Kinh nghiệm kiến nghị xử lý vi phạm qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự

Ngày đăng : 08:44, 22/11/2018

(Kiemsat.vn) - Qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự thời gian qua, VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã rút ra một số kinh nghiệm về quy trình, kỹ năng phát hiện, xử lý vi phạm trong công tác kiểm sát này.

Qua công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự “Kiện đòi lại tài sản” giữa nguyên đơn ông Đậu Xuân Ninh với bị đơn bà Nguyễn Thị Thìn (vụ án thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa theo quy định của pháp luật), trong thời hạn 15 ngày nghiên cứu hồ sơ trước khi Tòa án đưa vụ án ra xét xử, VKSND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai đã phát hiện nhiều dạng vi phạm của Tòa án về nội dung, về việc thu thập, đánh giá chứng cứ trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án này, cụ thể như sau:

(1). Xác định quan hệ pháp luật không đúng: Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải trả 458 m2 đất, đây là “tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai” được quy định tại Khoản 9, Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự nhưng Tòa án lại xác định quan hệ pháp luật là “Kiện đòi lại tài sản” là không đúng quy định của pháp luật.

(2). Việc xác định và thu tiền tạm ứng án phí không đúng: Qua kết quả định giá tài sản, đã xác định được tài sản hai bên đương sự tranh chấp có giá trị 232.740.000 đồng, tương ứng với số tiền tạm ứng án phí nguyên đơn phải nộp là 5.818.500 đồng. Thời điểm thụ lý vụ án, Tòa án mới tạm tính và nguyên đơn đã nộp số tiền tạm ứng án phí là 2.500.000 đồng. Tuy nhiên, Tòa án không thông báo và không buộc nguyên đơn phải nộp bổ sung thêm 3.318.500 đồng tiền tạm ứng án phí tương ứng với giá trị tài sản tranh chấp nhưng vẫn tiếp tục giải quyết toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng quy định của pháp luật về nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí tại Điều 146 BLTTDS và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí và lệ phí Tòa án.

(3). Biên bản hòa giải còn sai sót, nhầm lẫn về họ tên Thẩm phán chủ trì phiên hòa giải và Thẩm phán ký biên bản hòa giải.

(4). Thu thập, đánh giá chứng cứ không đầy đủ, còn có nhiều nội dung mâu thuẫn chưa được làm rõ nên chưa đủ cơ sở để giải quyết vụ án một cách triệt để và toàn diện: Liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất và việc hòa giải tranh chấp giữa hai bên tại Ủy ban nhân dân cấp xã còn có nhiều người khác biết về sự việc nhưng Tòa án không đưa những người này vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng để làm rõ nhiều nội dung về việc chuyển nhượng đất, nguồn gốc đất tranh chấp, ranh giới, tứ cận, diện tích thực tế các bên sang nhượng cụ thể thế nào; Tòa án không yêu cầu đương sự cung cấp giấy tờ cần thiết theo quy định tại Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ để xác định việc sử dụng đất là hợp pháp, ổn định trong thời gian dài; quá trình sử dụng đất có sự biến động, chuyển nhượng qua nhiều chủ nhưng chưa xác định rõ ràng chuyển nhương phần nào, vị trí, tứ cận và lời khai của các bên về những nội dung này còn nhiều mâu thuẫn nhưng chưa được làm rõ một cách triệt để và việc tổ chức đối chất của Tòa án còn chung chung, không xác định, thể hiện rõ ai đối chất với ai và để làm rõ nội dung gì..., là chưa có đầy đủ cơ sở để kết luận về sự thật khách quan của vụ án.

Qua đó, Kiểm sát viên đã kịp thời tham mưu Lãnh đạo VKSND huyện Kbang ban hành Kiến nghị số 01/KN-VKS ngày 08/01/2018, yêu cầu Tòa án khắc phục ngay các dạng vi phạm nêu trên, bảo đảm việc giải quyết vụ án dân sự kịp thời, đúng pháp luật. Đồng thời, VKSND huyện Kbang rút ra một số kinh nghiệm về Quy trình, kỹ năng phát hiện, xử lý vi phạm trong công tác kiểm sát giải quyết vụ án dân sự, cụ thể như sau:

1. Thời điểm tập trung kiểm sát để phát hiện vi phạm: 15 ngày nghiên cứu hồ sơ trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử (thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án do Tòa án chuyển để Viện kiểm sát nghiên cứu tham gia phiên tòa). Ngoài việc kiểm sát các văn bản tố tụng đã nhận được từ khi Tòa án thụ lý vụ án, Kiểm sát viên đã chú trọng xác định thời điểm trọng tâm để tập trung kiểm sát, phát hiện vi phạm của Tòa án là 15 ngày nghiên cứu hồ sơ trước khi Tòa án mở phiên tòa xét xử; đồng thời thực hiện tốt công tác nghiên cứu hồ sơ vụ án và đã phát hiện nhiều vi phạm của Tòa án trước khi đưa vụ án ra xét xử.

