Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án

Ngày đăng : 00:21, 18/11/2018

(Kiemsat.vn) - Hoạt động trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, BLTTDS 2015 đã bổ sung thêm một số nội dung mới, mở ra hành lang pháp lý cho Viện kiểm sát nâng cao chất lượng kiểm sát hoạt động này. Tuy nhiên, trong thực tế, công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu gặp khá nhiều khó khăn đòi hỏi phải có những giải pháp cụ thể.

Khó khăn trong công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án

1. Tòa án trả lại đơn khởi kiện mà không ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện trong văn bản.

Theo quy định của BLTTDS năm 2015 thì khi đương sự nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự cho Tòa án, nếu thấy có một trong các căn cứ nêu tại khoản 1 Điều 192, Tòa án có quyền trả lại đơn khởi kiện cho đương sự và không thụ lý vụ án. Khi trả lại đơn khởi kiện cho đương sự, Thẩm phán phải có văn bản nêu rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, đồng thời gửi cho Viện kiểm sát cùng cấp. Khoản 1 Điều 194 BLTTDS 2015 cũng quy định: Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản trả lại đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, Viện kiểm sát có quyền kiến nghị với Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện.

Thực tiễn kiểm sát hoạt động trên cho thấy, có trường hợp Tòa án áp dụng các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 192 BLTTDS để trả lại đơn khởi kiện cho đương sự không chính xác. Nhiều trường hợp khi trả lại đơn khởi kiện, Tòa án không có văn bản kèm theo hoặc có thông báo trả lại đơn nhưng không ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện, gây khó khăn cho các đương sự và Viện kiểm sát trong việc xác định lý do trả có đúng hay không.

2. Tòa án trả lại đơn khởi kiện nhưng không chuyển Thông báo trả lại đơn cho Viện kiểm sát theo quy định.

BLTTDS năm 2015 và Điều 12 Quy chế phối hợp số 01/QCLN/VKS-TA ngày 09/9/2013 giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội quy định rõ: Trong trường hợp Tòa án trả lại đơn khởi kiện, Tòa án gửi ngay thông báo cho Viện kiểm sát kèm theo bản sao đơn khởi kiện để Viện kiểm sát thực hiện quyền kiểm sát. Tuy nhiên, thực tế cho thấy Tòa án chưa thực hiện tốt quy định này như không thông báo cho Viện kiểm sát biết việc trả lại đơn khởi kiện; hoặc có thông báo nhưng không nêu rõ lý do trả lại đơn trong thông báo trả lại đơn; không chuyển bản sao đơn khởi kiện của đương sự kèm theo Thông báo trả lại đơn…đến khi đương sự gửi đơn khiếu nại đến Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát mới biết.

3. Khó khăn trong việc phối hợp với Tòa án để phôtô tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.

Để kiểm sát tốt thông báo trả lại đơn khởi kiện, KSV phải biết được nội dung đơn khởi kiện của đương sự cùng với các tài liệu gửi kèm theo đơn khởi kiện do đương sự nộp để đối chiếu với lý do nêu trong Thông báo trả lại đơn của Tòa án để xem xét thực hiện quyền kiến nghị của Viện kiểm sát. Việc có được những tài liệu đó cần có sự phối hợp với Tòa án. Nhưng sự phối hợp đó nhiều khi gặp khó khăn khi Thẩm phán không thực hiện theo Quy chế 01/2013 và lấy lý do BLTTDS không quy định Tòa có trách nhiệm gửi các văn bản này cho Viện kiểm sát hoặc lấy lý do công tác, kéo dài thời gian cung cấp các tài liệu khởi kiện dẫn đến hết thời hạn kiến nghị của Viện kiểm sát.

4. Tòa án không phân công thẩm phán giải quyết khiếu nại, không mở phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị.

Việc Tòa án phân công thẩm phán giải quyết khiếu nại và mở phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu là quy định mới của BLTTDS năm 2015, có thể thấy pháp luật ngày càng chú trọng đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện, người yêu cầu, cũng như giải quyết kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân. Theo đó, Viện kiểm sát có thêm nhiệm vụ tham gia phiên họp giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

Tuy nhiên, việc nắm bắt số liệu số đơn khởi kiện nào Tòa án đã trả lại đương sự, những trường hợp nào đương sự đã có đơn khiếu nại việc trả lại đơn khởi kiện là không dễ dàng. Vì nhiều trường hợp Tòa án không chuyển Thông báo việc trả lại đơn khởi kiện cho Viện kiểm sát chỉ đến khi Tòa án mở phiên họp để xét khiếu nại của đương sự để KVS tham gia thì Viện kiểm sát mới biết.

