Kiểm sát viên có quyền triệu tập người làm chứng không?

Ngày đăng : 20:51, 20/11/2018

(Kiemsat.vn) - Tôi nhận được giấy triệu tập của Kiểm sát viên Viện kiểm sát quận để làm chứng cho vụ đánh người gây thương tích. Do sợ trả thù nên tôi không muốn ra làm chứng, vậy tôi có nhất thiết phải đến không và Kiểm sát viên có quyền triệu tập tôi không?

Ảnh minh họa

Vấn đề bạn hỏi, chúng tôi trả lời như sau:

Theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 66 BLTTHS năm 2015 thì một trong những nghĩa vụ của người làm chứng là phải có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Trường hợp cố ý vắng mặt mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử thì có thể bị dẫn giải.

Thẩm quyền ra quyết định, thủ tục thi hành quyết định dẫn giải người làm chứng của Kiểm sát viên được quy định tại điểm h khoản 1 Điều 42 và Điều 127 BLTTHS năm 2015: ...: “Quyết định áp giải người bị bắt, bị can; quyết định dẫn giải người làm chứng, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, bị hại; quyết định giao người dưới 18 tuổi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giám sát; quyết định thay đổi người giám sát người dưới 18 tuổi phạm tội”

Tại Điều 127 BLTTHS năm 2015 quy định:

...

2. Dẫn giải có thể áp dụng đối với:

a) Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

b) Người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;

c) Người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố mà qua kiểm tra, xác minh có đủ căn cứ xác định người đó liên quan đến hành vi phạm tội được khởi tố vụ án, đã được triệu tập mà vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.

3. Điều tra viên, cấp trưởng của cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Kiểm sát viên, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa, Hội đồng xét xử có quyền ra quyết định áp giải, dẫn giải.

4. Quyết định áp giải, quyết định dẫn giải phải ghi rõ họ tên, ngày, tháng, năm sinh, nơi cư trú của người bị áp giải, dẫn giải; thời gian, địa điểm người bị áp giải, dẫn giải phải có mặt và các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 132 của Bộ luật này.

5. Người thi hành quyết định áp giải, dẫn giải phải đọc, giải thích quyết định và lập biên bản về việc áp giải, dẫn giải theo quy định tại Điều 133 của Bộ luật này.

Cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân có thẩm quyền có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định áp giải, dẫn giải.

6. Không được bắt đầu việc áp giải, dẫn giải người vào ban đêm; không được áp giải, dẫn giải người già yếu, người bị bệnh nặng có xác nhận của cơ quan y tế.”

Với các quy định trên, thì Kiểm sát viên của Viện kiểm sát cấp quận có quyền ra quyết định dẫn giải Người làm chứng trong trường hợp họ không có mặt theo giấy triệu tập mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan. Công an huyện có trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định dẫn giải của Kiểm sát viên Viện kiểm sát huyện.

Vì vậy, khi nhận được giấy triệu tập của Kiểm sát viên, bạn phải có mặt theo giấy triệu tập. Trường hợp không có mặt thì bạn có thể bị dẫn giải, trừ trường hợp bạn chứng minh được việc mình không có mặt theo giấy triệu tập là vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan.

Xem thêm>>>

Không được dẫn giải người chưa thành niên đến Tòa dân sự làm chứng

Kỹ năng kiểm sát lấy lời khai người làm chứng

 

Nguyễn Cường