2. Nội dung tập trung kiểm sát, phát hiện vi phạm: Những nội dung trọng tâm mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã tập trung kiểm sát để làm rõ vi phạm, gồm:

- Đối tượng tranh chấp, quan hệ pháp luật;

- Nội dung, phạm vi yêu cầu khởi kiện của đương sự;

- Việc thu, nộp tiền tạm ứng án phí;

- Việc xác định đương sự trong vụ án, những người tham gia tố tụng khác và quyết định đưa họ vào tham gia tố tụng để đảm bảo đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự;

- Việc giao nộp, thu thập, đánh giá chứng cứ; việc hòa giải và áp dụng pháp luật: Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã phát hiện nhiều nội dung còn mâu thuẫn, chưa được làm rõ và chưa đủ cơ sở để xác định giá trị pháp lý của chứng cứ nhưng chưa được Tòa án làm rõ...

3. Quy trình, kỹ năng xử lý vi phạm: Ngay khi phát hiện vi phạm như đã nêu ở trên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã có những bước triển khai xử lý như sau:

Bước 1: Tổng hợp vi phạm. Kiểm sát viên tổng hợp ngay các dạng vi phạm, chuẩn bị tài liệu, căn cứ pháp luật kèm theo để chứng minh vi phạm đã phát hiện (Trong đó phân loại cụ thể các dạng vi phạm nào là điển hình, nghiêm trọng và dạng vi phạm nào là thiếu sót, không nghiêm trọng).

Bước 2: Báo cáo đề xuất. Làm Báo cáo đề xuất đường lối xử lý ngay những vi phạm đã phát hiện. Trong đó, phân tích cụ thể các đạng vi phạm, viện dẫn tài liệu, căn cứ pháp lý và đề xuất ban hành ngay Kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm trước khi đưa vụ án ra xét xử.

Báo cáo này được chuyển tới Phó Viện trưởng phụ trách công tác kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự của đơn vị để thẩm định, cho ý kiến chỉ đạo.

Bước 3: Phó Viện trưởng phụ trách thẩm định, đánh giá, cho ý kiến chỉ đạo. Trên cơ sở đề xuất của Kiểm sát viên, Phó Viện trưởng phụ trách thẩm định lại nội dung đề xuất. Xét thấy những nội dung vi phạm của Tòa án do Kiểm sát viên đã phát hiện và đề xuất xử lý là có căn cứ và vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, cần xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang, Phó Viện trưởng phụ trách đã báo cáo toàn bộ nội dung vụ án, đề xuất của Kiểm sát viên và xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng.

Bước 4: Viện trưởng thẩm định, đánh giá, cho ý kiến chỉ đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang xem xét, thẩm định lại nội dung, đề xuất của Phó Viện trưởng và Kiểm sát viên. Xét thấy, vụ việc có nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, để có biện pháp xử lý toàn diện, đúng quy định của pháp luật, cần thiết phải đưa ra bàn bạc, cho ý kiến tại cuộc họp tập thể Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang, nhằm phát huy tối đa trí tuệ của tập thể. Viện trưởng đã Quyết định đưa vụ án ra bàn bạc, thảo luận dân chủ, công khai tại cuộc họp tập thể Lãnh đạo Viện để cho ý kiến chỉ đạo trên cơ sở đề xuất của Kiểm sát viên và Phó Viện trưởng phụ trách.

Qua báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên và kết quả thảo luận trong tập thể Lãnh đạo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã chỉ đạo cần thiết phải ban hành ngay văn bản Kiến nghị yêu cầu Tòa án khắc phục vi phạm để bảo đảm vụ án được giải quyết triệt để, khách quan và đúng pháp luật. 

Bước 5: Dự thảo văn bản Kiến nghị, thẩm định và ký ban hành. Sau khi có ý kiến của tập thể Lãnh đạo Viện và Quyết định của Viện trưởng, Kiểm sát viên xây dựng ngay dự thảo văn bản Kiến nghị, trình Phó Viện trưởng phụ trách thẩm định và trình Viện trưởng thẩm định, cho ý kiến. Sau đó, hoàn chỉnh văn bản theo ý kiến chỉ đạo, trình Lãnh đạo Viện ký ban hành (Kiến nghị số 01/KN-VKS ngày 08/01/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang).

VKSND huyện Kbang đạt giải khuyến khích Cuộc thi “Chúng tôi là Kiểm sát viên” năm 2018, tìm hiểu về Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng dân sự

4. Về hiệu quả: Sau khi nhận được Kiến nghị của VKSND huyện Kbang, TAND huyện Kbang đã kiểm tra lại toàn bộ quá trình giải quyết vụ án và quyết định hoãn phiên tòa (trước đó đã quyết định xét xử vào ngày 25/01/2018) để xem xét, làm rõ những nội dung chưa được làm rõ và khắc phục những vi phạm, thiếu sót như Viện kiểm sát nhân dân huyện Kbang đã nêu trong kiến nghị.

TAND huyện Kbang đã có Công văn số 01 ngày 15/3/2018 trả lời, tiếp thu Kiến nghị số 01/KN-VKS ngày 08/01/2018 của VKSND huyện Kbang và đã nghiêm túc khắc phục các thiếu sót, vi phạm, đồng thời có trao đổi lại với Viện kiểm sát để có biện pháp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ, chứng cứ, bảo đảm giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định của pháp luật.

VKSND tỉnh Gia Lai đã có văn bản thông báo và nhân rộng Quy trình nêu trên của VKSND huyện Kbang tới tất cả các đơn vị cấp huyện trong toàn tỉnh để cùng tham khảo, nghiên cứu, vận dụng tại địa phương, đơn vị mình, góp phần nâng cao chất lượng công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác đột phá năm 2018./.

Nguyễn Thành Duy

Theo VKSND tỉnh Gia Lai