Mặt khác, pháp luật cũng chưa có chế tài đối với trường hợp sau khi nhận được đơn khiếu nại của đương sự, kiến nghị của Viện kiểm sát về việc trả lại đơn, Tòa án không mở phiên họp  giải quyết việc khiếu nại, kiến nghị hoặc có mở phiên họp nhưng mở chậm gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, ảnh hưởng đến công tác kiểm sát của Viện kiểm sát.

5. Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát về ngày mở phiên họp.

Pháp luật quy định: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị có sự tham gia của đại diện Viện kiểm sát cùng cấp và đương sự có khiếu nại; trường hợp đương sự vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên họp. Tuy nhiên, quyết định mở phiên họp của Thẩm phán có được thể hiện bằng văn bản hay không, được ban hành trước khi mở phiên họp bao lâu, có được gửi cho Viện kiểm sát hay không? Thì hiện nay BLTTDS chưa quy định rõ. Vì vậy, nhiều trường hợp Tòa án thông báo cho Viện kiểm sát trước khi mở phiên họp chỉ một vài ngày dẫn đến việc Viện kiểm sát không đủ thời gian nghiên cứu hồ sơ khiếu nại để tham gia phiên họp.

6. Mặc dù pháp luật đã quy định nội dung bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện. Tuy nhiên, bài phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên họp có phải gửi cho Tòa án để lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại, kiến nghị hay không thì đến nay pháp luật vẫn chưa quy định.  

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án

BLTTDS năm 2015 mở ra hành lang pháp lý để đảm bảo thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát. Trên cơ sở quy định của pháp luật, quy chế nghiệp vụ của ngành, nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án, tôi xin mạnh dạn đưa ra một số giải pháp tạm thời để triển khai thực hiện có hiệu quả hoạt động này trong thời gian chờ hướng dẫn của Viện kiểm sát cấp trên.

1. Kiểm sát viên, Kiểm tra viên được giao nhiệm vụ phải kiểm sát chặt chẽ các thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án, nếu phát hiện Tòa án không ghi rõ lý do trả lại đơn khởi kiện trong văn bản, cần yêu cầu Tòa án sửa chữa, khắc phục kịp thời.

2. Lập sổ sách riêng để theo dõi việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án. Trong đó, lập cụ thể các cột mục như ngày, tháng, năm Tòa án nhận đơn khởi kiện; Số, ngày, tháng, năm Tòa án ra quyết định trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; Lý do trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; ngày, tháng, năm Viện kiểm sát nhận được thông báo trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án…

3. Hàng tuần, hàng tháng phải tăng cường phối hợp với Tòa án trong việc đối chiếu sổ sách, chốt số liệu những vụ việc Tòa án trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu; khi phát hiện những trường hợp Tòa án đã trả lại đơn khởi kiện nhưng chưa thông báo cho Viện kiểm sát phải yêu cầu Tòa án khắc phục kịp thời.

4. Lãnh đạo đơn vị đề ra một số biện pháp quản lý, theo dõi chặt chẽ hơn hoạt động kiểm sát trả lại đơn khởi kiện của Tòa án như: Phân công Kiểm sát viên kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án; khi phát hiện có vi phạm thì kịp thời báo cáo đề xuất lãnh đạo có công văn rút hồ sơ lưu tại Tòa án để nghiên cứu, xem xét việc kiến nghị theo thẩm quyền. Toàn bộ hoạt động này phải được lập thành hồ sơ, đưa vào lưu trữ đúng quy định và cập nhật kết quả cụ thể vào sổ theo dõi.

5. Lãnh đạo 2 ngành Tòa án, Viện kiểm sát tổ chức các buổi họp rút kinh nghiệm trong công tác kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu, thụ lý vụ án, đảm bảo thực hiện tốt Quy chế liên ngành số 01 năm 2013.

6. Lãnh đạo đơn vị, kiểm sát viên thường xuyên cập nhật các thông báo, hướng dẫn nghiệp vụ của Ngành; không ngừng nghiên cứu, học tập để nâng cao kỹ năng kiểm sát, trình độ nghiệp vụ và bản lĩnh nghề nghiệp để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình mới.

Thực tiễn luôn vận động không ngừng, các quan hệ pháp luật dân sự ngày càng phong phú, phức tạp, đòi hỏi sự tương thích của pháp luật để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn; Những quy định về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu cũng không ngoại lệ. Việc nghiên cứu những vấn đề lý luận, thực tiễn về việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của Tòa án góp phần bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

Trần Thúy Bình - Phòng Tổ chức cán bộ

Theo VKSND tp Hà Nội