộ tư pháp Nhật Bản và dự án JICA đối với các chương trình hợp tác đã đề ra với VKSNDTC Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực hợp tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ giảng viên nhà trường, làm cơ sở để phát triễn và củng cố mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai quốc gia Việt Nam - Nhật Bản vốn được dày công vun đắp trong thời gian vừa qua.
Việt An - Trí Phương
* Vừa qua, VKSND tỉnh Hà Giang tổ chức Lễ ký kết Quy chế phối hợp trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố giữa Viện kiểm sát - Công an - Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng - Cục Hải quan - Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Giang. Đồng chí Đặng Bình Giang, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang chủ trì buổi lễ ký kết. Tham gia buổi lễ có các đồng chí lãnh đạo của 05 cơ quan tham gia ký kết và các phòng nghiệp vụ trực thuộc.
Thông qua việc ký kết Quy chế phối hợp này các các quan sẽ phối hợp tốt hơn trong công tác tiếp nhận, giải quyết, quản lý đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố do các nguồn thông tin chuyển đến, đồng thời việc tiếp nhận và phân loại nguồn tin được đảm bảo kịp thời và đúng thẩm quyền.
Đại diện Lãnh đạo các đơn vị ký Quy chế |
Quy chế gồm 05 Chương, 15 Điều quy định cơ bản về nguyên tắc, nội dung, hình thức, thời hạn, trách nhiệm, chế độ thông tin báo cáo của các bên tham gia ký kết trong công tác tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang theo Chỉ thị số 28-CT/TU ngày 28/8/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “tăng cường lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc xử lý, kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”; quy định của Bộ luật tố tụng hình sự 2015; Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017. Qua đó, nhằm nâng cao chất lượng trong công tác phối hợp tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Hà Giang
Vũ Thị Minh
VKSND tỉnh Hà Giang
* Nhằm tăng cường công tác phối hợp của các cơ quan tiến hành tố tụng và nâng cao hiệu quả trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm trên trên địa bàn, sáng 22/11/2018, VKSND Quận 11 tham mưu cho Quận ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân Quận 11 tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng giải quyết tố giác, tin báo tội phạm về hành vi Cố ý gây thương tích trên địa bàn Quận 11”.
Thay mặt VKSND Quận 11, Phó Viện trưởng Lê Hữu Đức trình bày báo cáo chuyên đề. Chuyên đề đã đánh giá thực trạng công tác kiểm sát việc thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố, đánh giá những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế để tìm ra nguyên nhân và đề ra giải pháp nhằm góp phần nâng cao chất lượng công tác này trong thời gian tới.
Hội nghị cũng lần lượt nghe các báo cáo tham luận của các đơn vị: Đội Điều tra Tổng hợp công an Quận 11, Công an Phường 4, 5, về những ưu điểm, hạn chế và các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác việc giải quyết tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố đối với hành vi Cố ý gây thương tích trên địa bàn Quận 11.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Huỳnh Thị Hon - Phó Viện trưởng Viện KSND thành phố Hồ Chí Minh đánh giá cao về việc Viện kiểm sát nhân dân Quận 11 đã tổ chức hội nghị chuyên đề với nội dung cụ thể, có đầu tư nghiên cứu để phục vụ tình tình chính trị tại địa phương.
Đồng chí lưu ý qua hội nghị lần này các đơn vị có liên quan phải tăng cường nghiên cứu những điểm mới của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự để thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết tố giác tin báo về hành vi cố ý gây thương tích; Viện kiểm sát nhân dân quận 11 cần chú trọng công tác tự đào tạo bên cạnh việc tham gia các lớp đào tạo do ngành tổ chức và tăng cường mối quan hệ phối hợp với Cơ quan điều tra, cũng như có giải pháp khắc phục việc các Kiểm sát viên, Điều tra viên chưa thường xuyên trao đổi nghiệp vụ thông tin qua lại để kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc trong xử lý tin báo tin báo trên địa bàn.
