Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi): Chưa bổ sung quy định xử lý tài sản không rõ nguồn gốc
Ngày đăng : 13:41, 20/11/2018
Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) gồm 10 chương với 96 điều, quy định về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; xử lý tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng.
Luật nêu rõ các hành vi tham nhũng. Cụ thể, các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, bao gồm: Tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Luật cũng quy định các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có hành vi: Đe dọa, trả thù, trù dập, tiết lộ thông tin về người phản ánh, báo cáo, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng, người cung cấp thông tin về tham nhũng. Lợi dụng việc phản ánh, báo cáo, cung cấp thông tin, tố cáo, tố giác, báo tin về hành vi tham nhũng để vu khống cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác. Bao che hành vi tham nhũng; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc phát hiện, xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng quy định tại khoản 1 Điều 94 của Luật này.
Về cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, Điều 30 của Luật quy định: Giao cho Thanh tra Chính phủ kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh kiểm soát tài sản, thu nhập của những người kê khai còn lại công tác tại Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhà nước; các cơ quan khác và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội kiểm soát tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai công tác tại cơ quan, tổ chức mình.
Liên quan đến đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng, Luật quy định, trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSND tối cao có đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong VKSND tối cao do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định. Tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng trong Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an do Chính phủ quy định.
Về người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập Điều 34 của Luật quy định gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; người giữ chức vụ từ phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND.
Chưa có phương án xử lý tài sản bất minh
Một trong những vấn đề được quan tâm nhất tại dự thảo Luật lần này là phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc.
Tại tất cả các phiên thảo luận về nội dung này, ý kiến các vị ĐBQH, các cơ quan hữu quan còn rất khác nhau và phân tán. Theo phiếu thăm dò ý kiến các ĐBQH về nội dung này, có 209/456 ý kiến đại biểu, chiếm 43,09% tổng số ĐBQH tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án; 156/456 ý kiến đại biểu, chiếm 32,16% tổng số ĐBQH tán thành với phương án thu thuế; 40 ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện hành và 51 đại biểu không thể hiện chính kiến hoặc có ý kiến khác.
Như vậy, không có phương án nào nhận được sự ủng hộ của quá 50% tổng số ĐBQH. UBTVQH đề nghị Quốc hội cho phép chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào dự thảo Luật mà thực hiện như quy định của pháp luật hiện hành.
Theo đó, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng. Nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời, Điều 31 của dự thảo Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này.
Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2019, thay thế Luật Phòng, chống tham nhũng số 55/2005/QH11 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 01/2007/QH12 và Luật số 27/2012/QH13.
Xem thêm>>>
Xây dựng cơ chế bảo vệ đặc biệt đối với doanh nghiệp tố cáo hành vi nhũng nhiễu
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp phòng, chống tham nhũng