Hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội về vi phạm quy định bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm

Ngày đăng : 13:31, 20/11/2018

(Kiemsat.vn) - Để áp dụng đúng và thống nhất Điều 234 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, Điều 244 về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã ban hành Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP ngày 05/11/2018 hướng dẫn áp dụng các loại tội phạm này.

Cụ thể, Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số tình tiết định tội đối với tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã (Điều 234) và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm (Điều 244):

Động vật hoang dã quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IIB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Động vật hoang dã khác quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật rừng thông thường theo quy định của pháp luật và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục III Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Động vật nguy cấp, quý, hiếm quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là các loài động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Cá thể là một cơ thể động vật còn sống hoặc đã chết. Cũng được coi là cá thể đối với cơ thể động vật đã chết mà thiếu một hoặc một số bộ phận cơ thể (ví dụ: cá thể tắc kè đã chết thiếu nội tạng hoặc cá thể hổ đã chết thiếu chân).

Bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống là những bộ phận thực hiện các chức năng chuyên biệt của cơ thể động vật, ngay khi tách rời những bộ phận này khỏi cơ thể sống của động vật thì động vật đó chết (ví dụ: đầu, tim, bộ da, bộ xương, buồng gan...).

Sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm là các loại sản phẩm có nguồn gốc từ động vật (ví dụ: thịt, trứng, sữa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, chân, móng...); động vật thủy sản đã qua sơ chế, chế biến ở dạng nguyên con; vật phẩm có thành phần từ các bộ phận của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm đã qua chế biến (ví dụ: cao nấu từ xương động vật hoang dã; túi xách, ví, dây thắt lưng làm từ da động vật hoang dã).

Động vật lớp khác quy định tại Điều 244 của Bộ luật Hình sự là động vật nguy cấp, quý, hiếm ngoài lớp thú, lớp chim, lớp bò sát nhưng thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB theo quy định của Chính phủ hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm c khoản 1 Điều 234 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 234 của Bộ luật Hình sự.

- Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này theo điểm e khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự là trước đó đã bị xử phạt hành chính về một trong những hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự, nhưng chưa hết thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính mà lại thực hiện một trong các hành vi quy định tại điểm c, d và đ khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Bên cạnh đó, Nghị quyết quy định cụ thể về hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm: Với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm kể từ 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 (ngày Bộ luật Hình sự có hiệu lực thi hành) nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự.

Và hành vi tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm có từ trước ngày 01 tháng 01 năm 2018 thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp tàng trữ cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm nhằm mục đích buôn bán, thu lợi bất chính.

Ảnh minh họa (Internet)

Liên quan đến hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm được Nghị quyết hướng dẫn cụ thể như sau:

- Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm của người khác nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm chiếm đoạt tương ứng quy định tại Chương các tội xâm phạm sở hữu của Bộ luật Hình sự.

- Người thực hiện hành vi chiếm đoạt cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm sau đó lại thực hiện một trong các hành vi vi phạm quy định tại Điều 234 hoặc Điều 244 của Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì tùy từng trường hợp cụ thể còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã hoặc tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Ví dụ 1: Nguyễn Văn A trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng, sau đó A đi bán cho Nguyễn Văn B thì bị bắt quả tang. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản và tội vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm.

Ví dụ 2: Nguyễn Văn C trộm cắp 10 kilôgam ngà voi trị giá 130 triệu đồng. Trong khi C đang vận chuyển đi cất giấu thì bị phát hiện bắt giữ. Trường hợp này, C chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản.

Xem toàn bộ Nghị quyết tại đây

Xem thêm >>>

Hướng dẫn áp dụng Điều 234, 244 BLHS và Điều 106 BLTTHS

Ngân Hà