Đỗ Hoàng Hảo
VKSND Quận 11
* Vừa qua, tại Hội trường làng Tào Kuk, xã Ia Pal, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai, Chi đoàn khối Nội chính gồm: Viện kiểm sát nhân dân - Tòa án nhân dân - Chi cục thuế huyện Chư Sê phối hợp với Huyện đoàn huyện Chư Sê, Đoàn xã Ia Pal, Ủy ban nhân dân xã Ia Pal và Đoàn Công an huyện Chư Sê... tổ chức phiên tòa giả định vụ án: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” theo quy định tại Điều 260 Bộ luật hình sự.
Trong thời gian qua tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Chư Sê ngày càng gia tăng về số vụ án, bị can, các đối tượng phạm tội có chiều hướng ngày càng trẻ hóa, mức độ phạm tội ngày càng nghiêm trọng nhất là các vụ án Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (xảy ra 20 vụ làm 20 người chết, 07 người bị thương…). Nguyên nhân chính của tình hình tai nạn giao thông là hầu hết không có giấy phép lái xe mô tô theo quy định, điều khiển xe mô tô thiếu chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ, chở người quá quy định… Để ngăn ngừa tội phạm ở lĩnh vực này trước hết là do ý thức của người tham gia giao thông đường bộ. Ngoài ra cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trên địa bàn huyện thì đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ của gia đình, chính quyền địa phương và xã hội trong việc quản lý, giáo dục, tuyên truyền pháp luật tới quần chúng nhân dân trên địa bàn huyện nói chung và đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng thì tình hình tai nạn giao thông sẽ thuyên giảm đáng kể.
Toàn cảnh phiên tòa giả định |
Tham gia phiên tòa có các đồng chí Lãnh đạo các cơ quan tiến hành tố tụng, đoàn thành niên, các ban, ngành có liên quan và hơn 150 người dân ở làng Tào Kuk, xã Ia Pal, huyện Chư Sê. Qua phiên tòa giả định đã góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật tới quần chúng nhân dân tại làng Tào Kuk, xã Ia Pal, huyện Chư Sê.
Đây là mô hình tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt hiệu quả cao, cần được nhân rộng, vì vậy, với tính giáo dục cao, Chi Đoàn Khối Nội chính nói chung và Viện kiểm sát nhân dân huyện Chư Sê sẽ tiếp tục phối hợp với xã trên địa bàn huyện tổ chức nhiều phiên tòa giả định nữa để nâng cao nhận thức pháp luật và phục vụ tốt hơn tình hình an ninh, chính trị trên địa bàn huyện Chư Sê./.
Trần Thế Băng
VKSND huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai
* VKSND thị xã Ayun Pa, Gia Lai chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Lễ ký kết các quy chế phối hợp liên ngành trong công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố; giải quyết án hình sự; tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự.
Dự buổi lễ có đại diện thường trực thị ủy Ayun Pa là đồng chí Ksor Vinh, Phó Bí Thư thường trực Thị Ủy Ayun Pa, cùng các đồng chí Lãnh đạo đại diện các cơ quan: Tòa án nhân dân thị xã; Cơ quan cảnh sát điều tra Công an thị xã; Cơ quan thi hành án hình sự - Nhà tạm giữ Công an thị xã ; Hạt kiểm lâm thị xã; Đội quản lý thị trường số 06; Thanh tra thị xã; Chi cục thuế thị xã và cùng tập thể lãnh đạo, kiểm sát viên Viện kiểm sát thị xã Ayun Pa, Gia Lai.
Quy chế tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm 04 chương, 21 điều; Quy chế giải quyết các vụ án hình sự gồm 04 chương, 40 điều và Quy chế tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự gồm 03 chương, 13 điều. Các quy chế thể hiện rõ đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, trách nhiệm và phương thức trong quan hệ phối hợp giữa các cơ quan liên quan, làm cơ sở để các cơ quan hữu quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo đúng quy định của các đạo luật mới về tư pháp, từ đó nâng cao chất lượng công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, chống oan – sai, bỏ lọt tội phạm, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
Trần Ngọc Anh
VKSND thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai
* Những năm gần đây, với tư cách là thành viên Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp huyện, VKSND huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông đã tích cực tham gia vào mọi hoạt động chỉ đạo giải quyết án hình sự, vụ việc dân sự, thi hành án, tạm giữ, tạm giam… tại địa phương. Sau khi Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp được kiện toàn, VKSND huyện đã chủ động tham mưu ban hành Quy chế làm việc của Ban (kèm theo Quyết định số 87-QĐ/HU ngày 15 tháng 6 năm 2016 của Ban Thường vụ Huyện ủy). Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo đi vào hoạt động ổn định thành nền nếp. Hàng năm, Viện kiểm sát đã tích cực tham gia xây dựng Chương trình làm việc, có các văn bản chỉ đạo một số lĩnh vực tư pháp, giao ban qúy, sơ kết, tổng kết công tác của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp huyện.
Vừa qua, Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo tổ chức kiểm tra công tác Cải cách tư pháp về tạm giữ, tạm giam tại Công an huyện Tuy Đức. Sau khi nghe báo cáo của Đảng ủy Công an huyện về lãnh đạo, chỉ đạo việc tạm giữ, tạm giam và báo cáo của Cơ quan THAHS về công tác quản lý tạm giữ, tạm giam, Đoàn đã tiến hành xem sổ sách, một số hồ sơ thụ lý và kiểm tra thực tế tại Nhà tạm giữ.
Đồng chí Nguyễn Công Trường, Viện trưởng VKSND huyện, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, Phó Trưởng Đoàn kết luận sơ bộ về hoạt động tại Nhà tạm giữ |
Cuộc kiểm tra đã kết thúc đạt kết quả tốt, thay mặt Ban Thường vụ Đảng ủy Công an huyện Tuy Đức, đồng chí Dương Danh Quế - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Công an huyện phát biểu tiếp thu kết luận của Đoàn và hứa sẽ tăng cường hơn nữa việc lãnh đạo công tác tạm giữ, tạm giam theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Nhà tạm giữ Công an huyện sẽ phát huy ưu điểm, củng cố khắc phục hạn chế, thiếu sót nhằm đưa công tác tạm giữ, tạm giam đi vào hoạt động ngày càng tốt hơn, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.
Nguyễn Thị Văn
* Thực hiện Kế hoạch công tác năm 2018 của VKSND tỉnh Vĩnh Phúc, vừa qua Phòng 12 đã tiến hành rà soát đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc. Trong thời điểm rà soát, Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc đã tiếp nhận 04 đơn/04 việc khiếu nại và 10 đơn/10 việc tố cáo thuộc thẩm quyền, trong đó đã giải quyết 12 đơn/12 việc khiếu nại, tố cáo; còn tồn 02 đơn/02 việc tố cáo, trong hạn luật định.
Nhìn chung, qua rà soát nhận thấy việc giải quyết khiếu nại, tố cáo tại Cục THADS đã được giải quyết kịp thời, đúng thời hạn; quá trình tiếp nhận, giải quyết đơn theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên còn một số tồn tại, thiếu sót như 04 hồ sơ giải quyết khiếu nại đều không có đề xuất xin ý kiến xử lý đơn của cán bộ tiếp nhận thụ lý đơn trình lãnh đạo phê duyệt; đối với hồ sơ giải quyết khiếu nại của Công ty Duy An thì chậm giao quyết định giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
Nguyên nhân chủ yếu là do đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động thi hành án dân sự ngày càng tăng về số lượng và tính chất phức tạp, trong khi lực lượng chấp hành viên còn thiếu, phải tập trung giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, nên có phần ảnh hưởng đến công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; ngoài ra lực lượng cán bộ làm công tác tiếp nhận, phân loại và xử lý đơn, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp còn phải kiêm nhiệm cả khâu công tác khác về thi hành án dân sự, nên việc nghiên cứu, vận dụng các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thi hành án dân sự còn có phần hạn chế.
Qua đó, VKSND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kiến nghị, yêu cầu Cục THADS tỉnh Vĩnh Phúc khắc phục những vi phạm trên, đề nghị chỉ đạo cán bộ được phân công giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo phải có báo cáo đề xuất lãnh đạo hướng giải quyết đơn bằng văn bản để lãnh đạo duyệt, gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho người bị khiếu nại biết trong thời hạn 03 ngày theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền lợi cho người khiếu nại; đồng thời tổ chức rút kinh nghiệm đối với cán bộ được phân công tiếp nhận, thụ lý, giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, tiếp tục quán triệt tới cán bộ thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được hiệu quả, tránh tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài.
Nguyễn Tuyết
VKSND Vĩnh Phúc